Tháng 6-2019, Đồng Nai chính thức khai trương các ứng dụng du lịch thông minh gồm: ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại, cổng thông tin du lịch Đồng Nai tại https://mydongnai.vn…
Tháng 6-2019, Đồng Nai chính thức khai trương các ứng dụng du lịch thông minh gồm: ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại (Dongnai Tourism), cổng thông tin du lịch Đồng Nai tại địa chỉ: https://mydongnai.vn… Đây được xem là nền tảng số cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh.
Bản đồ du lịch Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân - TTXTDL tỉnh) |
[links()]Sau hơn 1 năm triển khai, các ứng dụng du lịch thông minh đang dần hoàn thiện để trở thành “cuốn cẩm nang” du lịch điện tử hỗ trợ du khách, doanh nghiệp du lịch, lữ hành tìm kiếm và quảng bá những điểm đến, các sản phẩm du lịch, khu vui chơi, ẩm thực, địa chỉ lưu trú nổi tiếng của Đồng Nai.
* Du lịch trên không gian số
Mục tiêu khi xây dựng hệ thống du lịch thông minh của tỉnh là đưa du lịch thông minh trở thành một phần trong xây dựng đô thị thông minh, nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội... Đồng thời, góp phần tạo không gian số, xây dựng Đồng Nai là điểm đến du lịch an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Hơn 1 năm qua, các ứng dụng, website về du lịch đã thu hút hàng trăm ngàn lượt người truy cập. Tuy còn trong quá trình hoàn thiện nhưng bước đầu các ứng dụng, website này đã phát huy hiệu quả, tạo sự tương tác giữa khách du lịch và các doanh nghiệp, nhà quản lý du lịch.
Bà Võ Thị Thùy Diễm, Trưởng phòng Marketing Công ty CP Du lịch Giang Điền (H.Trảng Bom) cho biết, Khu du lịch thác Giang Điền đã đăng ký chia sẻ thông tin trên ứng dụng du lịch thông minh trên điện thoại (Dongnai Tourism) và cổng thông tin du lịch Đồng Nai tại địa chỉ: https://mydongnai.vn ngay từ khi hệ thống bắt đầu hình thành. Theo bà Diễm, các ứng dụng trên giúp doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, các đơn vị xây dựng hệ thống này cần hoàn thiện hơn nữa để tăng cường sự tương tác, đẩy mạnh quảng bá, khuyến khích người cài đặt, sử dụng các ứng dụng một cách hiệu quả nhất.
“Thông qua các ứng dụng, chúng tôi có thể giới thiệu về điểm du lịch của mình, thông tin về các chính sách ưu đãi, sản phẩm du lịch kịp thời đến du khách. Ngoài ra, du khách có thể tham khảo trước trên các thiết bị điện tử, xem đánh giá của những khách đã từng đến trước đó để có quyết định, lựa chọn một nơi vui chơi phù hợp” - bà Diễm cho hay.
Đồng quan điểm, ông Du Chí Hùng, Giám đốc Công ty CP Tri Thức Việt (TP.Biên Hòa) cũng cho rằng, việc triển khai xây dựng ứng dụng du lịch thông minh của tỉnh là chủ trương theo đúng với nhu cầu, xu hướng du lịch của các nước trên thế giới hiện nay. Chương trình này góp phần xây dựng một không gian số cho ngành du lịch. Tuy nhiên, để các ứng dụng du lịch thông minh thật sự là nền tảng số cho ngành du lịch, các nhà quản lý, xây dựng và điều hành hệ thống cần thường xuyên nâng cấp, cập nhật thông tin, chính sách về du lịch. Khi các ứng dụng hoàn thiện, việc tìm kiếm một điểm du lịch, khu vui chơi, nhà hàng, khách sạn đối với một khách phương xa sẽ dễ dàng hơn.
* Hoàn thiện các cơ sở dữ liệu
Theo số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - truyền thông), Việt Nam hiện có hơn 50 triệu người sử dụng internet, chiếm 53% dân số, cao hơn mức bình quân của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46,64%) và trên thế giới (48,2%). Đặc biệt, trong số đó có tới 78% sử dụng internet hằng ngày. Bên cạnh đó, tỷ lệ lớn khách du lịch nước ngoài và trong nước sử dụng dịch vụ của các sàn du lịch trực tuyến nước ngoài có thương hiệu toàn cầu như: Agoda.com, booking.com, Traveloka.com… với 80% thị phần.
Trong khi đó, hiện chỉ có trên 10 doanh nghiệp Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như: ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, vntrip.vn… Tuy nhiên, các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp. Trong khi đó, theo dự đoán của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10% khu vực, tương đương 9 tỷ USD.
Hồ Trị An là một trong những điểm đến được nhiều doanh nghiệp khai thác và thông tin trên ứng dụng du lịch thông minh. Ảnh: Văn Linh |
Để đáp ứng xu hướng phát triển chung này, Sở VH-TTDL đã triển khai Đề án Xây dựng du lịch thông minh tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2023, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông minh cho ngành du lịch cùng với các ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông nhằm tăng tính kết nối thông tin, dữ liệu, nâng cao trải nghiệm cho người dân và du khách đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá các sản phẩm của mình. Đây cũng chính là tiền đề hướng đến xây dựng không chỉ du lịch thông minh mà còn góp phần hoàn thiện mô hình đô thị thông minh.
Đồng Nai được đánh giá nằm trong tốp 10 điểm đến có lượng khách du lịch đặt phòng qua website tăng nhanh nhất trong những năm gần đây. Như vậy, du lịch thông minh với nền tảng dữ liệu trực tuyến, kết nối các giải pháp, các tổ chức trở nên ngày một hấp dẫn và tiện lợi hơn cho du khách.
Để đáp ứng kịp thời những dữ liệu trong không gian số của ngành du lịch, ông Huỳnh Bảo Quốc, Giám đốc Trung tâm CNTT (VNPT Đồng Nai), đơn vị trực tiếp xây dựng nền tảng số cho ngành du lịch cho biết, hiện VNPT Đồng Nai đang tích cực cập nhật những giải pháp chính đối với du lịch thông minh trên hệ thống số đã hình thành và đang trong quá trình hoàn thiện hơn như: Xây dựng bản đồ số về du lịch, phản ánh đầy đủ các tài nguyên, điểm đến, cũng như hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch bằng công nghệ bản đồ số. Các lớp dữ liệu như: điểm du lịch, tham quan, dịch vụ lưu trú, quán ăn, lữ hành, điểm vui chơi, trung tâm mua sắm, trung tâm thể thao, các điểm thuê phương tiện giao thông, các trạm xe buýt, sân bay… được cập nhật thường xuyên.
Bên cạnh đó, VNPT Đồng Nai hoàn thành xây dựng cổng thông tin du lịch Đồng Nai với tên miền: mydongnai.vn, phần mềm du lịch trên điện thoại (DongNai Tourism) trong đó có các nội dung về công tác quản lý nhà nước về du lịch, hoạt động của các doanh nghiệp, cung cấp các tiện ích và thông tin hữu hiệu về du lịch địa phương cho du khách trước, trong và sau chuyến đi.
“Các điểm đến, dịch vụ hấp dẫn đặc trưng đều được chúng tôi lựa chọn, cập nhật để phục vụ khách du lịch. Các sự kiện thu hút du khách như: lễ hội, hoạt động du lịch diễn ra trong năm tại các địa phương… cùng các tiện ích về hệ thống giao thông, chỉ dẫn đường cho khách du lịch, bưu điện, cơ sở y tế, ngân hàng, ATM, nhà vệ sinh công cộng… cũng đã và đang được cập nhật, hoàn thiện và làm mới mỗi ngày trên môi trường không gian số để phục vụ du lịch” - ông Quốc nhấn mạnh.
Tháng 7-2020, UBND tỉnh lên kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển du lịch được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề sau: Thứ nhất, phát triển du lịch thông minh, tăng cường ứng dụng công nghệ số để quảng bá hình ảnh, thương hiệu và xúc tiến du lịch. Thứ hai, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Thứ ba, ứng dụng công nghệ số để quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh. Thứ tư, ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị du lịch thông minh. Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, đảm bảo kết nối và liên thông với hệ thống dữ liệu quốc gia. Trong đó, vấn đề huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch là nhiệm vụ đang tập trung thực hiện để tạo đột phá cho du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng của tỉnh trong những năm tới. |
Ngọc Liên