Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần nguồn vốn lớn để xây dựng hạ tầng

04:06, 15/06/2020

Dù thời gian qua, các đô thị trong tỉnh đã dồn nguồn vốn lớn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, các địa phương vẫn cần nguồn vốn lớn để tiếp tục đầu tư cho hạ tầng, nâng chất lượng các khu đô thị.

Dù thời gian qua, các đô thị trong tỉnh đã dồn nguồn vốn lớn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, các địa phương vẫn cần nguồn vốn lớn để tiếp tục đầu tư cho hạ tầng, nâng chất lượng các khu đô thị.

Dự án Gem Sky World của Tập đoàn Đất Xanh xây dựng trên khu đất đấu giá hơn 3 ngàn tỷ đồng ở xã Long Đức (H.Long Thành). Ảnh: Khánh Minh
Dự án Gem Sky World của Tập đoàn Đất Xanh xây dựng trên khu đất đấu giá hơn 3 ngàn tỷ đồng ở xã Long Đức (H.Long Thành). Ảnh: Khánh Minh

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, mỗi năm vốn đầu tư công của tỉnh rót cho các dự án hạ tầng kỹ thuật trên 3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án ở các đô thị. Hiện các huyện, thành phố vẫn cần nguồn vốn lớn để làm đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải cho đô thị...

* Đề xuất nhiều dự án giao thông

Mỗi năm, các huyện, thành phố đều đề xuất UBND tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các tuyến đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, công trình công cộng cho các đô thị và các xã vùng nông thôn. Các tuyến đường giao thông hầu hết kết nối với các đô thị, trục đường lớn để mở rộng lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

TP.Biên Hòa đề xuất làm hàng loạt dự án đường giao thông như: Đường trục trung tâm thành phố, Đường ven sông Cái, Đường ven sông Đồng Nai, Hương lộ 2, mở rộng, nâng cấp tuyến đường khác trong nội ô thành phố. Riêng dự án Đường ven sông Cái vốn đầu tư khoảng 3.960 tỷ đồng; Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa hơn 3.100 tỷ đồng; Đường ven sông Đồng Nai gần 2 ngàn tỷ đồng...

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Các dự án trên là dự án trọng điểm của thành phố và tỉnh, do đó Biên Hòa đang tiến hành thực hiện các khu tái định cư, di dời các hộ dân nằm trong dự án để có đất sạch triển khai. Các dự án trên hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa và góp phần phát triển kinh tế”.

Các địa phương khác như: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Long Khánh, Vĩnh Cửu... cũng cần vốn lớn để làm đường giao thông.  Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho 255 dự án về giao thông với diện tích 8.336ha.

Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước chia sẻ: “Ngoài các dự án giao thông đang triển khai, huyện mới đề xuất UBND tỉnh ưu tiên vốn để triển khai 5 dự án khác về giao thông là Cầu Hiếu Liêm, Đường Quang Trung, Đường Lê Đại Hành, Tuyến đường D5 giao với tỉnh lộ 768, Tuyến đường nối với hương lộ 15. Các tuyến đường giao thông trên được đầu tư sớm tạo thuận lợi rất lớn cho huyện trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực”.

* Tìm vốn từ đấu giá đất

Năm 2020, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 24,8 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương để đầu tư cho các dự án, công trình gần 7,5 ngàn tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư cho cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nguồn vốn ngân sách địa phương phải rải đều cho gần 1 ngàn dự án, công trình trên 8 lĩnh vực khác nhau. Dù các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật được ưu tiên vốn thực hiện nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các địa phương. Do đó, UBND huyện, thành phố, tỉnh phải phân các dự án, công trình theo mức độ ưu tiên khác nhau để bố trí vốn.

Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho hay: “Huyện đang đề xuất UBND tỉnh ưu tiên vốn để làm 2 dự án tuyến đường song hành quốc lộ 56 và tuyến hương lộ 10 nối Cẩm Mỹ đi Xuân Lộc. Do nguồn vốn ngân sách có hạn nên huyện dự tính sẽ khai thác vốn từ quỹ đất để có thêm vốn đầu tư các dự án giao thông”.

Năm 2019, Đồng Nai đã tiến hành đấu giá đất công được gần 6,5 ngàn tỷ đồng và số tiền trên được phân bổ để đầu tư các dự án về đường giao thông của tỉnh. Năm 2020, tỉnh dự tính đấu giá gần 20 khu đất công để có vốn tiếp tục đầu tư cho các dự án giao thông.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khi làm việc với các địa phương đều yêu cầu rà soát lại các khu đất có lợi thế để đưa vào đấu giá tạo vốn triển khai các dự án hạ tầng giao thông cho địa phương. Như vậy các địa phương sẽ giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của địa phương.

Hiện các huyện, thành phố đều rà soát lại quỹ đất công, các thửa đất có ưu thế để thu hồi và đưa vào đấu giá. Theo quy định của HĐND tỉnh, những thửa đất đấu giá có giá trị từ 100 tỷ đồng trở xuống sẽ để lại cho địa phương, còn giá trị trên 100 tỷ đồng giao về tỉnh để phân bổ cho các dự án quan trọng. Đây là một cách tạo ra vốn đầu tư cho các dự án quan trọng để giảm gánh nặng cho ngân sách mà Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành đang thực hiện.

Khánh Minh

Tin xem nhiều