Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 1%. Đến nay, tỷ lệ này đã vượt mục tiêu nghị quyết.
Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 1%. Đến nay, tỷ lệ này đã vượt mục tiêu nghị quyết.
Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Khang trao tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP.Biên Hòa dịp Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Văn Truyên |
[links()]Để có được kết quả này, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn xây dựng kinh tế, ưu đãi chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, vay vốn, nhà ở…
* Nhiều quyết sách lớn hỗ trợ người nghèo
Năm 2018, tỉnh đã xây dựng, ban hành nghị quyết về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2020. Theo quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại hộ nghèo của tỉnh thì hộ nghèo khu vực nông thôn có mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng trở xuống và 1,45 triệu đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị. Mức chuẩn này cao hơn quy định chung của Trung ương.
Trong 5 năm qua đã có 34.050 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay tín dụng chính sách với số tiền hơn 1,1 ngàn tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, đầu tư cho con em đến trường. 47.416 lượt học sinh, sinh viên là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ giáo dục với số tiền trên 10 tỷ đồng. Đồng thời, gần 64 ngàn lượt học sinh, sinh viên, trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa với số tiền trên 43 tỷ đồng. |
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH, việc ban hành chuẩn nghèo này của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn (nhưng không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nếu theo chuẩn của Trung ương) được xét vào hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, theo quy định chung của Trung ương, hộ đã được công nhận thoát nghèo thì không được hưởng các chính sách ưu đãi nữa. Song tại Đồng Nai, đối với các hộ mới thoát nghèo, trong 2 năm đầu vẫn được tỉnh duy trì các mức hỗ trợ chính sách như hộ nghèo, gồm: cho vay tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế (BHYT), giáo dục, dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Việc này nhằm tránh tái nghèo đối với hộ dân mới thoát nghèo.
Bà Điểu Thị Ngọc Hạnh (32 tuổi, ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) cho hay, hiện gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo. Thời gian qua, gia đình bà tiếp tục nhận được chế độ hỗ trợ dành cho hộ nghèo trong chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách... Mới đây, gia đình bà còn được bàn giao một căn nhà kiên cố.
Cùng với đó, theo quy định của Trung ương, hộ nghèo đa chiều chỉ được hỗ trợ 70% BHYT. Song năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ thêm 30% kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ nghèo đa chiều không thiếu hụt BHYT và hộ cận nghèo.
Ngoài ra, trong khi Trung ương chưa có quy định thì năm 2019, Đồng Nai đã ban hành quy định chế độ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc hộ nghèo không có thành viên nào có khả năng lao động. Theo đó, mỗi đối tượng được hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng và hỗ trợ mai táng phí 6 triệu đồng/người. Đặc biệt, dù Trung ương không quy định hỗ trợ tiền tết cho hộ nghèo, cận nghèo, song hằng năm, UBND tỉnh đều hỗ trợ tiền cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết. Từ năm 2016 đến nay, đã có gần 80 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền tết với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phai (60 tuổi, hiện là hộ nghèo B tại xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) cho hay, những năm qua, ông được thụ hưởng đầy đủ chính sách dành cho hộ nghèo. Trong đó, tiền hỗ trợ tết hằng năm theo quy định của tỉnh cũng như những phần quà do mạnh thường quân trao tặng đã giúp ông rất nhiều những khi tết đến xuân về.
Người dân có hoàn cảnh khó khăn tại H.Xuân Lộc nhận quà vào dịp Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Văn Truyên |
Cùng với đó, việc vận động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, gia đình khó khăn của tỉnh luôn nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Thông qua Quỹ Vì người nghèo, các tầng lớp nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.681 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí gần 64 tỷ đồng. Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn tổ chức thăm và tặng quà cho các đối tượng là gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, tặng học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo khám chữa bệnh, hỗ trợ vốn sản xuất chăn nuôi…
* Tiếp tục các hoạt động trợ giúp hộ nghèo
Chính nhờ hàng loạt chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn được thực hiện mà số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh giảm liên tục theo từng năm trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời, tình trạng tái nghèo của các hộ được công nhận thoát nghèo hầu như không còn.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã tổ chức 497 lượt kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, các địa phương đều triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. |
Cụ thể, giai đoạn 2016-2019 và ước thực hiện năm 2020, toàn tỉnh giảm được 1,73% tỷ lệ hộ nghèo, tương ứng 12.913 hộ. Đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,76% năm 2016 xuống còn 0,44% cuối năm 2020 (Nghị quyết Tỉnh ủy đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 1%). Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 1.924 hộ vào năm 2016 xuống còn 630 hộ vào đầu năm 2020.
Bà Trương Thị Thu Thật (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) cho hay: “Nhờ những chính sách của Nhà nước mà đến nay gia đình tôi đã không còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Cuộc sống gia đình đầy đủ hơn, tinh thần đều phấn khởi lên rất nhiều”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo còn gặp phải một số vấn đề phát sinh. Trong đó, một bộ phận hộ nghèo còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngân sách cấp huyện, xã bố trí cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hằng năm ít nên một số hoạt động chưa chủ động tổ chức triển khai thực hiện mà chờ ngân sách tỉnh phân bổ. Cùng với đó, đa số cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã là cán bộ hợp đồng, kiêm nhiệm nhiều công việc nên nên còn hạn chế về năng lực…
Người dân có hoàn cảnh khó khăn tại H.Cẩm Mỹ được nhận quà do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp cùng các nhà tài trợ trao tặng |
Để công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được hiệu quả hơn, theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất Trung ương tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với các chương trình, chính sách hỗ trợ cụ thể, cần thiết cho hộ nghèo. Trong đó, cần quy định chuẩn nghèo mới của Chính phủ nên theo hướng mở và cho phép các địa phương có thể nâng cao chuẩn nghèo phù hợp với tình hình thực tế của từng tỉnh, thành phố. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho những tiêu chí thiếu hụt đa chiều mà các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn thiếu hụt. Tách nhóm hộ nghèo bảo trợ xã hội ra khỏi chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm và xây dựng chính sách hỗ trợ hằng tháng cho nhóm hộ nghèo này. Ưu tiêu bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đặc biệt cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao...
Cùng với những kiến nghị với Trung ương, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Huy động đầy đủ nguồn lực để triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chế độ chính sách cho hộ nghèo, người nghèo. Quan tâm, chú trọng việc thực hiện giảm hộ nghèo ở những xã có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Hiện Bộ LĐ-TBXH đang xây dựng, lấy ý kiến về nâng chuẩn nghèo trong giai đoạn tới, do vậy, Sở LĐ-TBXH cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sát với tình hình thực tế và nguồn lực của địa phương. Đồng thời, tiến hành phân loại từng nhóm hộ nghèo như: nghèo về thu nhập, nghèo thiếu hụt đa chiều, nhóm hộ nghèo bảo trợ xã hội, hộ nghèo dân tộc thiểu số… để có giải pháp giảm nghèo phù hợp. Đối với hộ nghèo thuộc diện nghèo bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, được lập danh sách theo dõi và hỗ trợ tiền hằng tháng, không đưa nhóm này vào chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các chính sách giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin. Tiếp tục hỗ trợ chính sách cho các hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo tránh tái nghèo. Huy động nguồn lực của cộng đồng, nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Vận động con em hộ nghèo, hộ cận nghèo đến trường và tham gia học nghề để nâng cao trình độ dân trí và tay nghề.
Văn Truyên