Để sản xuất đề cao các tiêu chí bảo vệ môi trường trở thành tất yếu, ngoài những công cụ hỗ trợ đắc lực từ phía Nhà nước, cơ quan quản lý và doanh nghiệp..., còn cần sự cộng đồng trách nhiệm của xã hội...
Có thể thấy rằng, để sản xuất đề cao các tiêu chí bảo vệ môi trường trở thành tất yếu, ngoài những công cụ hỗ trợ đắc lực từ phía Nhà nước, cơ quan quản lý; sự chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, cần sự cộng đồng trách nhiệm của xã hội và đặc biệt là thay đổi thói quen tiêu dùng, chú trọng việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng.
Co.opmart Biên Hòa sử dụng túi ny-lông dễ phân hủy để hưởng ứng phong trào Tiêu dùng xanh. Ảnh: Lê An |
[links()]* Khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn
Xu hướng chung của các doanh nghiệp (DN) là sử dụng công nghệ ít tiêu hao năng lượng, nhân công, từ đó hạ giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhiều DN đã liên kết với các đơn vị phân phối, cửa hàng kinh doanh đẩy mạnh truyền thông sản phẩm thân thiện với môi trường đến người tiêu dùng.
Chẳng hạn nhiều DN sản xuất điện tử, điện lạnh liên kết với các cửa hàng, siêu thị điện máy trưng bày ở nơi dễ nhìn, triển khai các chương trình ưu đãi và truyền thông sản phẩm tiết kiệm điện nhằm kích cầu sản phẩm. Các cửa hàng đồ uống, thức ăn nhanh sử dụng ống hút bằng giấy, tre thay thế cho ống hút nhựa. Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch (rau củ quả, gạo) theo tiêu chuẩn GAP, organic ngày càng nhiều. Đặc biệt, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã tích cực hưởng ứng phong trào Tiêu dùng vì môi trường qua việc thay thế túi ny-lông thông thường bằng túi ny-lông dễ phân hủy hoặc túi bằng vật liệu thân thiện với môi trường; sử dụng sợi rơm khô hoặc lá chuối gói rau; phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường đến người dân.
Về phía các DN sản xuất cũng có hình thức gắn kết sản xuất với tiêu dùng. Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, trên cơ sở tôn trọng người tiêu dùng, coi trọng môi trường sống, Nestlé Việt Nam đang có nhiều hoạt động gắn kết sản xuất với tiêu dùng thông qua nỗ lực giúp người tiêu dùng hiểu, thay đổi thói quen và ứng xử tích cực với rác thải nhựa. “Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với các DN trong ngành, các tổ chức xã hội, các cơ quan, đặc biệt là Bộ TN-MT triển khai các hoạt động chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn; nghiên cứu phát triển các loại bao bì sử dụng vật liệu mới từ giấy hoặc hợp chất dễ phân hủy, vật liệu tái chế.
Cùng chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Nhà máy Sản xuất thức ăn gia súc Cargill Thái Lan và Việt Nam (nhà máy tại Việt Nam đặt tại KCN Biên Hòa 2) cho rằng, với đặc thù ngành nghề, hằng năm công ty sử dụng khoảng 100 tấn bao bì. Hướng đến sản xuất, tiêu dùng xanh, công ty phối hợp với các đại lý, cửa hàng thứ cấp thu gom về được khoảng 60 tấn bao bì/năm. “Mục tiêu của công ty là mỗi năm giảm 10% lượng rác thải nguy hại, tăng 10% rác thải có thể tái chế hoặc tái sử dụng” - ông Cảnh cho hay. Về mặt nguyên liệu, công ty phối hợp với nhà cung cấp thay đổi sang bao bì có khả năng tái chế, dễ phân hủy và không tác động xấu đến con người và môi trường. Từ năm 2019, công ty đã chuyển sang sử dụng bao bì mới với lượng nhựa ít hơn cho các sản phẩm thức ăn gia súc.
Xu hướng dùng lá chuối gói hàng thực phẩm, rau tươi trong các cửa hàng, siêu thị vừa bảo vệ môi trường vừa là cách góp phần gìn giữ hồn quê Việt |
Hướng đến bữa ăn an toàn cho người dân, Cargill thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng thức ăn đầu vào của gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Công ty liên tục cải tiến công nghệ, kỹ thuật; lựa chọn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt chất lượng, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất cho ra đời sản phẩm thức ăn chăn nuôi an toàn, từ đó cho ra sản phẩm thực phẩm an toàn.
* Không ai “ngoài cuộc”
Không chỉ từ phía nhà sản xuất, đơn vị phân phối, nhiều phong trào, hoạt động tiêu dùng vì môi trường đã và đang phát triển rộng rãi trong cộng đồng từ thành phố đến nông thôn. Thông qua các tổ chức đoàn thể như: nông dân, phụ nữ, Đoàn Thanh niên, nhiều người nội trợ đã có ý thức tốt hơn về sử dụng điện, nước tiết kiệm; sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
2 năm nay chị Phạm Thị Tam, ngụ xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc duy trì thói quen mang túi cói và hộp nhựa mỗi lần đi chợ. Chị Tam chia sẻ, thời gian đầu cả chị và người bán hàng khá lóng ngóng với mớ rau, con cá. Tuy nhiên, được vài hôm thì thích vì rác thải nhựa trong nhà giảm, người bán cũng tiết kiệm được tiền mua túi
ny-lông. Theo chị Tam, trước đây, trung bình một buổi đi chợ của chị tiêu tốn chừng 3-5 túi ny-lông, hiện tại chị hoàn toàn không dùng. Không riêng chị Tam, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh cũng chuyển sang dùng giỏ nhựa, hộp nhựa, túi cói đi chợ theo vận động của Hội LHPN.
Đại diện Sở Công thương cho rằng, để người tiêu dùng chấp thuận chi thêm tiền cho sản phẩm có bao bì, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường từ đó thúc đẩy sản xuất cần phải có nhiều thời gian; có sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể. Hiện nay, tâm lý và thói quen tiêu dùng tiện lợi, giá rẻ của người dân đang tác động đến công nghệ và quy trình sản xuất của các DN; hình thức phân phối.
Ở nhiều vùng nông thôn, tình trạng bỏ vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật ngay tại ruộng vẫn phổ biến, cho dù địa phương đã xây dựng thùng đựng rác thải ngay tại từng cánh đồng. Đại đa số người dân vẫn có thói quen sử dụng túi ny-lông khó phân hủy và bỏ túi bừa bãi mặc dù biết rõ tác hại của sản phẩm này. Do đó, để xu hướng này từng bước đi vào đời sống xã hội, Sở Công thương cho rằng bên cạnh cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DN, đơn vị kinh doanh tham gia hệ thống phân phối, cần thiết phải có quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trong tiêu dùng.
Lê An