Trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện lợi…, các chợ truyền thống đứng trước sự cạnh tranh lớn,...
Trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện lợi…, các chợ truyền thống đứng trước sự cạnh tranh lớn, cần được nâng cấp, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, văn minh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… để thu hút người tiêu dùng.
Đồ họa thể hiện số lượng các chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nguồn: Sở Công thương - Đồ họa: Hải Quân |
[links()]Theo Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 148 chợ đang hoạt động, góp phần giải quyết an sinh xã hội, việc làm, thu nhập cho hơn 20 ngàn hộ kinh doanh (trong đó hơn 18 ngàn hộ kinh doanh ổn định, thường xuyên).
* Tồn tại giữa nhiều thách thức
Trên thực tế, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các mô hình chợ truyền thống đang gặp những khó khăn khác nhau. Một số chợ sau khi đưa vào hoạt động chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tình trạng các điểm kinh doanh tự phát có tính chất như chợ gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị… vẫn còn xảy ra.
Theo UBND TP.Biên Hòa, hiện trên địa bàn thành phố có 36 điểm kinh doanh tự phát còn tồn tại. Trong năm 2020, địa phương phấn đấu giải tỏa dứt điểm 7 điểm kinh doanh tự phát, trong đó có 5 điểm các phường, xã cam kết xử lý dứt điểm trong năm nay, còn 2 điểm sẽ do Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa phối hợp cùng UBND các phường, xã tiếp tục kiểm tra, rà soát.
Theo UBND TP.Biên Hòa, chợ KP.1, P.Bửu Long với diện tích hơn 3,7 ngàn m2, sau khi đi vào hoạt động từ năm 2008 đến nay, chợ chỉ có 52/280 điểm kinh doanh (34 ki-ốt và 18 sạp) đang có tiểu thương kinh doanh. Hoạt động kinh doanh của chợ bị ảnh hưởng bởi người dân ở đây thường lựa chọn mua sắm ở các chợ lớn hơn như chợ Biên Hòa hoặc các trung tâm thương mại, siêu thị nên dẫn đến tình trạng tiểu thương kinh doanh cầm chừng, sức mua thấp. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới đơn vị chủ đầu tư, quản lý chợ.
Tương tự, đại diện Phòng Kinh tế - hạ tầng H.Tân Phú cho biết, một số chợ trên địa bàn huyện do xây dựng đã lâu, có dấu hiệu xuống cấp như: chợ Nam Cát Tiên, chợ Phú Lập… gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, mua bán của nhân dân nhưng chưa có nguồn kinh phí để nâng cấp. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng các chợ nông thôn theo quy hoạch trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn trong công tác mời gọi đầu tư.
Riêng đối với chợ trung tâm TT.Tân Phú do mới đi vào hoạt động nên chưa ổn định, sức mua chưa cao và cần có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm để có phương án sắp xếp ngành nghề và điểm kinh doanh phù hợp.
* Phát triển các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn
Trong thời gian qua, Sở Công thương cùng với các sở, ngành, địa phương xây dựng thí điểm 99 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh gồm: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện: Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom…
Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong 8 tháng của năm 2020, lực lượng chức năng và các đoàn kiểm tra liên ngành trong tỉnh đã phát hiện 120 vụ vi phạm trong kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Số tiền nộp ngân sách nhà nước là hơn 320 triệu đồng. Trong đó, các nội dung vi phạm chủ yếu như: vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về niêm yết giá, nhãn hàng hóa, vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hết hạn sử dụng... |
Trong năm 2020, theo kế hoạch của UBND các địa phương trong tỉnh, dự kiến sẽ triển khai thêm các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ: TP.Biên Hòa (5 điểm), TP.Long Khánh (14 điểm), các huyện: Thống Nhất (20 điểm), Cẩm Mỹ (20 điểm), Long Thành (24 điểm), Tân Phú (5 điểm), Trảng Bom (5 điểm)…
Theo Sở Công thương, qua quá trình triển khai, bước đầu việc quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ được quan tâm và có nhiều tiến bộ so với trước đó. Sản phẩm đưa vào các điểm bày bán được kiểm soát các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, các sạp bán hàng thực hiện những quy định vệ sinh (vệ sinh sạp; sát trùng trang thiết bị, quầy sạp trước và sau khi bán hàng; thu gom rác; xử lý nước thải...). Số lượng tiểu thương đồng tình, đăng ký tham gia ngày càng tăng.
Tuy nhiên, việc triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đại diện các ban quản lý chợ cho biết, trên thực tế, nhiều tiểu thương dè dặt triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn bởi tâm lý “ngại” những quy định, thủ tục còn phức tạp, nhất là ở khâu truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, việc tiến hành thẩm định, hậu kiểm các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các trang thiết bị kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đủ tiêu chuẩn...
Bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) chia sẻ, hiện nay UBND tỉnh đã giao UBND các địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong quá trình triển khai, cấp giấy chứng nhận vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, chưa thống nhất giữa các đơn vị liên quan và các địa phương...
Một sạp kinh doanh gạo tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân |
Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan có phương án phù hợp để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai, nhân rộng các điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các chợ được đầu tư, nâng cấp thuộc dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) theo mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, các chợ có khu bán thực phẩm an toàn thì khu bán thực phẩm tươi sống được tách biệt, ngăn cách với khu bán thực phẩm chế biến và khu kinh doanh các mặt hàng khác. Quầy, sạp bán hàng thực phẩm được thiết kế, xây dựng theo quy cách và vật liệu thống nhất. Vật liệu được sử dụng có độ bền cao, dễ vệ sinh…
* Nâng cao chất lượng phục vụ
Trong những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống các siêu thị và đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng “phủ sóng” khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm so với trước đây. Trong đó, những mặt hàng về thực phẩm, hóa mỹ phẩm... bị tác động nhiều nhất. Do đó, để tồn tại, mô hình chợ truyền thống cần tự làm mới mình để cạnh tranh với các kênh bán lẻ hiện đại, giữ vững vị thế cũng như thu hút người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt heo tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân |
Theo kết quả chương trình khảo sát mức thu tại chợ trên địa bàn Đồng Nai do Sở Công thương thực hiện vào cuối tháng 3-2020 với hơn 1,1 ngàn phiếu khảo sát các tổ chức, cá nhân tại các chợ trong tỉnh, có 84% số chợ của tỉnh có tổ kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập. Tuy nhiên, vẫn còn 16% số chợ chưa thực hiện nghiêm túc việc ban hành quyết định thành lập tổ kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định…
Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, bên cạnh việc triển khai các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, trong thời gian qua, chợ cũng tăng cường tuyên truyền cho các tiểu thương về hoạt động kinh doanh lành mạnh, thái độ phục vụ, đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh của các điểm, sạp bán lẻ truyền thống…
Bà Dương Thị Loan, chủ một sạp kinh doanh thịt heo ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ khi các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm ngày càng mở rộng, lượng khách hàng mua của sạp cũng chịu nhiều tác động. Do đó để cạnh tranh, sạp chủ động đảm bảo các điều kiện về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhân, chủ một sạp kinh doanh thực phẩm khô tại chợ Long Thành (H.Long Thành) cho hay, trước sự cạnh tranh ngày càng lớn của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua, sạp chủ động niêm yết giá rõ ràng, đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đảm bảo nguồn hàng hóa ổn định, không tăng giá bán đột ngột…
Hải Quân