Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

04:08, 17/08/2020

Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp bàn phiên thứ hai, bỏ phiếu với kết quả đa số đồng ý với đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng cho đến hết năm 2021, giữ nguyên mức cũ với 4 vùng.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp bàn phiên thứ hai, bỏ phiếu với kết quả đa số đồng ý với đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng cho đến hết năm 2021, giữ nguyên mức cũ với 4 vùng.

Cán bộ Công đoàn H.Trảng Bom thăm hỏi về tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động. Ảnh: N.Hòa
Cán bộ Công đoàn H.Trảng Bom thăm hỏi về tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động. Ảnh: N.Hòa

Đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu vùng được đưa ra trong bối cảnh nước ta đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai và có diễn biến phức tạp. Trong khi đó, làn sóng Covid-19 thứ nhất vừa kết thúc khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất, thiếu đơn hàng, gần 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và việc làm, mất hoặc giãn việc. Phương án này sẽ được hội đồng trình Chính phủ quyết định và hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của DN, tổ chức Công đoàn và người lao động (NLĐ).

* DN chưa đủ sức để tăng lương tối thiểu

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tiến hành họp và bỏ phiếu với phương án: “Tiếp tục thực hiện tiền lương tối thiểu vùng theo tháng đến hết năm 2021 (không điều chỉnh trong năm 2021). Chưa ban hành tiền lương tối thiểu theo giờ năm 2021 để đồng bộ với tiền lương tối thiểu theo tháng”. Trong phiên họp này, có 9/13 thành viên tham gia bỏ phiếu đồng ý với phương án hội đồng đưa ra.

Công nhân Công ty TNHH Dệt may Eclat (H.Nhơn Trạch) trong giờ làm việc
Công nhân Công ty TNHH Dệt may Eclat (H.Nhơn Trạch) trong giờ làm việc. Ảnh:N. Hòa

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, do tác động của dịch bệnh Covid-19, đến nay các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, nên chưa đủ sức để tăng lương tối thiểu. Do đó, rất mong NLĐ đồng hành với DN, không tăng lương tối thiểu năm 2021.

Trong khi đó, 4/13 thành viên là đại diện của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam không tham gia bỏ phiếu do chưa đồng ý với phương án được đưa ra. Trước đó, khi thương lượng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án lương tối thiểu tăng bình quân 3,95% áp dụng từ ngày 1-7-2021; hoặc tăng bình quân 2,5% từ ngày 1-1-2021.

Ông Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho hay, các cơ sở điều chỉnh tiền lương còn phụ thuộc rất nhiều vào việc khôi phục nền kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hiện nay chưa nắm bắt được rõ tình hình năm 2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị thống nhất chưa bàn đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2021 và tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP đến ngày 1-7-2021, sau đó đầu năm 2021 tiếp tục căn cứ tình hình để xem xét điều chỉnh tiền lương. Tức là duy trì mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến ngày 1-7-2021.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh, phương án không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia trình Chính phủ xem xét quyết định. Các ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sẽ được ghi nhận và trình Chính phủ.

* DN cần được sẻ chia, đồng hành

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và NLĐ thỏa thuận và trả lương. Trong đó, mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đảm bảo đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận. Mức tiền lương phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất. Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là vùng I: 4,42 triệu đồng, vùng II: 3,92 triệu đồng, vùng III: 3,43 triệu đồng và vùng IV: 3,07 triệu đồng.

Thực tế hiện nay cho thấy, dịch Covid-19 tái bùng phát đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đồng thời tác động lớn đến tình hình lao động, việc làm của NLĐ. 

Tại Đồng Nai, theo báo cáo của các cấp Công đoàn, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều DN gặp khó khăn do không xuất được hàng, giảm đơn hàng nên hoạt động cầm chừng; có DN cho công nhân nghỉ phép năm luân phiên, chuyển chế độ làm việc 3-5 ngày/tuần hoặc cho công nhân nghỉ không lương trong thời gian dịch bệnh. Một số DN không thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh đã gửi thông báo đến các cơ quan chức năng ngưng hoạt động, cho NLĐ nghỉ việc... Tính đến ngày 31-5, toàn tỉnh có 219 DN với 188.060 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Khi được hỏi về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021 mới được đưa ra, đại diện nhiều DN, cán bộ Công đoàn và cả công nhân lao động cho rằng, trong lúc này cũng cần chia sẻ với DN để vượt qua khủng hoảng. Bởi lẽ, điều quan trọng là DN phải tồn tại thì NLĐ mới giữ được việc làm.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) Thái Minh Chí cho hay, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19 nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Công ty đã phối hợp với Công đoàn thực hiện phương án sắp xếp công việc một cách hợp lý, tiết kiệm mọi chi phí trong sản xuất nhằm nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ.

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TBXH) Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, không nên điều chỉnh tăng lương trong bối cảnh hiện tại, bởi tình hình DN đang hết sức khó khăn. Nhiều DN đã phải ngừng hoạt động do không có đơn hàng từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, đối với các DN đang hoạt động cầm chừng, nếu tăng lương, DN không đáp ứng được, phải ngừng hoạt động thì lao động sẽ không có việc làm. Ngoài ra, việc chưa điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng góp phần bảo đảm việc làm, bảo đảm an sinh lao động. NLĐ thậm chí buộc phải chấp nhận tình trạng giãn việc, giảm giờ làm, thay đổi hình thức làm việc, giảm lương để vẫn có thể duy trì được việc làm, tránh thất nghiệp. Sự chia sẻ với khó khăn của DN cũng chính là cách để NLĐ tự giúp chính mình.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự báo công ty sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Công ty mong muốn nhận được sự sẻ chia, đồng hành của NLĐ với DN để vượt qua giai đoạn này. Khi công ty ổn định và phát triển, công ty sẽ tiếp tục xây dựng, nâng cao các chế độ chính sách, phúc lợi cho NLĐ, chăm lo ngày càng tốt hơn nữa cho NLĐ” - ông Thái Minh Chí cho hay.

 Ông Lê Đức Thụy, Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom cho rằng, thời gian qua, dù còn gặp nhiều vất vả trong cuộc sống, song trước những khó khăn của DN trong cơn đại dịch, NLĐ luôn đồng thuận, sẵn sàng sẻ chia, đồng hành với DN vượt khó để ổn định sản xuất, phát triển bền vững. “Bên cạnh đó, việc các DN nỗ lực duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ để đảm bảo cuộc sống rất đáng ghi nhận. Vì vậy, để DN vực dậy, ổn định sản xuất, NLĐ nên tiếp tục chia sẻ với DN. Phương án không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 cũng sẽ chia sẻ khó khăn với DN, giúp các  DN sớm khôi phục sản xuất để tạo việc làm ổn định cho NLĐ” - ông Thụy nêu ý kiến.

Từng làm quản lý kho với mức thu nhập khá ở một công ty tư nhân tại H.Vĩnh Cửu, tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch Covid-19, công ty gặp rất nhiều khó khăn, anh Võ Ánh (ngụ tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) và nhiều lao động khác trong công ty phải chấp nhận thỏa thuận thôi việc. Từ khi nghỉ việc đến nay, anh đã nỗ lực tìm việc ở nhiều nơi nhưng chưa tìm được việc làm mới.

Từ trường hợp của mình, anh Võ Ánh chia sẻ, khi công ty đang khó khăn thì việc đảm bảo việc làm cho NLĐ còn rất khó, nên nếu tăng lương cho NLĐ thì DN lại càng khó khăn, nên anh hoàn toàn chia sẻ với phương án không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Song DN phải đảm bảo, khi DN ổn định phát triển trở lại phải tăng lương và nỗ lực cải thiện chính sách, phúc lợi cho DN.

* NLĐ cần sự hỗ trợ

Việc tăng lương tối thiểu vùng, dù ít hay nhiều cũng sẽ giúp NLĐ có thêm điều kiện trang trải cuộc sống, là cách để động viên NLĐ cống hiến cho DN. Vì vậy, bên cạnh những ý kiến đồng thuận chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, cũng nên tính toán, xem xét kỹ thêm tình hình thực tế chung của DN để tăng lương tối thiểu vùng ở một mức nào đó nhằm giúp đảm bảo cuộc sống NLĐ.

Do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhiều lao động bị mất việc và phải nỗ lực tìm việc làm mới
Do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhiều lao động bị mất việc và phải nỗ lực tìm việc làm mới

Theo ông Đỗ Đình Hiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Chính Xác Việt Nam (H.Trảng Bom): “NLĐ sau một năm làm việc đều mong muốn được tăng lương, được DN ghi nhận sự cống hiến của mình. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Vì vậy, với chức năng là đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ và qua những lần đi thực tế thăm công nhân, tôi nghĩ nên chăng giữ nguyên việc tăng lương cho NLĐ như các năm trước đây và tính toán mức tăng hợp lý, phù hợp. Đây cũng là động lực để NLĐ phấn khởi, cùng DN vượt khó, ổn định sản xuất”.

Chị Đinh Thị Thúy Uyên, làm việc tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho hay, tình hình dịch bệnh phức tạp thời gian qua đã làm nhiều công nhân bị ảnh hưởng việc làm, đời sống. Nhiều lao động phải nghỉ việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. “Tuy nhiên, DN cần phải cho NLĐ thấy được nỗ lực của mình trong việc đảm bảo việc làm, giữ mức thu nhập bình quân cho NLĐ đảm bảo cuộc sống. Các chế độ chính sách phúc lợi khác phải giữ nguyên. NLĐ phải đảm bảo cơ bản được cuộc sống mới an tâm làm việc, đồng hành với DN vượt khó được” - chị Uyên bộc bạch.

Bà Trần Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Công ty TNHH May Million Win Việt Nam (H.Trảng Bom) cho rằng, hiện đời sống NLĐ còn nhiều khó khăn, chưa kể nhiều lao động xa quê phải lo đủ chi phí từ tiền trọ, đi lại và sinh hoạt. Do đó, nếu không tăng lương, các ngành chức năng liên quan cần đồng hành với DN tìm các chính sách hỗ trợ, chăm lo kịp thời giúp NLĐ giảm bớt khó khăn, an tâm lao động.

Nguyễn Hòa - Hồ Thảo


 

Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TBXH):

Hài hòa lợi ích giữa DN và NLĐ

Đối với nhiều DN ở thời điểm này, việc duy trì sản xuất, giữ việc làm và đảm bảo thu nhập cho NLĐ đã là việc rất khó khăn.

Chính vì vậy, NLĐ nên có sự chia sẻ khó khăn với DN. Điều quan trọng là DN phải tồn tại mới bảo vệ được việc làm cho NLĐ. Mặt khác, nếu thực hiện tăng lương trong tình hình khó khăn như vậy, có thể gây tác dụng ngược, bởi khi DN quá khó khăn, không thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh thì NLĐ hoàn toàn sẽ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm. NLĐ chia sẻ với khó khăn của DN cũng chính là gìn giữ, bảo vệ ổn định lâu dài việc làm và thu nhập của mình trong tương lai.

Song cũng cần tiếp tục bám sát vào tình hình thực tế của dịch bệnh Covid-19 và tình hình “sức khỏe” của DN để trong năm 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia có thể cân nhắc xem xét quyết định phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng phù hợp nhất nhằm hài hòa lợi ích cho DN và NLĐ.

Ông Đỗ Đình Hiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Chính Xác Việt Nam (H.Trảng Bom):

Nên cân nhắc kỹ việc tăng lương tối thiểu vùng

Hiện một bộ phận công nhân đang phải tăng ca mới có thu nhập trang trải cuộc sống. Không ít người là trụ cột chính của gia đình, nhiều người phải gửi con ở quê để tập trung làm việc. Mỗi tháng lương, chắt chiu gửi về quê cho ông bà nuôi con nên còn chật vật trong chi tiêu, cuộc sống hằng ngày.

Vì vậy, tôi nghĩ nên tiếp tục cân nhắc kỹ việc tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ, dù ít hay nhiều sẽ giúp NLĐ có thêm điều kiện trang trải cuộc sống, cũng là cách để động viên NLĐ cống hiến cho DN. Bởi cả năm cống hiến, cùng DN vượt qua khó khăn, họ đều trông chờ vào tiền lương, thưởng tăng để có điều kiện cải thiện cuộc sống, yên tâm làm việc.

Ông Phạm Thế Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa):

Cần có các chính sách phúc lợi thỏa đáng để tri ân NLĐ

Đời sống NLĐ còn rất khó khăn, NLĐ vẫn phải tăng ca mới có thêm thu nhập. Vì vậy, định kỳ tăng lương tối thiểu vùng vẫn nên duy trì để vừa đảm bảo thu nhập cho NLĐ, vừa là động lực để họ làm việc tốt hơn. Thực tế, sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều DN gặp khó khăn do không có đơn hàng.

Nhưng  nhìn tổng thể chung vẫn có những DN hoạt động tốt và phát triển, đơn hàng dồi dào. Vì vậy, nên dựa vào thực tế và lấy thêm ý kiến NLĐ để có sự điều chỉnh tăng lương phù hợp cho NLĐ. Vì NLĐ có cuộc sống ổn định mới tận lực cống hiến, tạo ra của cải, vật chất cho các DN. Sự nỗ lực của họ cần phải được ghi nhận thỏa đáng. Do đó, nếu không tăng lương, cần có các chính sách phúc lợi thỏa đáng để tri ân NLĐ kịp thời.

Công nhân Nguyễn Thị Thắm, làm việc tại Công ty TNHH May Million Win Việt Nam (H.Trảng Bom):

Sẵn sàng chia sẻ cùng DN

Sau một năm làm việc, cống hiến, NLĐ đều mong muốn được tăng lương để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, nếu các DN quá khó khăn, không tăng lương tối thiểu vùng như các năm trước thì tôi sẵn sàng chia sẻ cùng DN để vượt qua khó khăn.

Với chúng tôi, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, công nhân có việc làm, có thu nhập đã là may mắn. Quan trọng là DN phải biết trân trọng nguồn nhân lực để có những chính sách phúc lợi lâu dài hơn, giúp công nhân yên tâm, cống hiến hết mình vì sự phát triển của DN.           

Thảo Lâm - Lan Mai (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích