Cho đến lúc này, "làn sóng thứ hai" của đại dịch Covid-19 đã hiện diện tại Việt Nam và cả nước đang cố gắng đẩy lùi sự lây lan của nó. Trong nỗ lực chung đó, có những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ngành du lịch.
Cho đến lúc này, “làn sóng thứ hai” của đại dịch Covid-19 đã hiện diện tại Việt Nam và cả nước đang cố gắng đẩy lùi sự lây lan của nó. Trong nỗ lực chung đó, có những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ngành du lịch. Tại nhiều địa phương, doanh thu ngành du lịch giảm mạnh, mức giảm có khi lên đến 80-90% so với trước vì người dân hầu như đã tạm ngừng mọi hoạt động du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng vì e ngại dịch bệnh.
Không thể phủ nhận một thực tế là do không đủ sức chống chọi với khó khăn, áp lực chi phí đè nặng nên nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch đã lặng lẽ “rời” khỏi thị trường và có lẽ chỉ khi toàn cầu thực sự đẩy lùi được đại dịch Covid-19 thì ngành kinh tế đặc biệt này mới thực sự hồi phục. Và trong khoảng thời gian đó, nhìn ở góc độ tích cực, chính là cơ hội để từng doanh nghiệp nói riêng và các địa phương nói chung tiến hành củng cố, sắp xếp, hoàn thiện những định hướng, thế mạnh, đồng thời khắc phục dần các điểm yếu để khi dịch bệnh qua đi, có thể phục hồi và phát triển nhanh chóng.
Với Đồng Nai nói riêng, đây là khoảng thời gian để các địa phương và doanh nghiệp đồng lòng xây dựng một nền tảng “du lịch kỹ thuật số” nhằm đưa du lịch thông minh trở thành một phần trong xây dựng đô thị thông minh. Du lịch thông minh hiểu đơn giản là việc xây dựng và ứng dụng những công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội..., đồng thời góp phần tạo “không gian số” cho ngành du lịch, xây dựng Đồng Nai là điểm đến du lịch an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Du lịch được Đồng Nai xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong cả hiện tại lẫn tương lai, bởi đây là ngành kinh tế ít “xâm hại” tài nguyên thiên nhiên (một cách trực tiếp) nhất, ít gây ô nhiễm môi trường và góp phần thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển. Chính vì vậy, tháng 7-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.
Hiện tại, nhiều giải pháp đã và đang được triển khai nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu chính xác cho ngành du lịch Đồng Nai, xây dựng hệ sinh thái cho du lịch thông minh, các giải pháp kết nối và chia sẻ hiệu quả giữa khách du lịch - doanh nghiệp - chính quyền… Dĩ nhiên, còn nhiều khó khăn phía trước và không thể chỉ trong một sớm một chiều, du lịch Đồng Nai có thể trở thành “du lịch thông minh”, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng mỗi ngày, những công nghệ tối tân hôm nay có thể lạc hậu ngay trong ngày mai. Song, định hướng đúng thì sẽ dần có thành quả, nếu chuẩn bị tốt, tận dụng được thời gian thì khi đại dịch qua đi, ngành du lịch sẽ có sự phục hồi nhanh và mạnh mẽ.
Vi Lâm