4 ngày kể từ khi tình nguyện đi vào tâm dịch "tiếp lửa" cho TP.Đà Nẵng, 3 "chiến sĩ" áo trắng của Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đang cùng đồng nghiệp bước vào trận chiến với dịch bệnh Covid-19...
4 ngày kể từ khi tình nguyện đi vào tâm dịch “tiếp lửa” cho TP.Đà Nẵng chống dịch bệnh Covid-19, với sức trẻ và tinh thần thiện nguyện, 3 “chiến sĩ” áo trắng của Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai (TP.Biên Hòa) đang cùng đồng nghiệp trong hệ thống bệnh viện của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ bước vào trận chiến với dịch bệnh Covid-19.
Các thành viên tình nguyện của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn (TP.Đà Nẵng). Ảnh do bệnh viện cung cấp |
[links()]Đó là BS CKI Đặng Thị Kim Dung, Khoa Nội nhi; kỹ thuật viên (KTV) Phạm Thái Hiền, Khoa Xét nghiệm và điều dưỡng; Hồ Thị Hạnh, điều dưỡng Khoa Khám bệnh cấp cứu. Các “chiến sĩ” áo trắng này đã và đang được tập huấn quy trình nghiêm ngặt để tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
* Xung phong đi vào tâm dịch
Phải chờ đến 19 giờ, khi những tình nguyện viên này rời nơi tập huấn về chỗ nghỉ, chúng tôi mới trò chuyện được với họ qua điện thoại. KTV Phạm Thái Hiền cho hay, họ đang được tập huấn quy trình để sắp tới sẽ nhận phân công công việc từ Sở Y tế TP.Đà Nẵng.
Trao đổi với chúng tôi về mục đích chuyến đi, anh Hiền cho biết, ngay từ đầu khi đăng ký ứng tuyển, anh đã xác định đây là một chuyến đi dấn thân chứ không phải là trải nghiệm với mong muốn sát cánh cùng đồng nghiệp sớm đẩy lùi được dịch bệnh.
“Đi và thấy các đồng nghiệp ở tâm dịch làm việc cường độ cao, tính chất dịch bệnh nguy hiểm, tôi rất cảm phục và nguyện sẽ cố gắng hoàn thành trách nhiệm mà tập đoàn và bệnh viện giao phó” - anh Hiền chia sẻ.
Với BS.Kim Dung, cảm nhận của chị nơi tuyến đầu chống dịch cũng không quá lo lắng, căng thẳng. “Trước khi đi, chúng tôi đã được tập huấn quy trình bảo hộ phòng chống lây nhiễm Covid-19 khi tiếp nhận, tiếp xúc với bệnh nhân. Nhưng khi chính thức bước vào tâm dịch thì những kiến thức trên lý thuyết là không đủ” - BS Kim Dung tâm sự.
Ngay ngày đầu tiên đến Đà Nẵng, nhóm tình nguyện của Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã được các đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) tập huấn, hướng dẫn cụ thể, kỹ lưỡng về nhiều quy trình trong khâu tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cách phòng tránh lây nhiễm và bảo đảm sức khỏe để “chung sống” với dịch bệnh.
Theo đó, trong 1 tháng làm việc ở tâm dịch, cả ba sẽ không được đi khỏi thành phố để tránh cho mình bị nhiễm cũng như lây nhiễm cho người khác. Buổi sáng có xe đưa rước từ chỗ ở đến Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn để tập huấn. Trong suốt thời gian tập huấn của một ngày, không ai được sử dụng điện thoại hay làm việc khác. Chiều tối xe đưa về chỗ ăn nghỉ, nhóm lại cùng nhau thực tập lại những gì đã học ban ngày để nay mai, khi chính thức được vào điều trị cho người bệnh, thao tác sẽ nhuần nhuyễn và chuẩn xác hơn.
* Hưởng ứng phong trào "Tiếp lửa" cho Đà Nẵng
Phong trào tình nguyện “Tiếp lửa” cho Đà Nẵng được Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ phát động trong tuần đầu tiên của tháng 8-2020. Qua “sàng lọc” của Tập đoàn, một danh sách gồm 13 là bác sĩ, KTV và điều dưỡng của bệnh viện hội đủ điều kiện tham gia Đội quân xung kích đi vào tâm dịch “tiếp lửa” với Đà Nẵng.
Trước khi đi, các tình nguyện viên đã cắt tóc rất ngắn, được kiểm tra sức khỏe tổng quát, đặc biệt là khám phổi để đảm bảo rằng các thành viên của đoàn hoàn toàn khỏe mạnh và đủ sức... chiến đấu.
BS CK II Trương Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho hay, bệnh viện có gần 40 người đăng ký tình nguyện hưởng ứng phong trào này nhưng Ban giám đốc quyết định chọn 3 người gồm 1 bác sĩ và 2 KTV, điều dưỡng đều có trình độ đại học để tham gia phong trào. Đây là những thành viên ưu tú của bệnh viện, nổi trội về chuyên môn, có sức khỏe tốt lại không vướng bận gia đình.
“Tôi rất cảm động và trân trọng sự nhiệt tình, trách nhiệm của các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện hướng về tâm dịch Đà Nẵng, nhưng bệnh viện vẫn phải tổ chức xem xét các điều kiện về nhân lực, nhằm bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện không bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi thiếu người” - BS Hằng cho biết.
Ngày 17-8, 3 tình nguyện viên của Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cùng 7 thành viên đến từ những bệnh viện khác trong hệ thống của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã lên đường đi Đà Nẵng. Chuyến đi dự kiến trong 1 tháng. Khi trở về, các tình nguyện viên sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định.
BS Hằng cho biết thêm, tinh thần quả cảm của các nhân viên y tế rất đáng trân trọng, bệnh viện vẫn sẽ bảo đảm đầy đủ những chế độ, chính sách lương, thưởng, thu nhập ngoài giờ, phụ cấp chuyển vùng đặc biệt, phụ cấp phòng, chống dịch... cho các nhân viên y tế này.
Để thuận lợi trong trao đổi thông tin, một group Zalo gọi là “nhật ký sống” được lập ra như một kênh giao tiếp giữa tình nguyện viên ở tâm dịch và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai. Ngoài sự động viên kịp thời của Ban giám đốc, kênh thông tin này còn giúp chia sẻ những gì hữu ích trong chuyên môn, nhất là công tác tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở tuyến đầu chống dịch.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là ở TP.Đà Nẵng. Việc xung phong đi vào tâm dịch Đà Nẵng của 3 tình nguyện viên trẻ ở Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai nói riêng, cũng như các "chiến sĩ" áo trắng trong cả nước nói chung là rất đáng trân trọng.
Phương Liễu