Trong những năm tới, vùng cửa ngõ phía Đông của tỉnh sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực.
Trong những năm tới, vùng cửa ngõ phía Đông của tỉnh sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực. Mục tiêu là để phát triển kinh tế của địa phương trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của tiểu vùng phía Đông.
H.Xuân Lộc có vùng chuyên canh sầu riêng lớn cho thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: U.NHI |
Các lĩnh vực mà các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh sẽ tập trung thu hút đầu tư trong thời gian tới là hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch.
* “Trải thảm” đón nhà đầu tư
Sau khi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào khai thác, các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài về TP.Long Khánh, H.Thống Nhất, H.Xuân Lộc đầu tư nhiều hơn. Khu công nghiệp Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) đã được lấp đầy, các khu công nghiệp Long Khánh, Suối Tre (TP.Long Khánh), Khu công nghiệp Dầu Giây (H.Thống Nhất), tỷ lệ đất cho thuê làm nhà xưởng sản xuất còn rất ít. Các địa phương đã có đề xuất UBND tỉnh cho mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư trong nước, nước ngoài. Bên cạnh đó, các địa phương gấp rút mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm di dời, mời gọi các DN nhỏ và vừa vào sản xuất để bảo vệ môi trường, đáp ứng quy hoạch phát triển của từng địa phương.
Khu vực cửa ngõ phía Đông có H.Xuân Lộc là một trong 4 huyện trên cả nước đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, trên địa bàn huyện có 9/14 xã nông thôn mới nâng cao. Huyện phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. |
Theo ông Huỳnh Tấn Thìn, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ, thời gian qua, có nhiều DN trong nước, nước ngoài đến huyện tìm hiểu về môi trường, đất đai với ý định đầu tư nhà máy sản xuất, trung tâm thương mại, khu dân cư. Huyện đang nhanh chóng hoàn thành quy hoạch về đất đai, xây dựng hạ tầng giao thông để đón các dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho hay: “Huyện quy hoạch một số dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch để mời gọi đầu tư. Một số tập đoàn lớn trong nước, nước ngoài đã đến tận nơi để nghiên cứu tiềm năng và đánh giá khá cao. Những dự án trên mời được nhà đầu tư có kinh nghiệm, tài chính triển khai nhanh, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương”.
H.Xuân Lộc đang mời gọi DN đầu tư vào hàng loạt dự án du lịch lớn có tổng vốn lên đến cả chục triệu USD như: hồ Gia Ui, Núi Le, thác Trời...
H.Cẩm Mỹ cũng mời gọi các DN rót vốn vào đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, các trung tâm thương mại, siêu thị. TP.Long Khánh, H.Thống Nhất đã quy hoạch nhiều dự án trên các lĩnh vực hạ tầng, du lịch, công nghiệp, dịch vụ để mời gọi nhà đầu tư.
* Ưu tiên chế biến nông sản
Trong giai đoạn tới, cửa ngõ phía Đông tỉnh tuy phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, song lĩnh vực nông nghiệp vẫn được chú trọng. Các địa phương đang hình thành phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái, cây công nghiệp, rau củ quả, bắp... Vùng chuyên canh sẽ có diện tích, số lượng nông sản lớn đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu với những đơn hàng lớn. Do đó, trong phát triển công nghiệp, các huyện, thành phố sẽ ưu tiên mời gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản. Như vậy sẽ không bị ảnh hưởng kiểu được mùa rớt giá, thất mùa được giá. Đồng thời, khi giá nông sản xuống thấp có thể tăng chế biến vẫn đảm bảo đầu ra ổn định.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Tỉnh tập trung hỗ trợ một số địa phương hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp tại các huyện Cẩm Mỹ, định Quán để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản sâu nhằm tăng giá trị gia tăng cho nông sản tại Đồng Nai”.
Nông sản được chế biến sâu, giá trị có thể tăng từ 4-10 lần so với bán thô như hiện nay. Hiện khu vực cửa ngõ phía Đông Đồng Nai là nơi có rất nhiều loại cây ăn trái, cây công nghiệp nổi tiếng về chất lượng và có số lượng lớn là chôm chôm, sầu riêng, xoài, bưởi, bơ, tiêu, cà phê, chuối, mít. Ngoài ra, tại một số huyện như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, người dân còn trồng một số cây dược liệu, nếu chế biến được sẽ có giá trị rất lớn.
PGS- TS Võ Phước Tấn, chuyên gia nghiên cứu về thương mại quốc tế cho hay: “Đồng Nai là nơi có rất nhiều loại trái cây, nông sản, dược liệu quý nếu chế biến sâu để tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ tăng giá trị gia tăng gấp nhiều lần so với bán thô như hiện nay. Tuy nhiên, phải tạo liên kết chặt chẽ giữa nhà vườn và DN để nông dân lo sản xuất, DN yên tâm chế biến và tìm thị trường tiêu thụ. Như vậy nông dân tăng lợi nhuận từ diện tích sản xuất nông nghiệp”.
Uyển Nhi