Nhiệm kỳ 2020-2025, Đồng Nai sẽ tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiều lĩnh vực, nhưng sẽ có sự lựa chọn kỹ hơn...
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đồng Nai sẽ tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiều lĩnh vực, nhưng sẽ có sự lựa chọn kỹ hơn. Mục tiêu hướng đến của tỉnh là phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn và tăng thu ngân sách.
Công ty TNHH Công nghiệp Boss (100% vốn Đài Loan) ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu. Ảnh: K.MINH |
Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư FDI vì có lợi thế về hạ tầng giao thông, khí hậu, đất đai. Ngoài lĩnh vực công nghiệp thì Đồng Nai còn nhiều tiềm năng trên lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp chưa được khai thác đúng tầm.
* Ưu tiên dự án công nghệ cao
Từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên nhập khẩu các loại máy móc mới hiện đại về để sản xuất, thay đổi dây chuyền sản xuất công nghệ cũ. Mục tiêu là để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động và góp phần bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu cho hàng hóa xuất khẩu vào những thị trường lớn có đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc. Theo đó, chuyển dịch cơ cấu theo ngành, theo thành phần và theo địa bàn diễn ra tích cực, đúng hướng. Giá trị sản xuất nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao được nâng lên từ 1% vào năm 2015 lên hơn 5% vào năm 2020. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của tỉnh sẽ nâng giá trị ngành công nghiệp công nghệ cao lên 10% giá trị ngành công nghiệp.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà nhấn mạnh: “Hơn 10 năm qua, Đồng Nai thu hút đầu tư FDI có chọn lọc nên kinh tế dịch chuyển đúng hướng theo Nghị quyết đề ra. Trong đó, tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ nên Đồng Nai trở thành nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn cho ngành công nghiệp của cả nước và xuất khẩu”. Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc sớm nên tỉnh cũng là nơi đi đầu về xuất siêu, và xuất siêu mỗi năm đều tăng. Các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu cung ứng trong nước đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã có ký kết hiệp định thương mại tự do.
Trong tháng 7-2020, khi làm việc với Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước. Tỉnh thu hút dòng vốn FDI nhiều và giải ngân rất tốt, góp phần cho phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước”.
Bên cạnh việc thu hút dòng vốn mới FDI công nghệ cao, tỉnh cũng sẽ vận động các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào tỉnh có công nghệ lạc hậu chuyển đổi máy móc sản xuất hiện đại để đáp ứng các đơn hàng của đối tác trong nước, nước ngoài đòi hỏi ngày một cao. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã thay đổi máy móc, từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất như: Công ty TNHH Maggitt Việt Nam; Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2; Công ty TNHH Schaffler Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata...
* Mời gọi FDI đầu tư nhiều lĩnh vực
Trong nhiệm kỳ tới, ngoài lựa chọn những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động, Đồng Nai mời gọi doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, logistics, thương mại, hạ tầng kỹ thuật.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: “Đồng Nai quy hoạch hơn 20 dự án du lịch sinh thái rừng, hồ, thác để mời gọi doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đầu tư vào. Du lịch của Đồng Nai còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác nếu mời gọi được các tập đoàn lớn có vốn, kinh nghiệm đầu tư vào sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh”. Nếu phát triển được du lịch sẽ thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển theo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường yêu cầu: “Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tạo thuận lợi để tăng thu hút dòng vốn FDI vào tỉnh trên các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng. Trong đó, các địa phương chú ý đưa các dự án vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đồng bộ các quy hoạch để khi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh có thể triển khai dự án nhanh, sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần cho phát triển của tỉnh”.
Thế nhưng muốn đón dòng vốn ngoại chất lượng cao trong giai đoạn tới, Đồng Nai cần có sự chuẩn bị kỹ hơn về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, đất đai. Vì hiện các khu công nghiệp của Đồng Nai, diện tích đất còn để cho thuê rất ít, các dự án trong những lĩnh vực khác vẫn còn gặp tình trạng chồng chéo về quy hoạch hoặc quy hoạch không theo kịp tốc độ phát triển, khi doanh nghiệp đầu tư vào mất nhiều thời gian điều chỉnh. Khắc phục những hạn chế trên Đồng Nai sẽ có bước đột phá trong phát triển kinh tế nhiệm kỳ 2020-2025.
Khánh Minh