Nông sản là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt nhiều tháng xảy ra dịch Covid-19. Hiện nông dân, HTX rất cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó này, nhất là nhu cầu về nguồn vốn để duy trì và ổn định sản xuất.
Nông sản là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt nhiều tháng xảy ra dịch Covid-19. Hiện nông dân, HTX rất cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó này, nhất là nhu cầu về nguồn vốn để duy trì và ổn định sản xuất.
Nông dân mong được vay vốn ưu đãi khôi phục sản xuất. Trong ảnh: Mô hình trồng xoài xuất khẩu ở xã Phú Ngọc, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên |
[links()]Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhiều thành phần kinh tế khác phục hồi sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế hồi phục. Trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung dòng vốn hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
* Giải quyết khó khăn về vốn sản xuất
Theo phản ánh của HTX cũng như nông dân, sản xuất nông nghiệp hiện nay đang chuyển sang quy mô hàng hóa lớn, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp bây giờ cũng cần nguồn vốn lớn với gói vay dài hạn. Các gói vay nhỏ giọt theo các kênh dành cho nông nghiệp như hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết cho đầu tư của người dân.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, thương lái tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) cho biết, vụ thu hoạch trái cây hè vừa qua, nhiều nhà vườn thua lỗ nên rất khó khăn về vốn đầu tư sản xuất. Bản thân HTX hiện rất cần vay vốn được ưu đãi lãi suất để hỗ trợ cho các thành viên ổn định sản xuất cũng như đầu tư xe vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ… Nhưng hiện nay, HTX rất khó tiếp cận các gói vay ưu đãi, số vốn được vay chỉ nhỏ giọt so với nhu cầu thực tế.
Cùng quan điểm, ông Lại Hồng Chí, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) chia sẻ thêm, hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch hiện rất khó khăn, rủi ro cũng lớn. Về lâu dài, thị trường dễ tính là Trung Quốc cũng dần siết chặt quản lý nông sản nhập khẩu. Cả HTX và nông dân đều rất mong vay được nguồn vốn giá rẻ để đầu tư đồng bộ, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn và quy trình xuất khẩu thì mới có đầu ra bền vững hơn.
* Nhiều gói vay ưu đãi
Triển khai chương trình hỗ trợ của Chính phủ với các doanh nghiệp, tổ chức cũng như cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn thiết thực như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi các khoản vay cũ; cho vay với lãi suất ưu đãi…
Các loại gia cầm đồng loạt rớt giá khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Trong ảnh: Trại nuôi vịt thịt tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) |
Theo đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai rà soát, lên kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất vay vốn… cho các trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn cho vay các khoản vay mới với lãi suất cho vay được điều chỉnh thấp hơn từ 0,5-2,5%/năm so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Đặc biệt, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Đồng Nai đã chỉ đạo toàn hệ thống rà soát, đánh giá tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến khách hàng để có phương án hỗ trợ kịp thời. Agribank chi nhánh Đồng Nai đã giảm lãi suất cho vay mới tối đa lên đến 0,8%/năm cho các khoản vay ngắn hạn; tiếp tục cho vay lãi suất ưu đãi với những khách hàng đáp ứng đầy đủ điều kiện, có phương án kinh doanh khả thi. Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đồng Nai cho hay, Agribank còn thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Agribank. Hệ thống ngân hàng còn thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất với gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Lê Quyên