4 tháng cuối năm được xem là thời điểm "chạy nước rút" để Đồng Nai hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt 95% tổng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2020 như đã cam kết với Chính phủ.
4 tháng cuối năm được xem là thời điểm “chạy nước rút” để Đồng Nai hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt 95% tổng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2020 như đã cam kết với Chính phủ.
Biểu đồ tổng nguồn vốn đầu tư công và tiến độ giải ngân đến cuối tháng 7-2020 (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]* Cao điểm giải ngân vốn
Theo UBND tỉnh, năm 2020, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là gần 25 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 7,5 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí hơn 17 ngàn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.
Tính đến hết tháng 7-2020, Đồng Nai đã thực hiện giải ngân được hơn 25% nguồn vốn đầu tư công cân đối từ ngân sách địa phương. Đối với nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu đã giải ngân hơn 48% trên tổng vốn hơn 53 tỷ đồng.
Riêng nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương hơn 161 tỷ đồng bố trí cho dự án Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa chưa thể thực hiện giải ngân. Nguyên nhân là hiện đang có những vướng mắc về vấn đề xử lý dioxin chưa được giải quyết với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Dự án đường 319 (đoạn cuối tuyến) là một trong những dự án đầu tư công trên địa bàn H.Nhơn Trạch hiện đã hoàn thành xây dựng |
Đánh giá về tình hình thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng tiến độ đang diễn ra khá chậm, chưa đạt như kế hoạch theo lộ trình của tỉnh đã đề ra.
Lý giải cho thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, năm 2020 số lượng dự án khởi công mới trên địa bàn tỉnh rất lớn với 266 dự án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án lại bị ảnh hưởng lớn bởi các vướng mắc về chính sách. Điều này khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 1-10-2019 để thay thế cho Nghị định số 32/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến ngày 26-12-2019, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư 09/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15-2-2020). Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai của nhiều dự án. Bởi, phần lớn các dự án đều phải thực hiện lại các thủ tục liên quan đến chi phí xây dựng theo nghị định mới. Trong khi đó, việc xác định các đơn giá nhân công, ca máy và thiết bị thi công theo nghị định mới cũng chưa thể thực hiện do đây là công việc cần rất nhiều thời gian. Điều này cũng đã gây khó cho các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. “Việc điều chỉnh các nội dung theo Nghị định 68 cũng như ban hành các đơn giá mới của tỉnh phải mất ít nhất 3 tháng mới hoàn thành nên việc triển khai các dự án để giải ngân vốn cũng bị chậm tiến độ” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, những tháng cuối năm, sau khi các dự án đã giải quyết xong các vấn đề về thủ tục đầu tư xây dựng, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư sẽ được thực hiện nhanh hơn. “Phần lớn các dự án hiện nay đang trong giai đoạn đấu thầu để thực hiện xây lắp. Khối lượng xây lắp để tính toán giải ngân sẽ rơi vào những tháng cuối năm, do đó thời điểm này tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công sẽ trôi chảy hơn. Tỉnh hiện vẫn đang kiểm soát được tiến độ giải ngân nguồn vốn” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Cùng chung nhận định, ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, năm 2020, đơn vị được giao làm chủ đầu tư gần 90 dự án. Hiện nay, phần lớn các dự án đã được điều chỉnh về thủ tục theo Nghị định 68. Vậy nên những tháng cuối năm, tiến độ giải ngân nguồn vốn sẽ nhanh hơn so với các tháng đầu năm.
* Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ
Để thực hiện đúng cam kết giải ngân đạt 95% nguồn vốn đầu tư công với Chính phủ, Đồng Nai hiện đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án.
Thi công xây dựng Trung tâm Hành chính công TP.Biên Hòa, một trong những dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh:P. Tùng |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với công tác điều hành, UBND tỉnh đã giao cho một Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách và thường xuyên đôn đốc tiến độ các dự án và việc thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Đặc biệt, đối với các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, tỉnh cũng đã lập ra một danh mục và thành lập ban chỉ đạo để triển khai thực hiện. Các nội dung hồ sơ, thủ tục liên quan đến các dự án này hằng tháng đều được ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các vướng mắc và giám sát về tiến độ.
Đối với các dự án chuyển tiếp, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị phải lên khối lượng công tác xây lắp để giải ngân nguồn vốn theo định kỳ 15 ngày/lần. “Trước đây, có đơn vị để cả tháng, đến khi nghiệm thu mới lên khối lượng giải ngân. Hiện nay, UBND tỉnh yêu cầu phải lên khối lượng giải ngân nửa tháng một lần” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Riêng 266 dự án khởi công mới, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải tập trung triển khai đúng quy định, thực hiện đấu thầu nhanh để thực hiện. Khi có kết quả đấu thầu thì tạm ứng ngay nguồn vốn đầu tư để giải ngân.
Ông Nguyễn Phong An, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay địa phương đã rà soát xong các dự án. Dự án nào đã xong thủ tục thì thực hiện đấu thầu ngay để triển khai thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Bởi, đây chính là vướng mắc lớn nhất, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án lâu nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, để giải quyết vấn đề mặt bằng, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị tốt cho công tác xây dựng các khu tái định cư. Đồng thời, tỉnh cũng đã có chủ trương cho các địa phương “mượn” vốn để xây dựng các khu tái định cư.
Đơn cử như tại TP.Biên Hòa, nơi có rất nhiều dự án đang triển khai, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành phố lên chương trình cụ thể để triển khai xây dựng 9 khu tái định cư đã được quy hoạch. Theo đó, trong năm 2020, TP.Biên Hòa phải khởi công xây dựng ít nhất 3 khu tái định cư phục vụ cho các dự án trên địa bàn. Các khu tái định cư còn lại cũng phải được khởi công xây dựng trong năm 2021. “Khi hoàn thành xây dựng các khu tái định cư này thì từ năm 2021 trở về sau TP.Biên Hòa sẽ không còn lo công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Đồng Nai tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo giải ngân 95% nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án của tỉnh. Theo Thủ tướng, đây là một thách thức rất lớn nên Đồng Nai phải tập trung mọi nguồn lực, tập trung lãnh đạo và quyết tâm cao để hoàn thành. |
Phạm Tùng