Với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực đề ra những giải pháp phù hợp, hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) 5 năm qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực đề ra những giải pháp phù hợp, thiết thực, hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) trong 5 năm qua (2015-2020) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao đổi với thí sinh tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ “sân chơi” này, một số doanh nghiệp đã được thành lập, góp phần hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: H.Yến |
[links()]Trong đó, việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngày càng được chú trọng
* Tiền đề để phát triển nền “kinh tế số”
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng kỹ thuật số với các công nghệ tiên tiến đã tạo nên những thay đổi sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Cuộc CMCN 4.0 cũng đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của nền “kinh tế số”. Đồng Nai không nằm ngoài sự phát triển này.
Hiểu một cách ngắn gọn, kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Kinh tế số bao trùm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng…). Như vậy, để phát triển được nền kinh tế số, trước tiên cần phải xây dựng được nền tảng KH-CN, nhất là công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch thông qua môi trường internet.
Trong nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được chú trọng. Đến cuối năm 2019, có 46 ngàn ha diện tích cây trồng các loại áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; có 573ha cây trồng các loại được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đối với diện tích cây trồng mới và tái canh,100% diện tích đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; tỷ lệ bình quân các khâu cơ giới hóa trên cây trồng đạt 84%, trong đó 100% đất trồng lúa đã được sử dụng các loại máy móc, thiết bị để làm đất. |
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường ứng dụng, phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Đó là cơ sở để các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tháng 3-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 837/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020. Theo đó, doanh nghiệp tham gia chương trình được hỗ trợ các công cụ quản lý tiên tiến và xây dựng tiêu chuẩn; bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng website; hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng.
Trong 5 năm, toàn tỉnh có khoảng 340 doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 9,7 tỷ đồng. Riêng nội dung hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng website có 225 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình và được hỗ trợ.
Từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 tại Đồng Nai. Mỗi năm, tỉnh đều xây dựng chương trình phát triển hằng năm. Trong đó, ngoài hỗ trợ xây dựng website bán hàng cho các doanh nghiệp, HTX, Sở Công thương còn có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, sử dụng rộng rãi các mô hình giao dịch thương mại điện tử.
Ông Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, H.Tân Phú) đã nghiên cứu thành công kỹ thuật tạo trầm hương bằng vi sinh và thành lập Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan. Đây là một trong 4 doanh nghiệp KH-CN trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ảnh: H.Yến |
Nhờ những chính sách nêu trên, các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận khách hàng tốt hơn. Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) là một trong số đó. Đây là doanh nghiệp được Sở Công thương hỗ trợ xây dựng website. Nhờ đó, các sản phẩm khổ qua rừng Hiệp Vân không chỉ được nhiều khách hàng trong nước biết tên mà cả các đối tác nước ngoài cũng tìm đến. Anh Lê Thanh Hiệp, chủ doanh nghiệp cho biết, hiện nay Công ty Hiệp Vân đang trong giai đoạn đàm phán và hoàn thành các tiêu chuẩn chất lượng để có thể xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản.
Nói về việc ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế, bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN cho hay: “Việc triển khai ứng dụng CNTT tại Đồng Nai đã được đẩy mạnh và đạt được những kết quả khả quan. Nhiều năm liền, Đồng Nai nằm trong tốp các tỉnh, thành phố có chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT ở mức khá… Việc ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đã trang bị chứng thư số phục vụ cho việc khai báo thuế; nhiều doanh nghiệp tiến hành giao dịch qua mạng. Những doanh nghiệp chưa có điều kiện thiết lập riêng đã tận dụng mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm và bán hàng”.
* Đưa kết quả nghiên cứu KH-CN vào đời sống
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai được thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Dựa trên tình hình và nhu cầu thực tế, các địa phương, sở, ngành trực tiếp đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu. Sau đó, UBND tỉnh ban hành nhiệm vụ KH-CN hằng năm. Sở KH-CN là đầu mối để triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn 2016-2020, Sở KH-CN đã tổ chức triển khai, quản lý 128 nhiệm vụ KH-CN, trong đó có 3 đề tài thuộc chương trình KH-CN cấp quốc gia; 2 dự án thuộc chương trình trọng điểm; 3 nhiệm vụ KH-CN cấp bộ, 58 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, 61 nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở.
Các nhiệm vụ KH-CN được phân bố rộng khắp trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, xã hội - nhân văn… Trong đó, lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ chiếm số lượng nhiều nhất với 18 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, 31 nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở. Các nhiệm vụ KH-CN trong lĩnh vực này chủ yếu tập trung nghiên cứu đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản trong việc cơ giới hóa sản xuất; ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường...
Số nhiệm vụ KH-CN trong lĩnh vực NN-PTNT chiếm vị trí thứ 2 với 36 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ này tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, phát triển lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như: khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; ứng dụng công nghệ vào khâu bảo quản, chế biến để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp… Đây cũng là lĩnh vực mà kết quả của việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN thể hiện khá rõ nét.
Năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (H.Trảng Bom) được giao thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại H.Cẩm Mỹ. Kết quả của nhiệm vụ KH-CN này là nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình ủ chín trái sầu riêng bằng máy phát khí ethylene trong phòng kín. Việc ứng dụng kỹ thuật này giúp cho trái sầu riêng chín đều, giữ được độ tươi xanh của vỏ, cơm sầu riêng ráo và có vị ngon đậm đà hơn. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu xây dựng được quy trình và hướng dẫn bà con nông dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu tập thể sầu riêng Cẩm Mỹ.
Ông Cao Thọ Tráng (ấp Tân Lập, xã Nhân Nghĩa, H.Cẩm Mỹ) vừa là nông dân trồng sầu riêng vừa có vựa kinh doanh mặt hàng trái cây này. Ông cho biết, tuy có giá bán cao hơn nhưng sầu riêng được làm chín bằng phương pháp xông khí ethylene được bạn hàng rất ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, vựa nhà ông có khoảng 100 tấn sầu riêng được làm chín bằng kỹ thuật này nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Nhiệm vụ KH-CN nêu trên là ví dụ cụ thể cho thấy hiệu quả thực tế của việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN theo cơ chế đặt hàng mà Đồng Nai đã thực hiện trong những năm qua. Có thể nói, việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN theo sát tình hình thực tế đã góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng của các ngành kinh tế ở Đồng Nai.
“Kết quả hoạt động nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ đã có bước phát triển mạnh. Hoạt động này đã hướng về phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn” - bà Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ.
Tuy có số lượng đề tài ít hơn nhưng các nhiệm vụ KH-CN trong lĩnh vực xã hội - nhân văn cũng cho thấy những hiệu quả rõ nét. Giai đoạn 2016-2020, Sở KH-CN đã tổ chức triển khai, quản lý 24 nhiệm vụ KH-CN thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn, trong đó 15 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, 9 nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở. Trong lĩnh vực này, các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu về an ninh - quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật, đảm bảo an sinh xã hội, nghiên cứu về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nghiên cứu về thực trạng văn hóa ứng xử của các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Đồng Nai… Tất cả các nhiệm vụ này đều được đưa vào ứng dụng trong thực tế tại các đơn vị đặt hàng.
Đưa Đồng Nai trở thành địa phương có cơ sở hạ tầng và tiềm lực KH-CN mạnh mẽ Tại lễ tổng kết và trao giải các phong trào, hội thi của tỉnh năm 2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã nêu rõ: Trong thời gian qua, hoạt động KH-CN luôn thể hiện vai trò quan trọng và có những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo… trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện tối đa về chủ trương, chính sách cũng như cơ chế, tài chính… và luôn đồng hành với ngành KH-CN để phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành địa phương có cơ sở hạ tầng và tiềm lực KH-CN mạnh mẽ. Từ đó, tạo sức hút về nguồn nhân lực, đầu tư phát triển trong lĩnh vực KH-CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững. |
Hải Yến