Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng tại Đồng Nai

10:07, 29/07/2020

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985. Từ đó đến nay, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai để phòng các bệnh truyền nhiễm.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985. Từ đó đến nay, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai để phòng các bệnh truyền nhiễm.

BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết, nhờ thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng mà bệnh bại liệt, bệnh đậu mùa đã được thanh toán, bệnh uốn ván sơ sinh, bệnh phong được loại trừ, kiểm soát được bệnh ho gà, rubella, tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%.

* Kiểm soát dịch bệnh thông qua tỷ lệ tiêm chủng

* Bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh nhưng gần đây tại một số tỉnh ở Tây nguyên và TP.HCM lại xuất hiện một số ổ dịch với số lượng người mắc lên tới hơn 70 người. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Bệnh bạch hầu hiện đã có vaccine phòng bệnh nên ngay sau khi xuất hiện những ổ dịch, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra tỷ lệ tiêm chủng của những nơi này. Kết quả cho thấy tỷ lệ tiêm chủng ở những tỉnh Tây nguyên có ổ dịch bạch hầu rất thấp, khoảng 20-30%, thậm chí có những ổ dịch mà ở đó không có trẻ em nào tiêm vaccine có thành phần ngừa bệnh bạch hầu. Do đó, nếu một người bị mắc bệnh thì khả năng lây bệnh cho những người tiếp xúc rất cao.

Như vậy, tỷ lệ tiêm chủng có ảnh hưởng khá lớn đến hệ miễn dịch cộng đồng. Nếu trong cộng đồng có mầm bệnh mà tỷ lệ người dân ở khu vực đó được tiêm chủng thấp thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh và bùng phát dịch bệnh rất cao.

* Tỷ lệ tiêm chủng vaccine bạch hầu nói riêng và các loại vaccine khác tại Đồng Nai đến nay như thế nào?

- Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine bạch hầu cho trẻ dưới 1 tuổi và tỷ lệ tiêm các loại vaccine khác trong tỉnh đạt khoảng 95%. Còn khoảng 5% trẻ chưa được tiêm do nhiều lý do như  trẻ suy dinh dưỡng nặng, bị một số bệnh bẩm sinh, gia đình ở vùng sâu, vùng xa hoặc dân nhập cư bỏ sót mũi tiêm. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đạt cao nhưng không thể chủ quan vì nếu những nơi có đông trẻ em chưa được tiêm chủng như nhà trọ thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Qua 35 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, về cơ bản, những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có số mắc và tỷ lệ tử vong cao đã kiểm soát được. Đồng Nai đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh và cơ bản kiểm soát các bệnh bạch hầu, ho gà…, không để xuất hiện những ổ dịch lớn, tỷ lệ tử vong, biến chứng rất thấp.

* Các cơ quan chức năng tổ chức tiêm bù các mũi vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ như thế nào sau đợt giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 những tháng đầu năm, thưa ông?

- Trong đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19, Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung tạm dừng 2 đợt tiêm chủng thường xuyên vào tháng 3 và 4, do đó những trẻ đến lịch tiêm đều bị chậm mũi. Từ tháng 5, công tác tiêm chủng đã được triển khai trở lại. Những trẻ nào chưa được tiêm đủ mũi vaccine thì được tiêm bù vào các tháng tiếp theo. Việc tiêm bù cũng phải đảm bảo về khoảng cách thời gian, không được tiêm dồn các mũi vaccine cùng một lúc. Còn những mũi tiêm nhắc lại cũng được thực hiện tương tự. Đến hết tháng 7-2020, cơ bản các đơn vị đã tiêm bù đủ tất cả các mũi vaccine cho trẻ.

* Tiêm chủng là cách phòng bệnh chủ động, hiệu quả

* Ông có lời khuyên gì đối với các phụ huynh và những người có tư tưởng anti-vaccine?

- Một loại vaccine để được đưa vào chương trình tiêm chủng đã phải trải qua một quá trình thử nghiệm, đánh giá vô cùng kỹ lưỡng, phải đáp ứng được tính an toàn, được Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức Tổ chức Y tế thế giới thống nhất. Tuy vậy, bất kể cái gì ở bên ngoài đưa vào cơ thể đều là vật lạ, đều gây ra những phản ứng nhất định và vaccine cũng không ngoại lệ. Dĩ nhiên, tùy từng phản ứng của các loại vaccine, những người có chuyên môn sẽ cho phép tỷ lệ ở mức nào. Ví dụ, phản ứng đau nhức sau tiêm có tỷ lệ rất cao, hay phản ứng sưng nề sau tiêm cũng có. Còn một số phản ứng nguy hiểm như phản ứng kháng nguyên, kháng thể quá mẫn (sốc) thì tỷ lệ rất thấp và xem như rủi ro trong quá trình tiêm chủng.

Người dân tiêm vaccine có thành phần phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.Yên
Người dân tiêm vaccine có thành phần phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.Yên

Về cơ bản, phụ huynh và cộng đồng nên an tâm, đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều, đúng thời gian vì tiêm chủng là cách phòng tránh bệnh chủ động, hiệu quả, không nên vì một số rủi ro nhỏ mà bỏ lỡ cơ hội rất lớn về bảo vệ sức khỏe của trẻ khi tiêm vaccine. Đồng thời, phụ huynh cũng cần biết khi tiêm vaccine sẽ có thể có những tác dụng phụ như thế nào để theo dõi, phối hợp với nhân viên y tế xử trí trong các tình huống có thể xảy ra, nhất là trong 6 tiếng đầu sau tiêm, uống vaccine.

* Dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Ngành Y tế đã, đang kiểm soát dịch bệnh ra sao?

- Một trong những vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là những đối tượng nhập cảnh trái phép về Đồng Nai không qua kiểm dịch biên giới. Đây là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao và cần phải thực hiện triệt để các biện pháp cách ly hiệu quả. Hiện, các lực lượng chức năng đang phối hợp rà soát, phát hiện những đối tượng nhập cư trái phép trên địa bàn để xử lý nghiêm và đưa vào cách ly.

Bên cạnh đó, các trung tâm y tế đã điều tra, rà soát, khám sàng lọc cho gần 1,4 ngàn người dân đến từ/trở về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Trong đó, 5 người có biểu hiện ho, sốt đã được đưa vào Bệnh viện Phổi Đồng Nai để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả 5 người đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Chúng tôi sẽ liên tục rà soát những người trở về từ vùng dịch trên địa bàn tỉnh để kiểm soát tình hình, cố gắng không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chúng tôi rất mong sự hợp tác, chủ động, tự giác của toàn thể người dân trong tỉnh. Tất cả mọi người hãy đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn tay nhanh, chủ động khai báo y tế nếu trở về từ vùng dịch và đến ngay các cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm khi có những triệu chứng bất thường.

* Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)

Tin xem nhiều