Giai đoạn hội nhập đòi hỏi ngành Chăn nuôi phải cạnh tranh bằng lợi thế chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và vì thế chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang mất dần vị trí...
Giai đoạn hội nhập đòi hỏi ngành Chăn nuôi phải cạnh tranh bằng lợi thế chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Chăn nuôi nhỏ lẻ đang mất dần vị trí, nhất là bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi nên càng khó phục hồi.
Một hộ nuôi heo tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên |
Tuy nhiên, người chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Đồng Nai vẫn nỗ lực tìm cách tồn tại và phát triển chăn nuôi. Trong đó, mô hình chăn nuôi vườn, ao, chuồng; liên kết để sản xuất an toàn đang là hướng ra cho nhiều hộ chăn nuôi.
* Mô hình vườn - chuồng
Khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, phần lớn các ổ dịch tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện không đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vì đều là trại hở, điều kiện vệ sinh kém.
Vừa lo dịch tái phát, vừa thiếu vốn để tái đàn, hiện nhiều hộ chăn nuôi heo đã chuyển đổi sang ngành nghề khác. Tuy nhiên, không ít nông dân vẫn kiên trì từng bước khôi phục lại đàn chăn nuôi. Trong đó, những vùng chăn nuôi thuộc vùng sâu, vùng xa làm trại heo tách biệt với khu dân cư, ít gặp rủi ro về dịch bệnh. Họ nuôi heo kết hợp với làm vườn, tận dụng cám, bắp tự trồng hoặc mua rẻ tại địa phương làm cám trộn chăn nuôi để giảm chi phí đồng thời có thêm nguồn phân chuồng chăm bón cho vườn cây.
Ông Lý Thạc, nông dân tại ấp 3, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) cho biết, thời điểm nuôi nhiều nhất, gia đình ông có 5-6 con nái, 50-60 heo thịt nhưng hiện ông chỉ còn 2 con nái. Với giá heo hơi như hiện nay, nuôi heo cho lợi nhuận rất tốt nhưng ông Thạc không đổ vốn mua thêm con giống mà đang cố gắng chăm sóc 2 con nái còn lại để sớm có lứa heo con mới vì giá con giống hiện quá cao, ông không đủ vốn đầu tư nên bỏ thời gian tự gầy lại đàn giống. Theo ông Thạc: “Thu nhập chính của gia đình tôi vẫn là gần 2ha vườn cây ăn trái. Tôi không có ý định đổ vốn mở rộng quy mô chăn nuôi mà có bao nhiêu nuôi bấy nhiêu theo kiểu tăng gia để vừa có thêm đồng lời, vừa có nguồn phân bón cho vườn cây”.
Chỉ ra lợi thế tái đàn ở vùng sâu, vùng xa cách biệt hẳn khu dân cư, ông Nguyễn Khắc Năm cũng là nông dân tại ấp 3, xã Thanh Sơn nhận xét, vùng này hầu như không bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Vì ở các ấp sâu bên trong chủ yếu nông dân làm rẫy với nhà dân còn thưa thớt, không có tình trạng các trại chăn nuôi nằm san sát như các vùng khác là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh ít lây lan. “Hiện nhiều hộ dân bắt đầu tái đàn heo trở lại, hộ nhiều nhất nuôi được vài chục con, hộ thì chỉ còn vài ba con. Tuy không lo về rủi ro dịch bệnh nhưng nông dân cũng không ồ ạt tái đàn heo vì khó khăn về đồng vốn đầu tư do giá con giống quá cao” - ông Năm nói.
* Liên kết để chăn nuôi an toàn
Để chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn tồn tại được trong giai đoạn hiện nay, chăn nuôi hộ gia đình cùng bắt tay xây dựng chuỗi liên kết theo hướng an toàn để phát triển bền vững hơn.
Trong đó, Đồng Nai có thuận lợi không nhỏ là tỉnh đã hình thành được 3 vùng thực hành chăn nuôi an toàn (GAHP) với hàng trăm hộ chăn nuôi tham gia. Trong đó, có 49 tổ hợp tác với 654 hộ đã được dự án hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP... Giai đoạn dịch bệnh, nhiều thành viên trong các tổ hợp tác này đã nghỉ chăn nuôi nhưng nhiều hộ vẫn giữ nghề, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất an toàn để tồn tại được trong giai đoạn khó khăn.
Tiêu biểu như Khu thí điểm chăn nuôi tập trung tỉnh Đồng Nai (LPZ) tại xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) là khu thí điểm duy nhất của Đồng Nai và trong cả nước được Ngân hàng Thế giới và Ban Quản lý trung ương dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) chấp thuận hỗ trợ đầu tư. Đa số các hộ chăn nuôi trong Khu LPZ đều tham gia tổ hợp tác áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn (GAHP), đã và đang thực hiện chứng nhận VietGAHP nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của chăn nuôi hộ gia đình khi tham gia vào chuỗi chăn nuôi an toàn với đầu ra bền vững.
Theo ông Vũ Viết Đệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 01 trong Khu LPZ, trong Khu LPZ, đợt dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi cũng bị thiệt hại và không ít hộ đã bỏ nghề vì suốt thời gian xảy ra dịch, heo hơi bán ra thị trường liên tục đứng ở mức thấp, rủi ro dịch bệnh lại quá lớn. Những hộ cố giữ nghề cũng buộc phải giảm đàn, thu nhỏ quy mô nuôi vì không còn nhiều vốn liếng để cầm cự. Nhưng những hộ chăn nuôi trong khu vực này còn giữ nghề đều đang nỗ lực khôi phục lại sản xuất theo hướng chăn nuôi chuyên nghiệp, bài bản hơn, đảm bảo an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo không tái phát dịch cũng như giữ uy tín về chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Bình Nguyên