Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

10:07, 29/07/2020

Gần đây, số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Những tuần gần đây, số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng cao.

Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. Ảnh: H.Dung

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Riêng với những loại bệnh đã có vaccine phòng bệnh như sởi, bạch hầu, người dân nên thực hiện tiêm chủng đầy đủ, không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng.

* Số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng cao

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong tuần gần đây, toàn tỉnh ghi nhận 118 trường hợp nhập viện do mắc sốt xuất huyết, tăng 41 ca so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2,2 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. TP.Biên Hòa vẫn là địa phương dẫn đầu số ca mắc với hơn 600 ca, tiếp đó là H.Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh, H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, H.Trảng Bom.

Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng tuần gần đây là 112 ca, tăng 28 ca so với tuần trước đó, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay trong toàn tỉnh lên gần 880 ca. TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, H.Nhơn Trạch là những địa phương có số ca mắc cao.

Chị Nguyễn Thanh Huyền (xã Phước Thái, H.Long Thành) đang chăm con tại bệnh viện cho biết, con chị 21 tháng tuổi, nhập viện ngày 15-7 trong tình trạng sốt cao 39OC, co giật, nổi mụn ở miệng. Sau khi sơ cứu ở nhà, gia đình đưa con vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành rồi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai với chẩn đoán bị bệnh tay chân miệng. Sau hơn 1 tuần chữa trị, con chị đã hết sốt nhưng miệng vẫn còn một số nốt mụn, biếng ăn và quấy khóc.

Gần 1 tháng nay, số người dân tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đồng Nai, các cơ sở y tế có đơn vị tiêm chủng, trạm y tế xã tăng cao. Riêng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mỗi ngày có khoảng 100 người dân đến tiêm vaccine này/hơn 300 người dân đến tiêm vaccine các loại. Những ngày cuối tuần, số lượng người dân đi tiêm vaccine rất đông, có khi lên đến 500 người.

Trường hợp bé S.H.Đ. (19 tháng tuổi, ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) được các bác sĩ xác định là ca bệnh tay chân miệng điển hình nhất. Trong 5 ngày qua, ở 2 bàn tay, 2 bàn chân, cổ họng, mông của bé Đ. nổi nhiều mụn nước. Chị Trúc Vương, mẹ bé cho rằng, có thể do bé đi học ở trường mầm non, tiếp xúc với bạn nào đó mắc bệnh tay chân miệng ở trường nên bị lây bệnh. Từ ngày con bị bệnh, vợ chồng chị Vương đều phải nghỉ làm, thay phiên nhau chăm sóc con.

BS Hán Bình Thuận, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, khoa đang điều trị cho 23 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, có gần 10 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, sốt co giật. Số ca mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại khoa ở thời điểm hiện tại cao nhất kể từ đầu năm đến nay và đang có xu hướng tiếp tục tăng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hiện đã vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển, lây lan. Bệnh tay chân miệng lây qua bàn tay, mụn nước, sử dụng chung đồ chơi nên nếu một trẻ trong lớp bị bệnh, khả năng những trẻ khác bị lây là rất cao. Bên cạnh đó, có những trẻ chỉ ở nhà với ông bà, cha mẹ, không đi nhà trẻ cũng mắc bệnh có thể là do ông bà, cha mẹ đi ra ngoài tiếp xúc hoặc bế một trẻ nào đó bị bệnh rồi về nhà tiếp xúc với con, cháu mình cũng gây bệnh cho trẻ.

Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu như sốt cao liên tục, loét miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông nổi mụn nước thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

* Quyết liệt phòng bệnh

Đưa 2 con gái 13 tuổi và 18 tuổi đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, viêm gan B tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, anh Đào Văn Thường (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, gần đây theo dõi trên phương tiện truyền thông đại chúng anh được biết bệnh bạch hầu đang lây lan tại một số tỉnh ở Tây nguyên nên cả gia đình đều đi tiêm vaccine có chứa thành phần ngừa bệnh bạch hầu. Ngoài ra, anh Thường cũng rà soát lại sổ tiêm chủng của hai con xem chưa tiêm vaccine nào thì tiến hành tiêm ngừa cho đủ, đồng thời tiến hành vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên diệt muỗi bằng vợt điện, nhang muỗi để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, những địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao đều là những địa phương tập trung nhiều nhà trọ công nhân, nhà trẻ, trường mầm non. Trong đó, có nhiều dãy nhà trọ công nhân chưa đảm bảo vệ sinh như phòng trọ chật hẹp, hệ thống thoát nước thải không tốt… là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, gây bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh tại một số trường mầm non, cơ sở giữ trẻ tư nhân chưa tốt dẫn đến tình trạng trẻ mầm non bị bệnh tay chân miệng tăng cao.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng lây lan rộng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, lãnh đạo Sở Y tế đã có công văn khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố, các bệnh viện và các cơ sở y tế ngoài công lập trong tỉnh yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế cấp huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, củng cố đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền để người dân thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống.

Ngoài ra, các trung tâm y tế, trạm y tế xã cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục, nhất là các nhà trẻ, trường mẫu giáo để trang bị đầy đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, hướng dẫn trẻ cách rửa tay bằng xà phòng đúng cách; làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để thông báo cho gia đình đưa đi khám, điều trị, xử lý ổ dịch, tránh để lây lan trong cơ sở giáo dục.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đoàn thể để quyết liệt thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm không để dịch bệnh tay chân miệng lây lan, tập trung vào những địa phương có số ca mắc bệnh cao, nguy cơ bùng phát dịch lớn như: TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành.

Riêng đối với các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh, Sở Y tế yêu cầu tổ chức tốt việc thu dung bệnh nhân để điều trị, lưu ý với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và các cơ sở điều trị; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cập nhật kiến thức cho đội ngũ y, bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, ngoài một số loại dịch bệnh thường gặp là sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, gần đây ở một số tỉnh Tây nguyên và ở TP.HCM đã xuất hiện hơn 70 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Đồng Nai là địa phương có mức độ giao lưu khá lớn với những địa phương này nên không thể chủ quan. Do vậy, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai làm đầu mối để tổ chức lớp tập huấn tuyến tỉnh về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ sở khám, chữa bệnh sau khi cử người tham dự lớp tập huấn tuyến tỉnh về có trách nhiệm triển khai, phổ biến lại cho toàn thể nhân viên y tế tại đơn vị để biết và thực hiện.

Trường hợp có ca bệnh bạch hầu xảy ra, các cơ sở có trách nhiệm thực hiện tốt việc sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị cho người bệnh theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Nếu phát hiện trường hợp bệnh nặng, gặp biến chứng thì kịp thời xử trí, thường xuyên hội chẩn xin ý kiến tuyến trên để đảm bảo điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều