Đồng Nai hiện có mạng lưới quan trắc môi trường các thành phần: nước, đất, không khí. Mạng lưới này sẽ không hoàn thiện nếu thiếu quan trắc đa dạng sinh học...
Đồng Nai hiện có mạng lưới quan trắc môi trường các thành phần: nước (nước mặt, nước ngầm), đất, không khí. Mạng lưới này sẽ không hoàn thiện nếu thiếu quan trắc đa dạng sinh học (ĐDSH).
Cao cát bụng trắng, loài chim quý ở rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: LamJiang |
[links()]Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt đề án Quy hoạch tổng thể mạng lưới ĐDSH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Việc triển khai đề án còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đây là nỗ lực của tỉnh trong xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường; là cơ sở cho ngành chức năng xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững ĐDSH.
* Hệ thống cảnh báo sớm
Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, đề án quy hoạch tổng thể ĐDSH đã có, tuy nhiên để triển khai thực hiện và lắp đặt quan trắc ĐDSH còn nhiều khó khăn.
Thứ nhất, nguồn ngân sách chi cho công tác bảo vệ môi trường hằng năm phải ưu tiên các dự án cấp thiết hơn như: lắp quan trắc môi trường nước thải tại các khu công nghiệp, sông hồ; lắp đặt quan trắc môi trường không khí ở khu vực sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, nơi có mật độ giao thông cao; đầu tư hệ thống thoát nước chống ngập, xử lý nước thải đô thị; thu gom, xử lý chất thải các loại và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Thứ hai, Luật ĐDSH quy định các địa phương phải xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH và điều tra, đánh giá bổ sung, cập nhật hiện trạng ĐDSH thường xuyên, tuy nhiên đến nay, các ngành chức năng chưa có hướng dẫn về quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ quan trắc phải lắp đặt. Thứ ba, chi phí đầu tư điểm quan trắc tốn kém.
“Hệ thống quan trắc ĐDSH vừa bổ trợ cho công tác điều tra, giám sát vừa có thể đưa ra các dự báo, cảnh báo về mối nguy cơ đối với môi trường” - bà Dương cho hay.
Cùng với các phương pháp quan sát khác, các điểm quan trắc ĐDSH tự động liên tục hoặc theo cho kỳ sẽ giúp việc ghi nhận âm thanh, hình ảnh, số lượng các loài, diễn biến sinh trưởng tốt hơn. Đây là cơ sở để đưa ra các cảnh báo sớm về hiện tượng suy thoái hệ sinh thái; xây dựng các biện pháp bảo tồn, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
* Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái
Theo Sở TN-MT, mặc dù công tác bảo tồn và phát triển hệ sinh thái ngày càng được quan tâm, nhưng hiểu biết về đặc tính của từng loài còn hạn chế, nghiên cứu xác nhận sự hiện diện của một số loài đặc thù mất nhiều thời gian và kinh phí nên cần thiết phải thiết lập mạng lưới quan trắc ĐDSH tại các khu vực có hệ sinh thái đa dạng, cập nhật dữ liệu tài nguyên thiên nhiên thường xuyên.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2028, Sở TN-MT sẽ thực hiện kiểm kê, cập nhật tài nguyên ĐDSH trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm kê được thực hiện thông qua quan sát thực tế và điểm quan trắc ĐDSH. Nội dung bao gồm lập danh mục hiện trạng, phân bố, diễn biến của các hệ sinh thái và từng loài động, thực vật; đánh giá tác động của con người, quản lý đất đai đến ĐDSH.
Ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho rằng, mỗi năm, diện tích cây xanh của khu vực rừng ngập mặn đều tăng thêm; cùng với đó là sự xuất hiện nhiều loài động, thực vật mới. Nếu có hệ thống quan trắc ĐDSH tự động, có cơ sở dữ liệu của các loài, đặc tính sinh trưởng, thì đơn vị sẽ không mất nhiều thời gian thử nghiệm các giống cây trồng dưới nước, dễ dàng lựa chọn phát triển một số loài động vật phù hợp với môi trường tự nhiên, phát triển ĐDSH và du lịch sinh thái.
Đề án Mạng lưới quan trắc ĐDSH giai đoạn 2021-2030 xác định có 17 khu vực ưu tiên cần lắp đặt quan trắc ĐDSH. Đó là các khu vực thuộc: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, các rừng phòng hộ và khu du lịch sinh thái trong hệ sinh thái nhân tạo; hệ sinh thái dưới nước. Tùy theo từng khu vực và từng loài xác định thời gian quan trắc, tần suất và vị trí lắp đặt quan trắc. Đây là cơ sở để đánh giá tổng thể ĐDSH của tỉnh; xác định loài, vùng ưu tiên bảo tồn; theo dõi diễn biến của các loài, nguồn gen cũng như tác động của quản lý đất đai, biến đổi khí hậu đến ĐDSH. |
Ban Mai