Một trong những điểm nổi bật của đồng bào tôn giáo tỉnh trong những năm qua là việc tham gia tích cực và sôi nổi vào hoạt động bác ái - xã hội.
Một trong những điểm nổi bật của đồng bào tôn giáo tỉnh trong những năm qua là việc tham gia tích cực và sôi nổi vào hoạt động bác ái - xã hội.
Các nhân viên y tế của Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Thiên An thuộc Dòng trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa đang chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: T.LÂM |
* San sẻ yêu thương
Trong những cơ sở nổi bật đóng góp trong công tác này, kể từ khi ra đời đến nay, Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (H.Trảng Bom) đã trở thành mái nhà chung của gần 100 cụ già neo đơn. Ở đây, các cụ được chăm sóc tận tình từ miếng ăn tới giấc ngủ, lúc khỏe mạnh cũng như khi qua đời. Không chỉ quan tâm đầu tư nhà ở, môi trường sống trong lành và những bữa ăn chất lượng, các nữ tu nơi đây còn dành nhiều thời gian quan tâm đến đời sống tinh thần cho các cụ. Với các cụ già neo đơn, cơ sở đã thật sự là chốn bình yên, ấm áp cho những ngày tháng cuối đời.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, đồng bào các tôn giáo đã thăm và tặng hơn 80 ngàn phần quà cho đồng bào nghèo, người già neo đơn, tàn tật, các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài tỉnh… với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng. |
Nữ tu Trần Thị Kim Hường, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên bộc bạch, mỗi cụ vào đây có một hoàn cảnh khác nhau, bằng tình yêu thương và tâm nguyện dành trọn đời mình để chăm sóc người nghèo, cơ sở luôn cố gắng phục vụ và chăm sóc để xoa dịu bớt những nỗi đau trong cuộc sống về tinh thần cũng như về vật chất, mang đến niềm vui, sự ấm áp mỗi ngày cho họ.
Chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật… là một trong những việc làm được đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia. Hiện trên địa bàn tỉnh, các tôn giáo đã thành lập được 39 cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục hơn 2 ngàn đối tượng thuộc diện trợ giúp xã hội. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng chi phí đóng góp cho công tác này của đồng bào tín đồ các tôn giáo lên đến 135 tỷ đồng.
Cùng với đó, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, đồng bào tín đồ các tôn giáo tích cực ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm nghĩa tình cho gia đình liệt sĩ, thương binh; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; nhận chăm sóc, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, hỗ trợ gia đình có công với cách mạng... Vào các dịp lễ, Tết, các tổ chức tôn giáo luôn có các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các chương trình nồi cơm từ thiện, nồi cháo tình thương; hũ gạo tình thương; nuôi heo đất... để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo luôn được đồng bào các tôn giáo triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
* Sẻ chia, giúp đỡ bằng cả tấm lòng
Các hoạt động từ thiện - xã hội của các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, tu sỹ, đồng bào tín đồ còn được thể hiện rõ trong các hoạt động y tế với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Đó là mở phòng khám đa khoa, Đông, Tây y; phòng chẩn trị y học cổ truyền; phòng thuốc Nam, thuốc Bắc... khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Tổ chức đoàn khám, chữa bệnh lưu động, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo vùng sâu, vùng xa. Hay tham gia hỗ trợ các chương trình y tế tại địa phương như tư vấn về y tế, chăm sóc sức khỏe, phát thẻ bảo hiểm y tế… cho người dân.
Nhiều năm qua, Tuệ tĩnh đường thuộc Giáo hội Phật giáo Đồng Nai (chùa Đức Quang, TP.Biên Hòa) đã trở thành địa chỉ khám và chữa bệnh tin cậy của những người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi nơi đây có các trang thiết bị phục vụ cho việc khám và điều trị, cấp thuốc được trang bị đầy đủ; bệnh nhân luôn được các nhân viên hướng dẫn tận tình theo đúng quy trình, được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí.
Hiện trung bình mỗi ngày Tuệ tĩnh đường đón tiếp hơn 100 bệnh nhân. Bằng tấm lòng sẻ chia giúp đỡ người nghèo, khi bệnh nhân đến khám bệnh, nhận thuốc đều nhận được sự quan tâm chu đáo, sự phục vụ hết lòng.
Đó còn là những đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài. Cụ thể, cùng với việc tích cực tham gia phát triển trường mầm non; trường dạy nghề, đồng bào các tôn giáo còn luôn quan tâm khen thưởng học sinh hiếu học, học giỏi, tặng học bổng học sinh nghèo; tổ chức học tập cộng đồng; hỗ trợ thiết bị học tập, phương tiện đi lại; tiếp sức mùa thi… Từ đó, cùng chung tay nuôi dưỡng, hướng dẫn để các em lớn lên trở thành người đạo đức và có ích cho đất nước.
Đặc biệt, theo Phó chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ vật chất, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong 9 tháng của năm 2020, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã chung tay đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng và các các nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn.
Ni sư Kim Sơn, Trưởng ban Từ thiện - xã hội Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trưởng ban Ni giới TP.Biên Hòa chia sẻ, với phương châm Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, cuộc sống an lạc, hạnh phúc của con người, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động bác ái - từ thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tạo nên nét đẹp văn hóa, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.
Thảo Lâm