Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần ở "thế chủ động" trong hội nhập

10:08, 30/08/2020

Trong tiến trình tham gia hội nhập sâu với thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đã luôn ở thế chủ động, góp phần đưa Đồng Nai thành một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất...

Trong tiến trình tham gia hội nhập sâu với thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đã luôn ở thế chủ động. Do đó, tỉnh trở thành một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và tỷ lệ xuất siêu chiếm gần 40% cả nước.

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu tại Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam. Ảnh: K.MINH
Sản xuất công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu tại Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam. Ảnh: K.MINH

Theo UBND tỉnh, Đồng Nai đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Mục tiêu hướng đến nhằm kịp thời tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực).

* Đẩy mạnh xuất siêu

Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, các DN tại Đồng Nai đã sớm có phương án, điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Trong đó, nghiên cứu, chú ý nhiều đến các quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Vì thế, trong quá trình các hiệp định đàm phán, DN tại Đồng Nai đã tiến hành nghiên cứu ngành hàng của mình để có sự chuẩn bị nguyên liệu, nhà xưởng, quy trình sản xuất, các yếu tố liên quan đến môi trường, lao động...nhằm đáp ứng các yêu cầu của từng hiệp định thương mại.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, Đồng Nai sẽ chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện tham gia vào hội nhập sâu với thế giới để tăng kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu. Thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao để tăng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp của Đồng Nai.

Trong các hiệp định thương mại tự do đều đòi hỏi rất rõ ràng, cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. DN muốn hưởng các ưu đãi về thuế quan phải đáp ứng được những yêu cầu trên. Trong 5-6 năm trở lại đây, các DN Đồng Nai cũng như cả nước có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng quy định về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi xuất vào các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Điều này đã giúp Đồng Nai từ tỉnh nhập siêu chuyển sang xuất siêu và mỗi năm xuất siêu đều tăng.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Các DN tại Đồng Nai có sự chủ động từ trước nên tỉnh đã chuyển sang xuất siêu sớm hơn cả nước 2 năm. Bên cạnh đó, xuất siêu của Đồng Nai mỗi năm đều tăng khá cao so với năm trước đó”. Từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 làm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm gần 7%, nhưng xuất siêu tăng gần 400 triệu USD.

Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex - Long Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các loại ốc vít cung cấp cho các DN tại Việt Nam và xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu sản xuất công ty ưu tiên mua ở thị trường nội địa, nếu không có hàng mới nhập khẩu, để đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi xuất vào các nước đã ký hiệp định thương mại với Việt Nam. Như vậy, công ty sẽ hưởng ưu đãi về thuế, thủ tục để tăng sức cạnh tranh”.

* Sẵn sàng để đón làn sóng đầu tư mới

Có thể thấy, các DN đầu tư nước ngoài nắm bắt các lợi thế từ RCEP nhanh hơn DN trong nước. Xảy ra dịch bệnh Covid-19, đi lại giữa các quốc gia bị ngưng trệ, nhưng từ đầu năm đến nay, các DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn tăng cường mở rộng đầu tư vào Đồng Nai. Cụ thể, Hàn Quốc vẫn chiếm hơn 20% trong các dự án đầu tư mới vào Đồng Nai. Nhiều DN Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh cũng tăng thêm vốn khá lớn như: Công ty TNHH Changshin, Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Suheung Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Thành, Công ty TNHH Hahb ở Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành)...

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nói: “Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến đầu tư của DN FDI vào Đồng Nai không được như kỳ vọng. Cuối năm, nếu dịch bệnh được khống chế, các chuyến bay với các nước được khơi thông sẽ có làn sóng đầu tư FDI từ các nước vào Đồng Nai đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc”.

Thực tế, các DN FDI tại Đồng Nai tiếp cận và hưởng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do nhanh hơn so với khối DN trong nước. Hiện gần 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thuộc DN FDI, DN trong nước chỉ chiếm hơn 20%. Tham gia vào hội nhập sâu với thế giới, DN trong nước tại Đồng Nai cũng dần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song chỉ ở một vài khâu đơn giản, sản phẩm chưa mang tính chi phối. Vì thế, muốn nắm bắt được nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do trong xuất khẩu, liên doanh liên kết bằng hình thức thu hút đầu tư FDI, DN trong nước phải đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có như vậy DN Việt mới trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khánh Minh

Tin xem nhiều