Theo Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030, thì nhu cầu vốn cần để triển khai là gần 843 tỷ đồng...
Về việc triển khai Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là tính khả thi của đề án khi triển khai trong thực tế chứ không phải ở con số đẹp.
Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (H.Cẩm Mỹ) được chọn làm thí điểm mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai . Ảnh: L.Quyên |
Đề án cũng đưa ra nhu cầu vốn để triển khai cần gần 843 tỷ đồng cũng như các giải pháp đồng bộ để triển khai đề án vào thực tế, nhất là trong việc thu hút doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư.
* Ứng dụng vào sản xuất
Các mô hình trồng trọt ứng dụng CNC trong Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng CNC của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được chia thành 3 nhóm. Nhóm mô hình CNC mang tính đột phá (nhóm A) là các loại nông sản giống mới cho năng suất cao, có khả năng ứng dụng nhiều CNC của Israel từ khâu sản xuất đến sơ chế, bảo quản, tiêu thụ, giàu tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Sản phẩm chủ lực của nhóm A gồm bơ Hass, chanh dây, thanh long vỏ vàng, thơm MD2 và chuối Cavendich. Nhóm mô hình thí điểm trọng yếu, chủ lực (nhóm B) cần tăng cường ứng dụng CNC với một số cây trồng quan trọng tại địa phương như: rau trồng trong nhà lưới, tiêu, bưởi da xanh. Nhóm các mô hình mang tính hỗ trợ cho nền nông nghiệp truyền thống của địa phương (nhóm C) gồm các loại cây ăn trái thế mạnh của tỉnh như: chôm chôm, mít, xoài, sầu riêng…
Đề án sẽ thực hiện 13 mô hình thí điểm thuộc các nhóm trên, tập trung cho các loại cây trồng quan trọng, có tiềm năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, có lợi thế cạnh tranh.
Trong đó, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (H.Cẩm Mỹ) được chọn thực hiện thí điểm 4 mô hình giống mới thuộc nhóm A với tổng diện tích 40ha và thí điểm 3ha trồng rau, quả trong nhà lưới và các mô hình vườn ươm giống cây ăn trái... Các mô hình khác thí điểm ứng dụng công nghệ cao trồng hồ tiêu, mít, xoài, sầu riêng, măng cụt… sẽ được thực hiện tại các địa phương có thế mạnh phát triển những cây trồng này.
* Huy động nhiều nguồn lực
Để đề án được triển khai trong thực tế cần nhóm các giải pháp đồng bộ về khoa học, công nghệ; giải pháp về hệ thống thông tin nông nghiệp, thị trường nông sản và xây dựng chuỗi giá trị nông sản; giải pháp sơ chế, đóng gói, bảo quản, giới thiệu và phân phối nông sản của tỉnh. Trong đó, nhóm giải pháp về chính sách có ý nghĩa rất quan trọng.
Vì nhu cầu vốn để triển khai đề án trên là rất lớn với gần 843 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tư nhân là chủ yếu với hơn 513 tỷ đồng do doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư. Ngân sách nhà nước đầu tư trên 329 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và nguồn vốn sự nghiệp hằng năm.
Ở đây, việc nghiên cứu xây dựng hoặc lồng ghép các chính sách nhà nước đã ban hành để phát triển nông nghiệp CNC, nhất là các chính sách hỗ trợ cần được chú trọng. Đây là cơ sở để khuyến khích người dân chuyển đổi từ kinh tế hộ sang trang trại và vươn lên thành doanh nghiệp.
Ngay từ năm 2011, ông Đỗ Nhật Tâm, nông dân ở xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) đã mạnh dạn đầu tư nhà màng và nhiều công nghệ, kỹ thuật mới vào trồng dưa lưới nên tăng gấp nhiều lần thu nhập cho cùng một diện tích đất. Ông Tâm không chỉ chú trọng ứng dụng những giống mới cùng những kỹ thuật, công nghệ mới trong quy trình sản xuất mà ngày càng quan tâm chuyển dần sản xuất theo hướng hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Nhờ vậy, sản phẩm dưa lưới của ông Tâm không chỉ tiêu thụ tốt tại các cửa hàng, siêu thị trái cây sạch tại TP.HCM mà còn được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu đi Nhật Bản.
“Những nông dân đi tiên phong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp như bản thân tôi phải tự xoay xở về nguồn vốn cũng như học hỏi, đúc kết kinh nghiệm dần qua quá trình sản xuất. Để CNC có thể được ứng dụng rộng rãi hơn trong sản xuất, Nhà nước cần có những chính sách, chương trình hỗ trợ tư nhân ứng dụng CNC vào sản xuất thiết thực hơn, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thuận lợi hơn” - ông Tâm nói.
Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng CNC của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cũng chú trọng đến nội dung xây dựng, thành lập phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) giai đoạn 2 với chức năng, nhiệm vụ chính là kiểm nghiệm, kiểm định, cung cấp thông tin, kết quả phân tích theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh về chất lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. |
Lê Quyên