Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành GD-ĐT Đồng Nai: Những bước đi vững chắc

03:10, 03/10/2020

Những năm qua, tỉnh không ngừng củng cố cả về số lượng lẫn chất lượng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng Nai là một trong 10 tỉnh, thành có quy mô ngành GD-ĐT lớn nhất cả nước về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh.  Những năm qua, tỉnh không ngừng củng cố cả về số lượng lẫn chất lượng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang trao thưởng cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia  Ảnh: Công Nghĩa
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang trao thưởng cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia Ảnh: Công Nghĩa

Đến nay, toàn tỉnh có trên 800 cơ sở giáo dục, trong đó cơ sở giáo dục công lập chiếm trên 500 cơ sở, tăng đáng kể so với cách đây 5 năm. Đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có trên 32 ngàn người, tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho hơn 750 ngàn học sinh.

* Nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

Cẩm Mỹ là huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất của tỉnh với 51/61 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 83%). Dù là huyện có nguồn thu ngân sách không lớn so với nhiều địa phương khác, trong khi đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn cần nguồn lực lớn nhưng huyện đã xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, từng năm học và từng cấp học, tận dụng nguồn lực của huyện lẫn nguồn lực của tỉnh để tập trung thực hiện mục tiêu này.

Năm 2017, H.Trảng Bom mới chỉ có 21/74 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (chiếm 28,37%). Trên địa bàn huyện vẫn còn những điểm “nóng” về trường lớp, đặc biệt là những xã nằm gần các khu công nghiệp như Hố Nai 3, Bình Minh, Bắc Sơn, TT.Trảng Bom. Tuy nhiên, với nỗ lực cao và giải pháp linh hoạt, chỉ trong 3 năm (từ năm 2017 đến đầu năm 2020), H.Trảng Bom đã có thêm 35 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 75%). Dự kiến từ nay đến cuối năm, huyện có thêm nhiều trường mới được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết: “Xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ cần tiền mà phải có quyết tâm cùng các giải pháp cụ thể. Huyện đã xác định nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và ưu tiên nguồn lực cao. Chỗ nào cần là tập trung ưu tiên đầu tư, chỗ nào khó thì tập trung tháo gỡ. Chẳng hạn khó về giải phóng mặt bằng thì thay đổi quy hoạch, chuyển địa điểm mới để không vướng mắc. Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục từ doanh nghiệp để xây dựng trường cho con công nhân có thêm chỗ học tập khang trang”.

Học sinh Trường THCS-THPT Trịnh Hoài Đức (H.Trảng Bom) thực hành trong phòng công nghệ
Học sinh Trường THCS-THPT Trịnh Hoài Đức (H.Trảng Bom) thực hành trong phòng công nghệ

Toàn tỉnh hiện có 350 trường mầm non, 299 trường tiểu học, 176 trường THCS, 101 trường THPT công lập và tư thục. Năm 2014, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong kế hoạch đã xác định chỉ tiêu về trường học đạt chuẩn quốc gia của các cấp học công lập đến năm 2020 đối với bậc mầm non và tiểu học đạt 50%, THCS đạt 80% và THPT đạt 90% trở lên. Dự kiến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 5/11 địa phương hoàn thành chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia và 5 địa phương hoàn thành từ 80% trở lên.

* Tạo hành trang hội nhập

Với quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, từ năm 2016, UBND tỉnh đã giao cho Sở GD-ĐT triển khai thí điểm mô hình trường học tiên tiến, hiện đại tại 26 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 10 trường THCS, 3 trường THPT, 1 trường THPT chuyên và tại Sở GD-ĐT. Dự án tập trung đầu tư vào các hạng mục như: phòng học tiên tiến, phòng học truyền hình, phòng tin học, phòng ngoại ngữ… Nhờ có các trang thiết bị công nghệ hiện đại, giáo viên thể hiện các bài giảng sinh động, thực hiện ghi hình làm tư liệu cho công tác dạy và học.

Đánh giá về hiệu quả sử dụng trang thiết bị đầu tư từ dự án, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho rằng, dự án đã được phát huy tốt tại các đơn vị được đầu tư, phù hợp với xu hướng công nghệ trong thời đại công nghệ 4.0, từ đó đội ngũ giáo viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học cho học sinh. Nhờ hệ thống phòng họp trực tuyến được kết nối giữa các huyện về Sở GD-ĐT nên các hoạt động chuyên môn, hội nghị trực tuyến giữa Sở GD-ĐT với các phòng GD-ĐT đã tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại, hội họp. Qua triển khai dự án, trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên đã được nâng lên rõ rệt.

Trong 5 năm trở lại đây, Đồng Nai còn được ghi nhận là một trong những địa phương thu hút tốt các nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục với những mô hình giáo dục mới, tiếp cận với các nền giáo dục có phương pháp dạy và học hiện đại. Những nguồn lực này đã mang lại nhiều mục tiêu kép cho tỉnh, đó là vừa giảm gánh nặng cho ngân sách, đa dạng hóa môi trường học tập, vừa giúp học sinh có nhiều cơ hội vươn mình ra thế giới khám phá tri thức. Ngoài các trường phổ thông tư thục, Đồng Nai đã có những mô hình trường phổ thông song ngữ, học sinh được học cả chương trình giáo dục Việt Nam và chương trình giáo dục quốc tế. Điển hình trong số đó có Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương Global Đồng Nai của Công ty CP Giáo dục Thành Thành Công, Hệ thống trường song ngữ từ mầm non đến THPT của Hệ thống giáo dục ABC EDU, hay Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng… 

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, để đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn tỉnh có điều kiện học tập nâng cao trình độ, thời gian qua, Sở đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ, giáo viên tham gia các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế. Qua các chương trình đào tạo, cán bộ và giáo viên được tiếp cận với các chương trình giáo dục hiện đại, giáo dục theo phương pháp STEM phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhờ đó, trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng cao nên chất lượng dạy và học cũng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT hằng năm đều tăng đáng kể. Đặc biệt, năm 2020 là năm Đồng Nai có tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nhất từ trước đến nay, dù gặp nhiều khó khăn của dịch Covid-19.      

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp:

Giáo dục Đồng Nai có những bước chuyển quan trọng

Trong 5 năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực cao nhất cho GD-ĐT, qua đó đã tạo được những bước chuyển quan trọng, trường lớp được kiên cố hóa, hiện đại hóa, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng cao… Chất lượng giáo dục các bậc học được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh hoàn thành các bậc học hằng năm đạt tỷ lệ cao. Tỉnh cũng đã làm tốt việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa giáo dục ở các bậc học, qua đó giải quyết cơ bản tình trạng quá tải trường lớp, đồng thời có những mô hình giáo dục chất lượng cao hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích