"Làn sóng thứ hai" của đại dịch Covid-19 xuất hiện vào tháng 7-2020 được ví như một "cú đánh bồi" vào nền kinh tế vốn đã suy yếu khá nhiều do những tác động của "làn sóng thứ nhất" xảy ra vào hồi đầu năm. Mặc dù vẫn nỗ lực giữ được mức tăng trưởng dương (xét ở thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2020), song hiện tại, nhiều ngành kinh tế trong nước đang vấp phải rất nhiều khó khăn, thách thức.
“Làn sóng thứ hai” của đại dịch Covid-19 xuất hiện vào tháng 7-2020 được ví như một “cú đánh bồi” vào nền kinh tế vốn đã suy yếu khá nhiều do những tác động của “làn sóng thứ nhất” xảy ra vào hồi đầu năm. Mặc dù vẫn nỗ lực giữ được mức tăng trưởng dương (xét ở thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2020), song hiện tại, nhiều ngành kinh tế trong nước đang vấp phải rất nhiều khó khăn, thách thức.
Có thể nói trong đó, nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi phần lớn nông sản làm ra đều phục vụ xuất khẩu. Và nông dân cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhiều nhất. Chưa có thống kê chính thức, song quan sát chung cho thấy, từ khi đại dịch Covid-19 tái xuất hiện, tình trạng nông sản tiêu thụ chậm, ùn ứ, ế hàng, rớt giá đã và đang làm khổ hàng chục triệu nông dân cả nước nói chung và nông dân Đồng Nai nói riêng. Những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như trái cây các loại, trứng, thịt gia cầm, hạt điều, tiêu… đều giảm giá mạnh, tồn kho lớn và không ít nông dân đang dần cạn vốn, không ít doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp lẳng lặng rời khỏi thị trường.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ nói chung cho nhiều đối tượng, thành phần kinh tế. Tuy nhiên, hầu như chưa có gói hỗ trợ riêng nào kịp thời, thiết thực cho nông dân nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Mặc dù cũng được hưởng thụ một số chính sách hỗ trợ về tín dụng (trong gói hỗ trợ chung), song bên cạnh nhu cầu vốn thì tiêu thụ nông sản đang là nhu cầu lớn mà nông dân đang rất cần.
Trước đây, khi thị trường xuất khẩu nông sản gặp khó khăn, nhiều địa phương cũng xuất hiện phong trào “giải cứu” nông sản, mục tiêu là để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, thực tế thì phong trào này khó kéo dài và tính hiệu quả không cao bởi rất khó duy trì lâu dài một mô hình phân phối nông sản trực tiếp từ nông dân đến tay người tiêu dùng mà không thông qua các khâu trung gian, trong đó không phải chỉ là khâu phân phối mà còn là các khâu kiểm soát về chất lượng, giá cả, độ an toàn… của sản phẩm.
Chính vì vậy, ở giai đoạn khó khăn này, để “giải cứu” nông dân và ngành nông nghiệp, cần đến những giải pháp vừa cấp bách, vừa khả thi, vừa căn cơ để tạo động lực cho nông dân vượt qua thách thức và duy trì sản xuất. Trong đó, có thể kể đến các biện pháp kích cầu, ưu tiên, khuyến khích tiêu thụ nông sản nội địa một cách bài bản; hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp về các mặt như vốn, công nghệ chế biến, bảo quản; thông tin thị trường; hỗ trợ người lao động trong ngành nông nghiệp… Có như thế, ngành nông nghiệp mới có thể “sống chung với dịch”, bởi hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính xác bao giờ đại dịch sẽ lui.
Vi Lâm