Hiện nay, các DN ở địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến hoạt động xây dựng các kênh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, khách hàng… để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm.
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ở địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến hoạt động xây dựng các kênh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, khách hàng… để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương của TP.Biên Hòa tại một triển lãm quảng bá các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Hải |
[links()]Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ sức “đeo bám” trong cuộc đua cần nhiều kinh phí này, nhất là đối với DN nhỏ và vừa, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ… Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn nhỏ chưa đủ sức đầu tư, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động giao thương, mở rộng các kênh quảng bá, phân phối sản phẩm…
* Chi phí dành cho khâu tiếp thị chưa nhiều
Hiện nay, đối với các DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa, việc dành ra nguồn kinh phí cho hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới chưa nhiều.
Các chi phí về quảng bá thương hiệu, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với lợi nhuận thu được. Điều này khiến cho các DN địa phương phải tính toán, xây dựng phương án kinh doanh, cũng như đầu tư phát triển các kênh phân phối phù hợp.
Sở Công thương sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, hội nghị kết nối giao thương giữa các tổ hợp tác, HTX, DN trên địa bàn tỉnh với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, các hệ thống siêu thị trong tỉnh và các địa phương trên cả nước. Trong đó, ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương... |
Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) - chuyên sản xuất các mặt hàng nệm, phôi nệm chia sẻ, công ty luôn mong muốn mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng. Bên cạnh các kênh giao thương, xúc tiến thương mại được Sở Công thương hỗ trợ, công ty còn chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng thông qua các văn phòng đại diện của những công ty nước ngoài ở Việt Nam, tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế.
Tuy nhiên trên thực tế, việc tìm kiếm này cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí, bởi chi phí tham dự, thuê mặt bằng để giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ quốc tế thường rất cao, có hội chợ chi phí thuê mặt bằng lên tới hàng chục ngàn USD cho vài ngày quảng bá. Trong khi đó, nguồn chi phi dành cho quảng bá, tiếp thị sản phẩm phải cân đối để phù hợp với tình hình sản xuất, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 như hiện nay.
Tương tự, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) - một trong những công ty có sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai chia sẻ, do nguồn kinh phí dành cho việc quảng bá, giao thương có giới hạn nên trong những năm gần đây, công ty chủ động chọn lọc tham dự các hội chợ, triển lãm phù hợp với nhóm hàng, sản phẩm có thế mạnh của công ty, cũng như lựa chọn các thị trường tiềm năng để tìm kiếm cơ hội.
Một gian hàng của doanh nghiệp Đồng Nai tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh: Hải Quân |
Trên thực tế, nhiều DN hiện gặp khó khăn về nguồn kinh phí để tham gia các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, chưa có bộ phận phát triển thị trường. Hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm còn mang tính tức thời, kiêm nhiệm nên khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại chưa có sự chuyên nghiệp từ khâu thiết kế, tư vấn giới thiệu sản phẩm dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao.
Đại diện một công ty chế biến nông sản ở TP.Long Khánh cho biết, do chi phí dành cho việc truyền thông, quảng bá sản phẩm ngày càng tăng nên công ty vẫn chủ yếu quảng bá sản phẩm trong nước thông qua các kênh truyền thống như: hội chợ, triển lãm…
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) nhận định, đối với hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, hiện nay, kinh phí để hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều DN gặp khó khăn khi tình hình sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19… Do đó, số lượng DN đăng ký tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại từ đầu năm đến nay chưa nhiều, một số DN chưa mặn mà với hoạt động này.
* Nhiều DN còn thụ động
Theo nhiều chuyên gia, nhiều DN còn thụ động trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chủ yếu tham gia với mục đích bán hàng, chưa nhận thức được vai trò của các chương trình xúc tiến thương mại mang lại như: tìm kiếm khách hàng, đánh giá lại sản phẩm xem đã phù hợp với thị trường, yêu cầu của đối tác… hay chưa.
Du khách nước ngoài đến tham quan một điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) |
Do đó, DN thường ít đầu tư về quảng bá sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng, cũng như nghiên cứu thị trường. Các DN chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin sản phẩm, phương pháp tiếp thị, quảng bá để thu hút sự quan tâm của thị trường, thiếu tính chuyên nghiệp.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, hiện nay nhiều DN nhỏ và vừa ở địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng tới hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Bộ máy nhân sự về tiếp thị, marketing của nhiều DN chưa đủ mạnh, chuyên nghiệp. Nhiều DN tiết kiệm tối đa nguồn kinh phí dành cho tiếp thị với suy nghĩ “miễn sản xuất ra bán được là mừng rồi”.
Đồ họa thể hiện kế hoạch triển khai chương trình xúc tiến thương mại chuyên đề thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 (Nguồn: Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai - Đồ họa: HẢI QUÂN) |
Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng mạnh mẽ, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu có hiệu lực, các DN địa phương sẽ gặp thêm nhiều áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa. Trong đó, khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm là một trong những vấn đề nan giải đối với những DN nhỏ và vừa.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM chia sẻ, các DN cần chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin, hàng rào pháp lý của các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Từ đó, DN sẽ có định hướng phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp để giữ ổn định thị phần trong nước, cạnh tranh với các DN nước ngoài, các công ty, tập đoàn đa quốc gia; cũng như tiếp cận thị trường tiềm năng, có giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, xây dựng các kênh tiếp thị, phân phối sản phẩm phù hợp với xu thế...
Hoạt động xúc tiến thương mại gặp khó vì Covid-19 Theo bà NGUYỄN THỊ LAN, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước bị ảnh hưởng. Trong đó, có một số hội chợ, triển lãm dự kiến tổ chức trong quý I và đầu quý II năm nay đã bị hủy. Bên cạnh đó, nhiều chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài cũng bị thay đổi kế hoạch tổ chức. Trong đó, các chương trình xúc tiến thương mại đi Đức, Asutralia… trong năm nay đã bị hủy. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2020, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai sẽ tổ chức các hội chợ lớn như: Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai, Hội chợ mua sắm cuối năm…; cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại đi Campuchia, giao thương hàng hóa với các tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh… để tạo thêm cơ hội cho các HTX, DN trong tỉnh mở rộng các kênh quảng bá, tiếp thị, tìm kiếm kiếm đối tác, khách hàng… |
Hải Quân