Từ năm 2016, Đồng Nai đã đề xuất, bắt tay thực hiện một loạt dự án nhằm "giải cứu" thực trạng kẹt xe khu vực TP.Biên Hòa như: đường ven sông Cái, đường trục trung tâm thành phố, cầu Thống Nhất nối trung tâm TP.Biên Hòa với cù lao Hiệp Hòa, đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp để tạo ra các tuyến giao thông thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ năm 2016, Đồng Nai đã đề xuất, bắt tay thực hiện một loạt dự án nhằm “giải cứu” thực trạng kẹt xe khu vực TP.Biên Hòa như: đường ven sông Cái, đường trục trung tâm thành phố, cầu Thống Nhất nối trung tâm TP.Biên Hòa với cù lao Hiệp Hòa, đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp để tạo ra các tuyến giao thông thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những tuyến đường, công trình nói trên khi làm xong sẽ trở thành những tuyến giao thông huyết mạch và tạo ra điểm nhấn, mỹ quan cho đô thị Biên Hòa. Tuy nhiên đến nay, nhiều dự án quan trọng vẫn bế tắc, giậm chân tại chỗ. Điều này, đồng nghĩa với việc kẹt xe tiếp tục “bủa vây” TP.Biên Hòa, người dân vẫn sẽ sống chung với thực trạng này.
Phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng kẹt xe gia tăng do các giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ. Trong đó, công tác quản lý tổ chức giao thông đối với đô thị hơn 1,3 triệu dân còn nhiều bất cập, việc ứng dụng công nghệ về quản lý điều hành giao thông thông minh chưa được đầu tư đúng mức. Đặc biệt, các dịch vụ vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng yêu cầu, quy hoạch và phát triển đô thị. Các trung tâm thương mại, trường học, các công trình nhà ở mới được xây dựng chưa gắn liền với phát triển giao thông dẫn đến gây ùn tắc ngay khi đưa vào khai thác.
Giải quyết kẹt xe trong bối cảnh nguồn lực có hạn và hệ thống hạ tầng hiện hữu là rất khó khăn. Nhưng khó cũng phải làm, bởi ùn tắc giao thông gây ra nhiều hệ lụy, tác động đến phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông và chất lượng môi trường sống. Trước những thách thức này, đòi hỏi chính quyền, các ban, ngành và những người có trách nhiệm sẽ phải điều chỉnh, khẩn trương đưa ra một phương án tổng thể nhất.
Mới đây, một số tuyến đường trên địa bàn thành phố được “nới rộng” như: Võ Thị Sáu, Đặng Văn Trơn, Bùi Trọng Nghĩa nhằm tăng diện tích cho phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì đây chỉ là giải pháp tình thế. Các chuyên gia giao thông cho rằng, mở rộng đường cũng cần tính đến tốc độ phát triển và nhu cầu đi lại trong 15-20 năm, chứ mở rộng đến khi hoàn thành sau 4-5 năm thi công thì tình trạng kẹt cứng hay ùn tắc giao thông vẫn lặp lại do sự phát triển và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao. Vì vậy, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị cần có tầm nhìn và căn cơ hơn.
Mở rộng đường hay đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án rất cần thiết, nhưng điều phối giao thông cũng rất quan trọng, nhất là khi hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và xu hướng gia tăng nhiều xe cá nhân như hiện nay. Do đó, công tác phân luồng, điều tiết giao thông, kiểm tra xử lý vi phạm… của lực lượng chức năng cần được làm quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật điều hành đối với những người đứng đầu các địa phương thiếu quyết liệt trong giải tỏa, xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tràn lan gây cản trở giao thông.
Hải Dương