Những ngày gần đây, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận 170 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên gần 1,9 ngàn ca.
Những ngày gần đây, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận 170 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên gần 1,9 ngàn ca.
Điều dưỡng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc một em bé bị bệnh tay chân miệng đang điều trị tại khoa. Ảnh: A.Yên |
[links()]Các bác sĩ cho biết, so với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị giảm nhiều. Tuy nhiên, do đã bước vào năm học, trẻ tập trung đông tại các nhà trẻ, trường học nên công tác phòng, chống dịch bệnh cho trẻ cần được đặc biệt chú ý.
* Nhiều nguồn lây khác nhau
Chị N.T.N. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) là mẹ của bé N.H.A., 6 tháng tuổi, đang điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Chị N. cho hay, chị gửi con ở một nhóm trẻ tư thục có 5 trẻ, độ tuổi dao động từ 6 tháng đến 2 tuổi. Cách đây vài ngày, con chị có dấu hiệu sốt nhẹ, gia đình đã lau khăn ướt và cho uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ mà sốt cao hơn, kèm theo nổi một số mụn trên cơ thể. Đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám, chị được bác sĩ cho biết con chị đã bị bệnh tay chân miệng và yêu cầu nhập viện điều trị ngay. Sau gần 1 tuần điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, bé đã hết sốt, bệnh thuyên giảm và được cho xuất viện.
“Sau khi bé xuất viện, tôi sẽ nghỉ làm khoảng nửa tháng để ở nhà chăm sóc cho bé hồi phục sức khỏe. Hiện tại tôi cũng đang băn khoăn không biết có nên tiếp tục gửi con ở nhóm trẻ tư thục nữa hay không vì cảm thấy không đảm bảo vệ sinh” - chị N. bộc bạch.
Đang chăm cháu bị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bà N.T.L. (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, cháu bà năm nay 3 tuổi, được cha mẹ cho đi học ở một trường mầm non tư thục trên địa bàn phường. Mấy ngày nay, thấy con mệt mỏi, sốt nhẹ, nổi mụn trong miệng, ăn xong là ói, gia đình không cho đi học nữa mà đưa đi khám bệnh và được chỉ định nhập viện điều trị. Nguyên nhân nhiễm bệnh có thể là do nhiễm từ những trẻ hàng xóm hay sang nhà chơi.
Cách đây hơn 1 tuần, tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có một trường hợp trẻ bị bệnh tay chân miệng ở mức độ nặng phải thở máy. Người nhà bệnh nhi cho biết, bé khởi phát bệnh với vài bóng nước đặc trưng của bệnh tay chân miệng. Gia đình đã đưa bé đi khám và uống thuốc điều trị tại một phòng khám tư nhân nhưng bệnh diễn tiến nhanh, kèm viêm phổi nên phải thở máy và theo dõi tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc.
* Cách nhận biết và phòng trừ bệnh
BS Hán Bình Thuận, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm virus thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt nặng nhất là trẻ dưới 3 tuổi, tăng cao vào các tháng 9, 10, 11, là thời điểm mà học sinh nhập học.
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của bệnh là các sẩn da dạng bóng nước ở tay, bàn chân, mông, gối, khuỷu tay và những vết loét ở miệng, kèm theo đó là sốt, đau họng. Bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hóa, tức là từ phân của trẻ nhiễm bệnh. Nếu người chăm sóc không vệ sinh sạch sẽ cho trẻ nhiễm bệnh sau khi bé đi vệ sinh hoặc không rửa tay sau khi làm vệ sinh cho trẻ mà đi bế hay tiếp xúc với một trẻ khác thì rất dễ lây truyền virus cho trẻ. Như vậy, bàn tay người chăm sóc là khâu trung gian rất dễ làm lây nhiễm bệnh tay chân miệng nếu như người chăm sóc không rửa tay bằng xà phòng sau khi bế một trẻ nhiễm bệnh. Hoặc các trẻ trong cùng một lớp dùng chung đồ chơi, đồ dùng bị nhiễm virus mà không được lau rửa sạch sẽ cũng rất dễ nhiễm bệnh.
Theo BS Thuận, giai đoạn vỡ bóng nước trong miệng trẻ bị tay chân miệng là lúc mà bé khó chịu nhất. Bóng nước bị vỡ gây đau đớn khiến trẻ không ăn được nên phụ huynh cần kiên trì, cho trẻ uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ, cho uống nước chia nhỏ thành nhiều lần trong ngày để trẻ quen dần, sau đó cho uống sữa và ăn các loại thức ăn lỏng, dễ nuốt.
Bệnh tay chân miệng có 4 độ từ nhẹ đến nặng. Ở độ 1, trẻ có thể chỉ bị loét miệng, có một số bóng nước, sẽ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà, theo dõi dấu hiệu của trẻ. Từ độ 2 trở lên, bác sĩ sẽ yêu cầu gia đình cho trẻ nhập viện để điều trị. Khi trẻ mắc bệnh ở độ 2 có kèm theo sốt kéo dài trên 2 ngày, giật mình nhiều lần trong ngày, ói, khó thở.
Bệnh tay chân miệng nếu không có biến chứng có thể khỏi bệnh sau khoảng từ 5-7 ngày điều trị. Trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng có biến chứng cần được bác sĩ theo dõi sát sao để có phác đồ điều trị phù hợp, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh là các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi chạm vào những vết loét, bóng nước của người bị bệnh, rửa tay trước khi chuẩn bị đồ ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, bỉm cho trẻ hoặc sau khi bế một đứa trẻ bị bệnh.
Bên cạnh đó, ở gia đình và nhà trường cần lau sạch bề mặt và đồ chơi có nguy cơ bị nhiễm mầm bệnh bằng xà phòng, tránh tiếp xúc gần như ôm hôn, dùng chung muỗng, nĩa, chén với người bị bệnh; không cho trẻ đi học, hoặc đến các nơi vui chơi, tập trung của các trẻ nhỏ cho đến khi trẻ hết bệnh hoàn toàn; dạy trẻ cách rửa tay bằng xà phòng đúng cách, đi vệ sinh đúng nơi quy định, che mũi, miệng khi ho, hắt hơi…
An Yên