Trong giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh ngày càng phát triển. Hệ thống mạng lưới phân phối bán buôn và bán lẻ phát triển....
Trong giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh ngày càng phát triển. Hệ thống mạng lưới phân phối bán buôn và bán lẻ phát triển. Công tác quản lý thị trường được tăng cường, kịp thời xử lý các vi phạm...
Một số kết quả nổi bật trong hoạt động phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. |
Hoạt động dịch vụ có bước tiến đáng kể, mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, góp phần quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Lĩnh vực du lịch và giải trí được chú trọng; một số khu, điểm du lịch mới đi vào hoạt động hoặc chuẩn bị đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.
* “Đất lành” cho ngành bán lẻ
Theo Sở Công thương, giai đoạn 2015-2020, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, giá cả ổn định; hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá, bình quân trong giai đoạn
2015-2020 đạt 11%/năm.
Công tác bình ổn giá được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với 11 nhóm hàng thiết yếu, thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát và kích cầu tiêu dùng trong những năm qua. Chỉ số bình quân giá cả hàng hóa, dịch vụ của tỉnh tăng thấp trong giai đoạn 2015-2020 (dưới 5%/năm).
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 148 chợ đang hoạt động, trong đó 1 chợ đầu mối, 9 chợ hạng I, 29 chợ hạng II và 109 chợ hạng III. Phân theo khu vực, có 49 chợ ở thành thị và 99 chợ ở nông thôn. Hệ thống các chợ trong tỉnh góp phần giải quyết an sinh xã hội, việc làm, thu nhập cho hơn 20 ngàn hộ kinh doanh (trong đó hơn 18 ngàn hộ kinh doanh ổn định, thường xuyên). Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (giai đoạn 1) được đưa vào hoạt động từ tháng 6-2017 với sản lượng tiêu thụ hơn 300 tấn rau, củ, quả mỗi ngày/đêm.
Bên cạnh hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ngày càng mở rộng và phát triển tại các địa phương trong tỉnh, kể cả những huyện vùng xa như: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc... Tính đến đầu tháng 8-2020, trên địa bàn tỉnh có 174 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách hóa Xanh, Vinmart+ và Co.opFood.
Du khách tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) |
Ông Đặng Thanh Phong, đại diện Phòng Quan hệ công chúng của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động chia sẻ, Đồng Nai là thị trường lớn và có nhiều tiềm năng để phát triển kênh bán lẻ. Chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động đã “đổ bộ” về Đồng Nai từ hơn 2 năm trước và ngày càng mở rộng số lượng cửa hàng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh việc mở các cửa hàng ở khu vực đô thị, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh còn hướng đến những khu vực nông thôn, khu vực đông công nhân, người lao động…
* Đẩy mạnh vận động “người Việt dùng hàng Việt”
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai, tuyên truyền đã giúp người tiêu dùng biết đến nhiều thương hiệu hàng Việt có chất lượng, tạo được sự đồng thuận hưởng ứng và sự tin tưởng của người dân đối với hàng Việt. Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống trong tỉnh cho biết, hiện nay hàng Việt chiếm tỉ trọng từ 80-90% trên các kệ hàng.
Những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho hàng Việt, sản phẩm địa phương...
Tính đến cuối năm 2019, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức khoảng 180 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, 50 phiên chợ hàng Việt phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp... Hoạt động xúc tiến thương mại trong 5 năm qua ngày càng đi vào chiều sâu, gia tăng về chất lượng hoạt động. Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ có quy mô được tổ chức với chất lượng ngày một tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Trong đó, có 2 điểm do Bộ Công thương hỗ trợ thí điểm và 21 điểm do Sở Công thương phối hợp với các địa phương triển khai từ nguồn kinh phí của tỉnh với tổng số tiền được hỗ trợ gần 1,8 tỷ đồng. Các điểm bán hàng này góp phần đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh) cho biết, thông qua các cuộc khảo sát, đa số ý kiến của người dân bày tỏ rất quan tâm đến cuộc vận động. Người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn rất quan tâm tới sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Các nhóm sản phẩm, hàng hóa Việt được ưa chuộng hơn trước như: các sản phẩm đồ gia dụng; nhóm hàng thực phẩm, rau, quả; các sản phẩm dệt may… Bên cạnh đó, sức tiêu thụ hàng Việt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, ở các phiên chợ, điểm bán hàng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đều trong những năm qua.
* Phát huy thế mạnh du lịch địa phương
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Đồng Nai đã đạt những kết quả đáng khích lệ, nhiều sản phẩm du lịch nổi tiếng, thu hút lượng du khách đến Đồng Nai ngày một tăng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực phát triển, tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương. Công tác tuyên truyền, đầu tư hạ tầng du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường du lịch được các sở, ngành tập trung triển khai đồng bộ, tạo một bức tranh du lịch đa dạng, phong phú.
Đồng Nai từ lâu đã nổi tiếng với các thế mạnh về du lịch rừng, thác, hồ. Những năm gần đây, với đặc thù là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn trong vùng, Đồng Nai đã hình thành những vùng du lịch sinh thái vườn, được khởi xướng từ trong nhân dân, góp phần tiêu thụ và đưa nông sản địa phương song hành cùng với ngành Du lịch phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm rừng, thác, hồ... như: du lịch nhà vườn (TP.Long Khánh, H.Long Thành…); du lịch sinh thái rừng, hồ (H.Tân Phú, H.Vĩnh Cửu, H.Định Quán); du lịch sông nước (H.Nhơn Trạch, H.Vĩnh Cửu…) cùng với những điểm du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa), Khu du lịch Thác Đá Hàn, Thác Giang Điền (H.Trảng Bom), Công viên sinh thái Suối Mơ (H.Tân Phú)… đang ngày càng nở rộ.
Trong đó, điển hình là mô hình du lịch sinh thái vườn tại TP.Long Khánh trong những năm gần đây, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển bền vững, Theo UBND TP.Long Khánh, đến nay hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố đều có hộ tham gia đăng ký mô hình du lịch sinh thái vườn. Tổng diện tích các vườn cây ăn trái làm du lịch khoảng 200ha, trồng xen canh các loại cây đặc trưng của địa phương như: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…
Hay như H.Tân Phú, trong 5 năm trở lại đây, ngoại trừ thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng khách và doanh thu từ du lịch của Tân Phú luôn tăng khá, vượt kế hoạch từ 20-50% mỗi năm. Những mô hình du lịch như: du lịch sinh thái, homestay, đặc biệt là một số điểm du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, Làng đồng bào dân tộc, Nhà dài ở xã Tà Lài thu hút đông đảo lượng khách trong và ngoài nước.
Hải Quân - Thủy Mộc