Nhu cầu lao động đáp ứng giai đoạn 1 của CHKQT Long Thành là khoảng 14 ngàn người, tương đương với CHKQT Nội Bài hiện nay.
[links()]Nhu cầu lao động đáp ứng giai đoạn 1 của cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành là khoảng 14 ngàn người (tương đương với CHKQT Nội Bài hiện nay). Nếu tính theo kinh nghiệm của các CHKQT trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, con số này có thể lên đến 16,5 ngàn người.
Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tham quan thiết bị dạy nghề của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh: Hải Yến |
Để đáp ứng được số lượng lao động đó, cần phải đào tạo mới khoảng trên 18 ngàn người, bởi từ khi đào tạo đến khi làm việc trong thực tế sẽ “hao hụt” khoảng 15% nhân lực. Cũng cần nói thêm rằng, con số trên chưa bao gồm nhu cầu lao động đáp ứng giai đoạn xây dựng CHKQT có quy mô lớn nhất cả nước này.
* Nhu cầu lao động lớn
Theo thiết kế, sau khi hoàn thành, CHKQT Long Thành sẽ có 4 nhà ga rộng lớn và hiện đại, công suất tối đa là 100 triệu hành khách/năm. CHKQT Long Thành sẽ là sân bay cấp 4F (mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO). Hoàn thành giai đoạn 1, CHKQT Long Thành có công suất 25 triệu hành khách/năm. Việc tính toán chính xác số liệu lao động để đáp ứng giai đoạn khai thác này là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, dựa trên thực tế lao động ngành hàng không hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam, Viện Khoa học hàng không Việt Nam đã đưa ra một vài con số dự báo về nhu cầu lao động.
Nếu tính “phiên ngang” nhu cầu lao động của CHKQT Long Thành với CHKQT Nội Bài (cùng có công suất 25 triệu hành khách/năm) thì nhu cầu lao động vào khoảng 14 ngàn người. Nếu tính theo kinh nghiệm của các CHKQT trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, con số này có thể lên đến 16,5 ngàn người. Nếu giả định nhu cầu lao động là 14 ngàn người và có khoảng 1/5 số lao động được điều chuyển từ các cơ quan, đơn vị, cảng hàng không khác đến CHKQT Long Thành làm việc thì số lao động cần tuyển mới là vào khoảng 12 ngàn người.
Dù với phương án nào thì nhu cầu lao động để phục vụ cho CHKQT Long Thành khi đi vào khai thác cũng rất lớn. Để đáp ứng được nhu cầu này, việc đào tạo nhân lực cần phải được tính toán, triển khai sớm. Theo tính toán của Viện Khoa học hàng không Việt Nam, giả sử nhu cầu lao động là 16,5 ngàn người thì nhu cầu đào tạo tương ứng phải trên 18 ngàn người.
Hiện nay, tham gia vào hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành Hàng không có các đơn vị sau: Học viện Hàng không Việt Nam, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường đại học Giao thông vận tải (Hà Nội). Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm cho các đơn vị trên khoảng 400 chỉ tiêu. Ngoài ra, còn có 21 trung tâm của các công ty, xí nghiệp xin phép Cục Hàng không đào tạo nhân lực đáp ứng theo yêu cầu của đơn vị.
Chưa kể đến số lượng ít, theo nhận xét của Viện Khoa học hàng không Việt Nam, công tác đào tạo nhân lực ngành Hàng không còn nhiều hạn chế, nhất là khâu thực hành. Sinh viên tốt nghiệp chưa có đủ khả năng và điều kiện hành nghề trong các lĩnh vực hàng không. Những thông tin trên cho thấy, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CHKQT Long Thành đang rất cấp thiết. Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của tỉnh Đồng Nai mà còn của ngành Hàng không Việt Nam.
* Yêu cầu khắt khe
TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam (VAAST) cho biết, hàng không là một ngành kinh tế kỹ thuật đối ngoại rất quan trọng. Đặc điểm của nó là quá trình hình thành và tiêu thụ sản phẩm diễn ra ở trên không.
Xuất phát từ yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về an toàn, an ninh và chất lượng, nguồn nhân lực của ngành này có tiêu chuẩn rất cao. Các tiêu chuẩn này bao gồm: học vấn, trình độ chuyên môn, chính trị, trình độ ngoại ngữ, năng lực, kinh nghiệm làm việc... Đặc biệt, những tiêu chuẩn này có xu hướng ngày càng cao. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành Hàng không Việt Nam đều đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn chức danh lao động. Đây là căn cứ cho công tác tuyển dụng, sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu về an toàn chất lượng của ngành và của doanh nghiệp.
Theo quy định, mọi nhân viên hàng không đều phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ, ngoại ngữ, có chứng chỉ hành nghề của cơ sở đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn. Mỗi đối tượng nhân viên chỉ được phép hành nghề trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phải được huấn luyện định kỳ. Khi không đáp ứng tiêu chuẩn quy định, nhân viên hàng không bị thu hồi giấy phép hành nghề.
Việc tuyển đầu vào đào tạo cũng rất khắt khe. Theo đó, để được đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề, ứng cử viên đầu vào bắt buộc phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Ví dụ: đối với thợ kỹ thuật, đầu vào phải là tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trường nghề và phải có chứng chỉ TOEIC tối thiểu 350-400 điểm. Với đầu vào kỹ sư hàng không, ứng cử viên phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật từ một số trường theo quy định và có chứng chỉ TOEIC tối thiểu 450-500 điểm…
Tuy vậy, những tiêu chuẩn khắt khe nhất chỉ áp dụng cho những vị trí lao động đặc thù. Theo ông Đỗ Hồng Trường, Phó viện trưởng Viện Khoa học Hàng không Việt Nam, ngành Hàng không có quy định rất chặt chẽ về chứng chỉ hành nghề nhưng chỉ áp dụng đối với 16 chức danh nhân viên hàng không đặc thù, liên quan đến an toàn bay như: phi công, tiếp viên, nhân viên không lưu, thợ kỹ thuật máy bay…
“Những công việc khác không thuộc 16 chức danh này thì không cần đến chứng chỉ bắt buộc của ngành Hàng không mà chỉ cần huấn luyện về an toàn, an ninh, quy định về làm việc ở nhà ga. Do vậy, các trường nghề ở Đồng Nai có thể đáp ứng được việc đào tạo nhân lực làm việc ở CHKQT Long Thành” - ông Trường khẳng định.
* Đồng Nai đáp ứng nhu cầu đào tạo đến đâu?
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến nhu cầu lao động tại CHKQT Long Thành giai đoạn 1 là gần 14 ngàn người. Nếu tính cơ cấu theo trình độ lao động thì có hơn 5.800 lao động trình độ từ đại học trở lên, hơn 6 ngàn lao động trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và hơn 1.900 lao động trình độ phổ thông. Các trường nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ chú trọng đào tạo lao động trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Việc này phải tiến hành dựa trên cơ sở đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo.
Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã chủ động hợp tác với Viện Hàng không Việt Nam để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho quá trình đào tạo. Theo đó, Trường Lilama 2 sẽ tận dụng các ngành thế mạnh, tích hợp thêm module, chương trình của ngành Hàng không để tiến hành đào tạo.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành hàn bằng thiết bị hàn ảo |
Theo đó, có 9 nghề mà Lilama 2 xác định sẽ đào tạo (bậc cao đẳng, trung cấp) cung ứng nhân lực cho CHKQT Long Thành gồm: điện công nghiệp, kỹ thuật lắp điện và điều khiển trong công nghiệp, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, kỹ thuật truyền dẫn quang và vô tuyến, kỹ thuật lắp đặt đài trạm viễn thông, chế tạo thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại (CNC) và công nghệ hàn.
Công tác đào tạo được triển khai ngay trong năm 2020 này với chỉ tiêu tuyển sinh mỗi ngành là 25 sinh viên. Chỉ tiêu tuyển sinh này duy trì ổn định trong những năm tiếp theo. Như vậy, theo kế hoạch, trong thời gian 5 năm, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Lilama 2 cũng chỉ đạt hơn 1.150 sinh viên. Con số này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu đào tạo thực tế.
Theo ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, nếu nhà trường cùng với các trường nghề trên địa bàn tỉnh phối hợp thì có thể đào tạo được khoảng 6.500 người. Đây là con số lý tưởng vì có thể đáp ứng được nhu cầu lao động. Tuy nhiên, muốn triển khai được cơ chế phối hợp này thì cần phải có sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH. Số lao động ở bậc đại học, sau đại học thì phải có sự vào cuộc, phối hợp của Viện Hàng không Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, lãnh đạo Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục nghề nghiệp (trực thuộc sở) tham mưu thành lập tổ chuyên môn để kết nối giữa Cục Hàng không Việt Nam, Viện Khoa học hàng không Việt Nam, Hội Khoa học công nghệ hàng không Việt Nam, các đơn vị sẽ sử dụng lao động tại CHKQT Long Thành với các trường nghề trên địa bàn tỉnh để xác định rõ nhu cầu, yêu cầu lao động tại CHKQT Long Thành. Từ đó, các trường nghề có sự điều chỉnh, cập nhật chương trình, module đào tạo để đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TBXH sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để làm rõ nhu cầu sử dụng lao động và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho khu vực CHKQT Long Thành.
Hải Yến
TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ hàng không Việt Nam: Đào tạo nguồn nhân lực trở thành vấn đề cấp thiết
Trong những năm gần đây, ngành Hàng không Việt Nam có những bước phát triển ngoạn mục. Mức tăng trưởng khoảng 16%/năm, gấp đôi mức tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng “tốp” đầu của thế giới. Nhưng hiện nay, ngành Hàng không Việt Nam cũng bộc lộ những thiếu sót. Có 3 “điểm nghẽn” là: thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Việc đào tạo nguồn nhân lực trở thành vấn đề cấp thiết đối với chúng ta. Vì con người vẫn là yếu tố quyết định thắng lợi của bất kỳ tổ chức nào, xã hội nào.
Chúng tôi đã đưa ra đề án là sẽ xây dựng 1 trung tâm đào tạo hàng không thông minh tại Long Thành. Ở đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà đầu tư (tức người đi học), nhà đào tạo (liên kết các trường trong nước với quốc tế), nhà khai thác sử dụng (sử dụng lao động). Mọi thông tin về chương trình đào tạo, bằng cấp… đều được công khai, minh bạch. Tuy nhiên, việc xây dựng trung tâm này cần có thời gian.
Có 2 mục tiêu mà Đồng Nai đưa ra là: phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết việc làm cho những đơn vị, cá nhân bị thu hồi đất. Đây là chính sách đúng đắn. Nhưng không có nghĩa là tôi mất đất thì tôi sẽ được làm mà cần phải có sự quyết tâm, học hành nghiêm chỉnh và phải đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ thuật, về kinh tế mà chức danh đó đưa ra.
Ông Đỗ Hồng Trường, Phó viện trưởng Viện Khoa học hàng không Việt Nam: Phải đào tạo tốt để sinh viên ra trường được tuyển dụng
Về khả năng tuyển dụng lao động cho CHKQT Long Thành, Đồng Nai cần có sự gắn kết, phối hợp với nhà tuyển dụng, sử dụng lao động. Cần có sự cam kết ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vào làm tại CHKQT Long Thành (trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng). Ngoài ra, cần có cơ chế hợp tác lâu dài thông qua hợp đồng cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa đơn vị khai thác CHKQT Long Thành và các trường nghề.
Ở một khía cạnh khác, việc tuyển dụng lao động của CHKQT Long Thành đều sẽ phải được công khai, minh bạch, cung cấp cơ hội công bằng cho mọi đối tượng có đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, các sản phẩm đầu ra của cơ sở đào tạo (tức sinh viên tốt nghiệp) phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng. Sẽ không có chuyện lao động địa phương không đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào mà vẫn được ưu tiên tuyển dụng. Do đó, chỉ có một lựa chọn là phải đào tạo tốt để sinh viên ra trường có thể được tuyển dụng. Tránh tình trạng khá phổ biến hiện nay là sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm vì chất lượng đào tạo hạn chế (đào tạo nặng về lý thuyết mà không có thực hành đầy đủ).
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành: Cần thêm thông tin về nhu cầu nhân lực để tuyên truyền cho người dân
Tỉnh Đồng Nai đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư cho những người dân thuộc vùng dự án. Việc thu hồi đất đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân. Đất đai để sản xuất của một bộ phận người dân bị thu hồi nên người dân không còn đất canh tác. Việc chuyển sang ngành nghề khác sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải đặc biệt quan tâm và đưa ra các chính sách hỗ trợ đối với đối tượng lao động này. Trong đó trọng tâm là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo yêu cầu thực tế.
Hiện nay, thị trường lao động của huyện vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng và người lao động. Nhu cầu tìm việc làm của người lao động tương đối nhiều nhưng không tìm được việc làm phù hợp. Ngược lại, cũng có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng khó tìm được nhân lực đáp ứng cho vị trí việc làm đó.
Chúng tôi muốn biết thêm một số thông tin về nhu cầu nhân lực từng ngành nghề, từng trình độ theo từng năm. Từ đó, địa phương mới có cơ sở để tư vấn, hướng nghiệp cho người dân lựa chọn ngành nghề, cơ sở đào tạo. Có như vậy mới đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giúp họ có việc làm đúng với năng lực và trình độ của mình.
Ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, Phụ trách phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TBXH): Tăng cường liên kết vùng, cập nhật chương trình đào tạo
Hiện nay, các trường nghề trên địa bàn tỉnh có quy mô đào tạo chủ yếu phục vụ nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp. Để có thể “gánh” thêm việc đào tạo cho ngành Hàng không thì cần phải có sự liên kết vùng. Đặc thù ngành Hàng không đòi hỏi công tác đào tạo rất nghiêm ngặt. Trong khi đó, các trường nghề chưa có kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực này. Vì vậy, cần phải có sự liên kết.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu để Sở LĐ-TBXH và UBND tỉnh tổ chức các hội nghị vùng Đông Nam bộ về việc đào tạo nghề đáp ứng nhân lực cho CHKQT Long Thành. Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới đây, chúng ta cần kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế. Bản thân các trường nghề cũng phải cập nhật lại chương trình đào tạo để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Tường Vi (ghi)