Đồng Nai là "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, mặt hàng heo, gà vẫn nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh...
[links()]Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, mặt hàng heo, gà vẫn nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong giai đoạn hội nhập. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển bền vững ngành Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào sân chơi quốc tế.
Đồ họa thể hiện tổng đàn heo, đàn gà của tỉnh tính đến cuối tháng 7-2020 (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Làm việc tại Đồng Nai về tình hình khôi phục ngành Chăn nuôi heo, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Trọng đánh giá, Đồng Nai có vai trò quan trọng trong việc tăng đàn, tái đàn góp phần ổn định cho thị trường thịt heo vì tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về tổng đàn. Tình hình tái đàn, tăng đàn của Đồng Nai cũng cao hơn mức trung bình toàn quốc.
* Qua thời “chạy theo phong trào”
Năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Đồng Nai đạt gần 41,8 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản phẩm chăn nuôi vẫn đạt hơn 21,3 ngàn tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn trong toàn ngành dù đây là năm ngành Chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là bị thiệt hại nặng nề do dịch tả heo châu Phi.
Trong dịp về Đồng Nai công tác vào tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả Đồng Nai đạt được trong công tác tái đàn, đặc biệt là trong khôi phục đàn heo giống. Giá heo hơi tăng cao trong thời gian qua là cơ hội để địa phương nhân rộng mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo sản lượng thịt heo cung cấp cho thị trường cuối năm. |
Định hướng trong thời gian tới, ngành Chăn nuôi vẫn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp với quy mô lớn, đạt chuẩn an toàn. Cụ thể, với đàn heo và gà, chăn nuôi trang trại đều chiếm hơn 90% tổng đàn. Toàn tỉnh có 5 vùng an toàn dịch bệnh trên gà đối với bệnh cúm và bệnh Newcastle; chăn nuôi heo đã hình thành được 3 vùng GAHP (Quy trình thực hành chăn nuôi tốt) tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Tính đến hết năm 2019, Đồng Nai duy trì khoảng 18,6% sản lượng heo, 27% sản lượng gà đạt tiêu chuẩn VietGAHP có mặt trên thị trường.
Tổng đàn heo của Đồng Nai hiện đạt gần 2,1 triệu con, giảm hơn 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã tăng hàng trăm ngàn con so với thời điểm tổng đàn heo giảm mạnh do thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi. Lợi thế lớn nhất của Đồng Nai là vẫn còn tổng đàn nái, trong đó có đàn giống cụ kỵ cao hơn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nguồn giống này chủ yếu do các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. Đây là nguồn tài nguyên rất lớn về nguồn giống để khôi phục ngành Chăn nuôi heo sau giai đoạn khó khăn.
Ông Trần Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện doanh nghiệp đang có nhiều trang trại nuôi heo nái tại miền Nam hoạt động ổn định. C.P cũng đang cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại cách xa khu dân cư, kiểm soát dịch bệnh tốt. Doanh nghiệp rất chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bác sĩ thú y đến tận trang trại hỗ trợ cho các trại nuôi gia công cho C.P về quy trình phòng, chống dịch tả heo châu Phi khi có nhu cầu tái đàn heo.
Đánh giá về xu hướng phát triển của ngành Chăn nuôi gia cầm, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho rằng, chăn nuôi gà công nghiệp lúc này đã qua giai đoạn chạy theo phong trào. Hiện đa số các trại nuôi đều được đầu tư theo chuẩn công nghiệp hiện đại, tham gia chuỗi liên kết hoặc nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn.
* Bài toán cạnh tranh trong hội nhập
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngành Chăn nuôi phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt người chăn nuôi heo hiện vẫn rất cẩn trọng tái đàn, tăng đàn vì rủi ro dịch tả heo châu Phi còn quá lớn. Từ đầu năm đến nay, các loại gia cầm, tiêu biểu là gà công nghiệp nhiều đợt rớt giá, có thời điểm giảm kỷ lục chỉ còn hơn 10 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Tình hình tiêu thụ của nhiều sản phẩm chăn nuôi đều gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng lớn khi thịt nhập từ các nước không ngừng tăng nhanh.
Đồng Nai khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô lớn. Trong ảnh: Trang trại Hoa Phượng tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.Quyên |
Đã đến lúc ngành Chăn nuôi trong nước phải tính đến bài toán cạnh tranh dài hạn khi bước vào sân chơi quốc tế bằng cải thiện năng suất, xây dựng chuỗi sản phẩm không chỉ đáp ứng tốt thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu. Hoàn thiện chuỗi sản phẩm chăn nuôi từ sản xuất đến bàn ăn theo hệ thống khép kín từ sản xuất, giết mổ, chế biến đến khâu tiêu thụ… Trong đó, việc xây dựng thương hiệu cho chuỗi sản phẩm chăn nuôi cũng cần được đầu tư đúng mức, đặc biệt đối với các sản phẩm được chứng nhận VietGAHP để có đầu ra thật sự bền vững bằng uy tín, chất lượng.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh, Đồng Nai sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn trong chăn nuôi heo trên cơ sở phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Tỉnh đang làm việc với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, tăng cường phát triển đàn giống để có nguồn cung cấp cho các hộ chăn nuôi. Tỉnh rất khuyến khích các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để cung cấp con giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn cho nông dân. |
Đồng Nai có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành Chăn nuôi xây dựng được liên kết chuỗi với người chăn nuôi theo hình thức gia công. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm... Hiện không ít các HTX chăn nuôi cũng đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp với chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho biết thêm, thành viên của HTX không chỉ có người chăn nuôi mà còn có doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám... nên người nuôi được hỗ trợ, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật nuôi, được mua con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… với giá tốt, góp phần giảm chi phí sản xuất. Một lợi thế rất lớn là các chủ trang trại trở thành thành viên của HTX không còn bị động về khâu tiêu thụ như trước vì việc tăng đàn, giảm đàn đều có kế hoạch cụ thể; sản phẩm chăn nuôi được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt.
Với ngành Chăn nuôi heo, dịch tả heo châu Phi là sự sàng lọc buộc người chăn nuôi phải thay đổi về “chất” theo hướng chăn nuôi ngày càng chuyên nghiệp với sự đầu tư bài bản. Theo một số doanh nghiệp chăn nuôi hoạt động trên địa bàn Đồng Nai, nhằm giảm rủi ro tái phát dịch tả heo châu Phi, các trang trại chăn nuôi heo hiện nay phải được đầu tư theo quy trình khép kín, hiện đại với sự kiểm soát chặt chẽ trong mọi khâu. Chuyên môn hóa trong đầu tư như việc tái đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chỉ nên tập trung phát triển đàn heo thịt vì sớm có nguồn thu. Về phát triển đàn giống, tỉnh nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận về quỹ đất cũng như nguồn vốn ưu đãi vì cần sự đầu tư lâu dài, bài bản nhằm không ngừng nâng cao chất lượng con giống, yếu tố rất quan trọng quyết định năng suất chăn nuôi.
Lê Quyên