Báo Đồng Nai điện tử
En

Công bố bài báo khoa học quốc tế: Còn lắm chông gai

04:12, 21/12/2020

Việc công bố những bài báo khoa học, đặc biệt là các bài được đăng trên những tạp chí khoa học uy tín của thế giới không chỉ cho thấy năng lực nghiên cứu của cá nhân nhà khoa học mà còn góp phần nâng cao uy tín của giới khoa học ở Việt Nam.

Việc công bố những bài báo khoa học, đặc biệt là các bài được đăng trên những tạp chí khoa học uy tín của thế giới không chỉ cho thấy năng lực nghiên cứu của cá nhân nhà khoa học mà còn góp phần nâng cao uy tín của giới khoa học ở Việt Nam.

TS Phạm Văn Toản (bìa phải), Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đã có bài báo khoa học quốc tế. Ảnh: H.YẾN
TS Phạm Văn Toản (bìa phải), Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đã có bài báo khoa học quốc tế. Ảnh: H.YẾN

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi viết bài báo khoa học theo chuẩn thế giới, nhất là đối với khối ngành khoa học xã hội và nhân văn.

* Khó có bài báo khoa học quốc tế trong lĩnh vực xã hội và nhân văn

Do đặc thù riêng, khối ngành khoa học xã hội và nhân văn được cho là khó có các bài báo công bố quốc tế hơn so với khối ngành kỹ thuật. Mặc dù hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) vẫn được các viện, trường đẩy mạnh nhưng các bài báo khoa học khối ngành này chủ yếu công bố ở các tạp chí trong nước. Đặc biệt, với những trường đại học có “tuổi đời” còn non trẻ thì hoạt động này càng khó khăn hơn.

Trường đại học Văn hiến (TP.HCM) là trường đại học ngoài công lập đầu tiên có tạp chí khoa học nằm trong danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm do Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận. Theo đó, bài báo thuộc chuyên ngành văn học và liên ngành văn hóa - thể thao - du lịch được tính 0,5 điểm, bài báo thuộc chuyên ngành kinh tế được tính 0,25 điểm (mức điểm cao nhất đối với bài báo khoa học đăng ở các tạp chí trong nước là 1 điểm). Hiện tại mỗi năm, trường xuất bản 4 số bằng tiếng Việt và 1 số bằng tiếng Anh.

Tuy có hoạt động NCKH được đánh giá cao nhưng khối ngành khoa học xã hội và nhân văn của Trường đại học Văn hiến đến nay vẫn chưa có bài báo được công bố quốc tế. Lý giải vấn đề này, TS Đặng Quốc Minh Dương, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế của trường cho rằng, khó khăn đầu tiên chính là khả năng ngoại ngữ của người làm NCKH. Vì ngoại ngữ không tốt nên nhà nghiên cứu khó có thể đọc và viết các bài báo quốc tế. Thứ hai, các tạp chí khối ngành Khoa học xã hội ít hơn những khối ngành khác. Hơn nữa, tính ứng dụng của các đề tài NCKH khối ngành này, đặc biệt là chuyên ngành Văn học, thường không rõ ràng. Trong khi đó, các tạp chí khoa học quốc tế lại đặt ra yêu cầu cao đối với tính ứng dụng.  

Trường đại học Đồng Nai cũng đã có tạp chí khoa học hoạt động 5 năm nay. Sau nhiều cố gắng, đến nay, tạp chí này có 2 ngành được nằm trong danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm do Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận. Đó là ngành Vật lý và ngành Quản lý giáo dục (đều được tính 0,25 điểm). Để có những bài báo khoa học đạt chất lượng, ngoài việc cổ vũ tinh thần nghiên cứu của các giảng viên trong trường, Ban biêp tập tạp chí phải mời cả các nhà khoa học, giảng viên ngoài nhà trường tham gia viết bài.

PGS-TS Nguyễn Duy Anh Tuấn, Trưởng phòng NCKH - sau đại học và quan hệ quốc tế, Phó tổng biên tập Tạp chí khoa học Trường đại học Đồng Nai chia sẻ: “Chúng tôi đã đề xuất tính điểm với bài báo thuộc chuyên ngành Văn học nhưng vẫn chưa được. Năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng nâng chất bài báo thuộc lĩnh vực này để được nằm trong danh mục tính điểm”.

PGS-TS Nguyễn Duy Anh Tuấn cho biết, tính đến nay, Trường đại học Đồng Nai vẫn chưa có bài thuộc ngành Khoa học xã hội và nhân văn được công bố trên tạp chí quốc tế. Các ngành của trường có bài đăng trên tạp chí quốc tế là Vật lý, Toán học, Môi trường…

* Từ bỏ “giấc mộng” tiến sĩ 

Theo Quy chế về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ có hiệu lực từ ngày 18-5-2017, để được đăng ký đánh giá luận án, nghiên cứu sinh phải có 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí khoa học uy tín được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận: ISI-Scopus. Nghiên cứu sinh cũng có thể công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Đây chính là quy định khiến nhiều người có mong muốn học tiếp bậc tiến sĩ phải “dè chừng” bởi đối với họ, việc có bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài là thử thách không dễ vượt qua.

Một giáo viên thuộc trường THPT ở TP.Biên Hòa chia sẻ: “Dù rất muốn học tiếp để lấy bằng tiến sĩ nhưng nghĩ đến việc phải có 2 bài báo công bố quốc tế thì mình lại chùn bước. Chắc là sẽ không học nữa”.

Cô Đỗ Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh (H.Trảng Bom) hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Văn học Việt Nam, Học viện Khoa học xã hội (TP.Hà Nội). Năm 2017, khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị áp dụng Quy chế đào tạo tiến sĩ mới, cô Vân thi đậu nghiên cứu sinh. Cô cùng 8 nghiên cứu sinh khác nhận quyết định đào tạo vào tháng 3-2017 nên vẫn áp dụng theo Quy chế đào tạo cũ, tức là không cần có 2 bài báo công bố quốc tế. Dù vậy, sau gần 4 năm học, cô Vân cũng mới có được 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước.

Dù không có công bố khoa học quốc tế nhưng cô Vân vẫn gặp khó khăn. “Tôi nghiên cứu chuyên về văn học Việt Nam đương đại mà những kiến thức này hầu như không dùng trong quá trình dạy ở bậc THCS. Do vậy, tôi không được trau dồi, sử dụng thường xuyên, không có cơ hội áp dụng trong thực tế. Với những giảng viên đại học đi làm nghiên cứu sinh thì đó lại là lợi thế vì họ có môi trường để sử dụng”.

Được biết, sau khóa tuyển sinh năm 2017, năm tiếp theo, Học viện Khoa học xã hội không tuyển thêm được nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn học Việt Nam nào. Năm 2019, đơn vị cũng chỉ tuyển thêm được 1 nghiên cứu sinh ngành này. Yêu cầu phải có 2 bài báo công bố khoa học quốc tế chính là thách thức khiến nhiều người không thể vượt qua.

* Để nâng “chất” bài báo khoa học

Với kinh nghiệm tổ chức, biên tập tạp chí khoa học của trường, TS Đặng Quốc Minh Dương chia sẻ, muốn bài báo khoa học có chất lượng thì phải có đề tài nghiên cứu tốt. Thông thường, các bài nghiên cứu được thực hiện từ những đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở, bộ, Nhà nước sẽ có chất lượng cao.

TS Cao Văn Dư, Phó trưởng khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng có bài báo khoa học quốc tế.
TS Cao Văn Dư, Phó trưởng khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng có bài báo khoa học quốc tế.

Theo TS Dương, để nâng cao chất lượng bài báo khoa học cần phải đẩy mạnh tính phản biện của Hội đồng biên tập. Bởi lẽ, các tạp chí khoa học đều có các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành “đứng chân” trong Hội đồng biên tập. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về hoạt động NCKH của giảng viên.

“NCKH và giảng dạy là 2 hoạt động không thể tách rời ở trường đại học. Theo quy định, Bộ GD-ĐT và các trường đại học đều có quy định về số giờ chuẩn giảng dạy và số giờ làm NCKH cụ thể. Tuy nhiên, giảng viên có thể quy đổi từ giờ chuẩn giảng dạy sang giờ NCKH nên giảng viên vẫn ưu tiên cho việc giảng dạy nhiều hơn. Do vậy, nếu các trường đưa ra quy chế bắt buộc về số lượng bài NCKH mà giảng viên phải hoàn thành trong mỗi năm học thì cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng NCKH” - TS Dương cho biết thêm.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Duy Anh Tuấn, muốn hoạt động NCKH ở trường đại học phát triển thì cần phải có chế độ khuyến khích, đãi ngộ phù hợp. Theo ông Tuấn, để có được một bài công bố quốc tế, giảng viên phải mất ít nhất một vài năm để nghiên cứu. Khi nộp bài, tùy theo tạp chí, có khi tác giả phải nộp tiền phản biện (chi phí khoảng 100-200 USD). Thế nhưng khi có bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế thì lại không được khen thưởng phù hợp.

“Năm vừa rồi, chính tôi tham mưu để đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của Trường đại học Đồng Nai nội dung khen thưởng cán bộ, giảng viên của trường có bài công bố quốc tế với số tiền 25 triệu đồng/bài. Trong khi đó, theo tôi được biết, có những trường thưởng đến 200 triệu đồng với mỗi bài công bố quốc tế. Chưa kể, với những giảng viên đạt chức danh phó giáo sư cũng không thấy được khen thưởng, tuyên dương. Tôi cho rằng tỉnh cần phải có cơ chế khuyến khích để thúc đẩy công tác NCKH hơn nữa. Đối với riêng nhà trường, việc giảng viên có nhiều bài báo công bố khoa học quốc tế cũng góp phần nâng cao uy tín cho nhà trường” - PGS-TS Nguyễn Duy Anh Tuấn cho biết.

Quy định về thời gian làm việc, giờ chuẩn giảng dạy và nghiên cứu khoa học

(Trích Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27-7-2020 của Bộ GD-ĐT Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học)

Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, được xác định theo năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200-350 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 600-1.050 giờ hành chính).

Giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học…

Đối với những giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ mức độ, hoàn cảnh cụ thể để xem xét khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm học, xếp loại thi đua và giải quyết các chế độ, chính sách liên quan; đồng thời, cho phép bù giờ chuẩn giảng dạy sang giờ nghiên cứu khoa học đối với những giảng viên này.

Hải Yến

Tin xem nhiều