Đồng Nai là nơi có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc không chỉ là niềm tự hào cần lưu giữ, mà còn là sản phẩm hấp dẫn phục vụ du lịch...
Đồng Nai là địa phương có đông đồng bào các dân tộc sinh sống đan xen tại 11 huyện và thành phố. Bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc không chỉ là niềm tự hào cần lưu giữ, mà còn là sản phẩm hấp dẫn đã và đang được khai thác phục vụ du lịch.
Đồng bào Tày xã Tà Lài (H.Tân Phú) trong trang phục múa nhảy sạp phục vụ khách du lịch. Ảnh:M. Ny |
Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy giá trị những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc như: nghệ thuật truyền thống, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ..., Đồng Nai đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi. Trong đó, việc giữ tính thống nhất trong đa dạng là một yêu cầu mang tính nền tảng.
* Đặc trưng của văn hóa các dân tộc
Được xem là một trong những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Đồng Nai hiện có 37 thành phần dân tộc, chiếm 7% dân số của tỉnh. Trong đó tập trung nhiều nhất là các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng, Chơro, Mạ. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống rải rác ở các địa phương, chủ yếu tập trung ở các huyện: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, TP.Long Khánh...
Những năm qua, đời sống ngày càng được nâng cao đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con các dân tộc thiểu số được tiếp xúc với sản phẩm văn hóa mới. Theo bà Thị Thành, thành viên của Đội cồng chiêng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang (TP.Long Khánh), hằng năm Phòng Dân tộc của thành phố và UBND xã Bảo Quang bên cạnh chú trọng nâng cao đời sống cho bà con còn tích cực bảo tồn giá trị văn hóa; tổ chức giao lưu cồng chiêng, ẩm thực (cơm lam, rượu cần) truyền thống của dân tộc với các địa phương khác.
“Đời sống đang dần được cải thiện, bà con chúng tôi rất háo hức khi được giao lưu, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình với đồng bào và du khách. Bà con ai nấy càng thêm phấn khởi để lao động, sản xuất và kinh doanh tốt hơn theo đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” - bà Thị Thành cho hay.
Đồng bào Chơro ở TP.Long Khánh biểu diễn cồng chiêng. Ảnh:M. Ny |
Tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc), những năm qua, câu chuyện về đội cồng chiêng của già Hùng Văn Xứng vẫn được kể với bao niềm tự hào. Đội cồng chiêng của già Xứng có gần 20 thành viên, trong đó có 12 bạn trẻ từ 10-15 tuổi nhiều năm đều góp mặt tại những sự kiện của tỉnh và địa phương. Đặc biệt, đội cồng chiêng của già Xứng thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
Già Hùng Văn Xứng cho biết, cồng chiêng có vị trí rất linh thiêng trong đồng bào Chơro. Ngày xưa, mỗi nếp nhà, người dân đều lưu giữ một nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, nhưng giờ đây, hầu như còn rất ít. Trong ấp hiện có 19 cái, trong đó 12 cái do Ban Dân tộc tỉnh cấp, số còn lại nằm ở hai hộ gia đình Thổ Lài và Đào Thị Bọc. “Đồng bào Chơro chúng tôi đang ra sức gìn giữ vì sợ mai một, con cháu đời sau không biết đến” - già Xứng bày tỏ.
Đội trưởng Đội hát then đàn tính (ấp 3, xã Tà Lài, H.Tân Phú) Nông Thị Tuyền cho rằng, ở địa phương hằng năm đều tổ chức một số lễ hội cho bà con, tiêu biểu như lễ hội Lồng tồng vào đầu năm mới. Trong lễ hội, ngoài tái hiện các nghi lễ xuống đồng, cúng thần linh của đồng bào Tày, Nùng thì bà con mặc trang phục truyền thống, chơi trò chơi ném còn…
“Trong lễ hội, phong trào hát then, đàn tính, múa nhảy sạp của người Tày, Nùng lại trở nên rộn ràng. Đội hát then đàn tính ấp 3, xã Tà Lài ra đời đến nay đã hơn 5 năm và hiện có 17 thành viên. Tranh thủ những lúc nông nhàn hoặc các buổi tối cuối tuần, đội hát then đàn tính tập trung nhau lại ở nhà văn hóa ấp để cùng nhau luyện tập. Đây là điều rất đáng quý. Để phù hợp với cuộc sống mới, hoàn cảnh mới, vùng đất mới, trong mỗi lời ca, điệu nhạc chúng tôi đã có đổi mới, giao lưu, hội nhập với văn hóa các dân tộc” - chị Tuyền chia sẻ.
* Lo lắng di sản văn hóa bị mai một
Trong dòng chảy hội nhập và phát triển hiện nay, những di sản văn hóa như: cồng chiêng, trang phục, ẩm thực, múa dân gian, ngôn ngữ các dân tộc ngày càng có sự giao thoa. Trừ các dịp lễ, Tết truyền thống, phần lớn đồng bào các dân tộc sử dụng ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực… như người Kinh. Bởi thế, một bộ phận đồng bào dân tộc, nhất là giới trẻ dường như đang dần “lãng quên” bản sắc của dân tộc. Dễ thấy hình ảnh các chàng trai, cô gái trong các làng dân tộc ngày nay rất ít khi sử dụng trang phục truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc mình.
Từ năm 2017-2020, ngành Văn hóa đã sưu tầm được 126 hiện vật bao gồm các vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất… có giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của nhiều dân tộc như: Mạ, Chơro, S’tiêng, Thái. Sưu tầm, biên soạn và hệ thống các dữ liệu văn hóa với hơn 100 trang A4, hơn 250 ảnh tư liệu thuộc các loại hình như: số dân, địa bàn cư trú, thực trạng ngôn ngữ dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội của các dân tộc. |
Bà Ka Rột (dân tộc Mạ, ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn, H.Tân Phú) cho hay, trước đây hầu như gia đình phụ nữ Mạ nào cũng có khung dệt và biết dệt vải. Nhưng nay gia đình bà là một trong số rất ít hộ còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Có nhiều nguyên nhân, trong đó giá thành cho một sản phẩm dệt theo phương thức truyền thống cao hơn nhiều so với dệt công nghiệp nên khó tìm được đầu ra. Thêm nữa là mặt hàng này ít còn người sử dụng.
“Ngay cả đến bọn trẻ trong cộng đồng còn ngại mặc thổ cẩm khi trong làng, trong nhà có lễ hội, tiệc. Nguyện vọng của chúng tôi là mong muốn giữ gìn được trang phục truyền thống. Nếu muốn như vậy thì phải có người chịu học cách dệt, cách làm nguyên liệu, học hoa văn đặc trưng… Thế nhưng, con cháu giờ không chịu học bởi mất nhiều thời gian, mà hiệu quả về kinh tế thì mơ hồ quá” - bà Ka Rột nói.
Tình trạng mai một, khó bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ diễn ra ở cộng đồng người Mạ, Chơro, mà còn diễn ra ở các dân tộc: Tày, Nùng... Theo ông Bùi Trung Đông, Phó chủ tịch UBND xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ), dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa, các hoạt động như: múa cồng chiêng ở nhà dài, dệt thổ cẩm, đan lát… của đồng bào Chơro trên địa bàn đang mất dần trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. “Ngay cả tiếng nói, một thành tố cơ bản của văn hóa các dân tộc cũng đang có nguy cơ mai một. Do đó, công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy gặp nhiều khó khăn và thách thức” - ông San bày tỏ.
Đoàn viên, thanh niên dân tộc Chơro ở TP.Long Khánh biểu diễn múa dân gian truyền thống trong lễ hội Sayangva. Ảnh:My Ny |
Lo lắng di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bị mai một, trong 3 năm (2017-2020) ngành Văn hóa đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ về di sản dân tộc cho cán bộ văn hóa, cán bộ dân tộc ở các xã, phường, thị trấn; già làng, trưởng ấp, người có uy tín trong cộng đồng. Trong đó, ngành đã tập trung các nội dung như: vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong công tác bảo tồn; kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa các dân tộc.
Cùng với ngành Văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào được MTTQ và các đoàn thể đặc biệt chú trọng. Hằng năm, MTTQ các cấp, chính quyền địa phương đều tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống như: lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơro tổ chức tại các xã Bàu Trâm, Bảo Quang (TP.Long Khánh); xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất); các xã Túc Trưng, Phú Túc (huyện Định Quán); Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer ở TP.Long Khánh...
Tuy công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đã và đang được quan tâm song vẫn còn đó nhiều khó khăn như: địa bàn rộng, đồng bào sống xa trung tâm, bản sắc văn hóa một số dân tộc có nguy cơ bị mai một, biến dạng... Vì thế, tại các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Ban tổ chức lễ hội đã bổ sung, giới thiệu nhiều nội dung như: tái hiện các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống; giới thiệu điệu múa cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc; khôi phục ẩm thực, trình diễn trang phục... Các hoạt động đang dần tạo nên bức tranh ấn tượng đa sắc và độc đáo.
* Bảo tồn và phát huy
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt, nhưng nhìn chung đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ở một bộ phận đồng bào còn chậm và hạn chế. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chưa tương xứng với “tiềm năng” và thế mạnh sẵn có.
Đồng bào Mường xã Túc Trưng (H.Định Quán) trong trang phục truyền thống thưởng thức rượu cần. Ảnh:M. Ny |
Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Thiều Quang Tân cho rằng, cần có thêm sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cho thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Nguồn kinh phí phải được duy trì thường xuyên và tương xứng với nhu cầu thực tế của công việc. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây được xem là lực lượng phục vụ đắc lực và có hiệu quả nhất cho công tác dân tộc hiện nay.
Theo Trưởng phòng Dân tộc H.Thống Nhất Nguyễn Đức Cường, trong giai đoạn hiện nay, muốn phát huy được giá trị văn hóa cần phải tiếp tục duy trì, truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ. Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài thông qua tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Bên cạnh đó, xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao trong vùng đồng bào thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, cần tham khảo thêm bản sắc văn hóa xưa của đồng bào để bổ sung những giá trị còn thiếu và duy trì, phát triển bền vững.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc là một việc làm thiết thực nhằm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ thực hành di sản. Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa, hướng dẫn đồng bào sưu tầm, bảo tồn và phổ biến kho tàng văn hóa, nghệ thuật và tiếp nhận có chọn lọc các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài.
“Ngành Văn hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, nhất là Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai tăng cường hơn nữa việc đưa các môn nghệ thuật truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ cho các hoạt động du lịch… Qua đó, tạo sức sống cho ngành nghệ thuật truyền thống. Đây cũng chính là cách nuôi dưỡng và phát triển thêm nguồn nhân lực kế cận, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” - ông Bằng nhấn mạnh.
My Ny - Võ Tuyên
Ông Thổ Út, Quyền Trưởng ban Dân tộc tỉnh:
Đồng Nai luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng các dân tộc
Cùng với các chế độ, chính sách ưu đãi giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe…, Đồng Nai luôn dành nhiều sự quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cụ thể, 2 năm/lần, chính quyền các cấp đều tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số. Hoạt động này trước hết để đồng bào giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với nhau. Đây còn là dịp để đồng bào giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, qua đó góp phần tôn vinh, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ người dân phục hồi các lễ hội truyền thống; trang bị và tổ chức lớp tập huấn về nhạc cụ dân tộc. Thường xuyên tổ chức phục hồi các nghề truyền thống cũng như tìm đầu ra cho các sản phẩm này; đưa đồng bào đi giao lưu ở các địa phương có cộng đồng dân tộc đang bảo tồn rất tốt văn hóa truyền thống để học tập… Những hoạt động này đã mang lại kết quả tốt trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
TS Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM:
Bảo tồn nhờ ý thức và hành động của cộng đồng
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đồng nghĩa với bảo vệ tính thống nhất trong sự đa dạng văn hóa. Không nên áp đặt văn hóa của dân tộc này với văn hóa của dân tộc khác. Bản thân mỗi cộng đồng đều có quyền tự hào với di sản văn hóa của dân tộc mình. Chỉ khi cảm thấy tự hào thì ý thức bảo tồn và phát huy này càng nâng cao.
Tất nhiên, bảo tồn sẽ thành công hơn nhờ ý thức và hành động của cả cộng đồng, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn với phát triển du lịch. Các cấp chính quyền, các ngành và địa phương cần có thêm những chính sách, sự hướng dẫn và hỗ trợ về vật chất và tinh thần để đồng bào dân tộc phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của mình.
Trưởng phòng Dân tộc H.THống Nhất Nguyễn Đức Cường:
Xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc
Nhiều năm nay, H.Thống Nhất luôn chú trọng tới phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc bằng cách cùng với các mạnh thường quân có sự hỗ trợ vật chất, tinh thần, trang bị cồng chiêng cho đồng bào. Tuy nhiên, để hoạt động văn hóa của dân tộc có hiệu quả, huyện và các ban ngành cần tập trung xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào, tập trung thực hiện xóa đói giảm nghèo. Cùng với sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Từ đó, đồng bào mới có điều kiện tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Hiện tại, đồng bào dân tộc thiểu số ở H.Thống Nhất đã và đang gìn giữ được cồng chiêng, trang phục, các phong tục, tập quán của mình. Hằng năm, bà con dân tộc thiểu số cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội như lễ cúng thần, lễ hội Sayangva... Việc tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn văn hóa là cách để Nhà nước tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến vùng đồng bào.
Cụ Ka Ruông (83 tuổi, dân tộc Mạ, ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn, H.Tân Phú):
Chủ động trong bảo tồn văn hóa dân tộc mình
Việc hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống đối với từng dân tộc là cần thiết và đóng vai trò lớn. Tuy nhiên, việc giữ gìn văn hóa truyền thống trong đó có trang phục, ẩm thực… là việc đồng bào cần phải chủ động làm chứ không thể hoàn toàn ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.
Việc này trước hết ở chỗ phải làm sao để con cháu trong cộng đồng yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó lớp trẻ mới thích mà tìm tòi, học hỏi. Sau nữa là những người có kinh nghiệm, hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc phải dành thời gian, tâm sức truyền dạy cho con cháu chứ không chỉ giữ khư khư cho riêng mình rồi sau đó do không có người kế thừa nên thất truyền. Có làm được như vậy thì đồng bào mới có thể giữ được bản sắc văn hóa truyền thống một cách bền bỉ, lâu dài.
Văn Truyên - Ly Na (ghi)