Một hội nghị đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vừa diễn ra vào ngày 9-5.
Một hội nghị đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vừa diễn ra vào ngày 9-5.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó thủ tướng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
[links()]Đây được coi là “hội nghị Diên Hồng” về kinh tế, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với DN, cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ phục hồi nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây cũng là dịp để cộng đồng DN góp tiếng nói mạnh mẽ, hiến kế cùng Nhà nước kiến tạo, xây dựng nền kinh tế, quyết tâm vì một Việt Nam thịnh vượng trong tương lai.
* DN thiếu vốn sản xuất, kinh doanh
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm 3%. Trong đó, GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như: Mỹ sẽ sụt giảm 5,9%, Anh giảm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm 7,5%.
Trong bối cảnh chung, Việt Nam đã nỗ lực đạt được kết quả tích cực, tăng trưởng GDP quý I-2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ USD. Đây là những chỉ số tốt hơn nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Lực lượng DN, bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các DN phải đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất.
Doanh nghiệp chờ cơ hội bật dậy sau đại dịch. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng, Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: V.Thế |
Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Các chính sách của Chính phủ thời gian vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà DN phải gánh chịu. 88% DN được khảo sát nhận định các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành theo Chỉ thị số 11/CT-TTg là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, cộng đồng DN kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước, để đồng hành với DN chớp lấy cơ hội trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở nước ta.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.
* Khơi thông chính sách, tiếp sức DN
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải đề nghị Nhà nước hỗ trợ DN bị khủng hoảng sau đại dịch, ưu tiên cho thành phần DN dễ bị tổn thương, DN nhỏ và vừa, khởi nghiệp.
Theo ông Dương, trong kinh doanh có lời, có lỗ nên Nhà nước cần có giải pháp điều hành phục hồi kinh tế. Cần cân nhắc hài hòa về giải quyết khó khăn trước mắt, khuyến khích tinh thần đổi mới, mục tiêu chung tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp kinh tế thị trường. Tuy nhiên, DN cũng có “nhuệ khí” của mình, do đó, ông đề nghị không nên trực tiếp hỗ trợ DN để “làm mất nhuệ khí DN”, mà kiến nghị các chính sách thúc đẩy kinh tế sau dịch Covid-19 một cách quyết liệt, đồng hành với DN như thời gian chống dịch vừa qua.
Doanh nghiệp chờ cơ hội bật dậy sau đại dịch Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Ontops (Khu công nghiệp Hố Nai 3) Ảnh: VƯƠNG THẾ |
Tương tự, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, nhiều DN lớn trong bối cảnh khó khăn nhất của đại dịch họ không đề xuất tiền vì biết ngân sách nhà nước rất khó khăn, họ chỉ đề xuất cơ chế để phát triển.
Cuộc khảo sát thực trạng DN do VCCI thực hiện đầu tháng 5 vừa qua cũng cho thấy có 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, khoảng 22% DN có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% DN sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.
Tuy tỷ lệ DN mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch và tỷ lệ DN dự kiến thu hẹp quy mô cũng cao hơn nhưng điều này tốt hơn rất nhiều so với “bức tranh” DN VCCI công bố 1 tháng trước đây. Theo đó, cuộc khảo sát DN cuối tháng 3 của VCCI có hơn 30% DN cho rằng họ khó có khả năng trụ vững sau 3 tháng, trên 50% DN không thể trụ nổi sau 6 tháng, chỉ còn 20% có thể tồn tại quá 12 tháng, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Điều mong muốn của cộng đồng DN lúc này là kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải thu, miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, cắt giảm các khoản phí, lệ phí, nâng trần tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Biểu đồ thể hiện kết quả đăng ký gia hạn nộp thuế của các doanh nghiệp cá nhân tính đến ngày 7-5. Nguồn: Tổng cục Thuế (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân) |
Để có thể đưa Việt Nam lọt vào tốp 4 nước có năng lực cạnh tranh tốt nhất ASEAN thì điều cốt yếu là phải tiếp tục cải cách thể chế. Trong đó, minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai nhanh các dự án đầu tư và kinh doanh là giải pháp cứu cánh cho DN và cả nền kinh tế lúc này.
“VCCI đề nghị Chính phủ phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt tự hào dùng hàng Việt để tiếp sức cho DN Việt. Chính phủ cũng cần thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất thêm.
* Quyết tâm vì mục tiêu Việt Nam thịnh vượng
Chia sẻ cùng cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa tăng trưởng kinh tế. Dù dịch bệnh đã được đẩy lùi và kiểm soát thành công trong nước nhưng trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam. Do vậy, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức như: tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hiện tượng mua bán, sáp nhập DN có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị “thâu tóm” với giá rẻ.
Tuy khó khăn, nhưng điều mà Chính phủ cần từ cộng đồng DN là hiến kế để tiếp tục duy trì sự phát triển của nền kinh tế, khắc khục khó khăn để DN vươn lên một cách mạnh mẽ, như sức bật của lò xo sau đại dịch. Do vậy, đây không phải là dịp “bàn lùi, than nghèo, kể khổ, than vãn khó khăn”, mà phải nêu trở ngại lớn cùng việc đề xuất giải pháp. Chính phủ không trực tiếp giúp DN, nhưng sẽ hỗ trợ DN tăng năng suất, là nguồn gốc cho phát triển mạnh mẽ, đảm bảo thực thi công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và hiệu quả.
“Trách nhiệm các bộ, ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ trực tiếp DN với tinh thần cải cách và đổi mới, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới. Phải nêu ra được giải pháp mới, như: thị trường, kết nối chuỗi giá trị, tạo chất keo kết nối đứt gãy, thuế, lao động, tín dụng. Virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan tổ chức khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính chúng ta, bộ, ngành, địa phương và chính DN” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, trước tác động của dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho cộng đồng DN về tầm nhìn, đích đến trong tương lai của mình. Theo Thủ tướng, khát vọng về một Việt Nam hùng cường là điều mong mỏi của tất cả người dân, chính quyền và cả cộng đồng DN. Hiện nay, Việt Nam đã có một số tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế như: FTA, TH True Milk, Thaco, Vingroup…
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, chưa có DN nào tầm cỡ thế giới trong tốp 500 DN, nên mục tiêu đặt ra là năm 2045, với 25 năm có thể đủ thời gian để có DN Việt Nam lớn mạnh tầm thế giới “Made in Vietnam”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đi qua biến cố của dịch Covid-19, nhiều DN đã duy trì hoạt động của mình, đó là sự kiên cường đáng tôn vinh. Bên cạnh đó, không ít DN gặp nhiều khó khăn, phải dừng hoạt động. Thủ tướng mong muốn không vì dịch bệnh Covid-19, khó khăn hiện tại mà các DN nản chí, sợ hãi, thay vì đó, cần cố gắng, vượt lên chính mình để đạt được thành công. “Chính phủ đồng hành, DN Việt Nam cần nghĩ lớn, làm lớn đừng sợ thất bại, có ước mơ và hành động, biến ước mơ thành hành động”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Vương Thế
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng:
Đẩy nhanh thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN
“Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế cả nước nói chung cũng như Đồng Nai nói riêng, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng. Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong hỗ trợ sản xuất, Đồng Nai đã ban hành kế hoạch để có các giải pháp cụ thể, trong đó đẩy nhanh các gói hỗ trợ cho DN về vốn, hỗ trợ về lao động, hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa… Những hỗ trợ này giúp cho DN giảm bớt khó khăn hiện tại, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể của địa phương, đồng thời triển khai hiệu quả những quyết định của Chính phủ.
Song song với thực hiện chương trình hỗ trợ trước mắt, như chủ trương chung của Chính phủ, Đồng Nai sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội hợp tác, làm ăn tại địa phương. Tận dụng cơ hội từ tiềm năng lợi thế của mình để đón dòng vốn chất lượng cao cũng như đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ DN”.
Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương:
Cần kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ DN
“Hiện nay, hầu hết các DN trong Hội còn gặp nhiều khó khăn. Dù dịch bệnh trong nước phần nào được hạn chế song tình hình chưa thể giải quyết được nhanh. Trước đây là “đứt gãy” nguồn cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc, hiện nay khó khăn lớn là những thị trường chính ở Mỹ, châu Âu đang đóng cửa, chưa khôi phục lại nên đầu ra tồn đọng. Trong khi đó, một số chính sách của Nhà nước, nhất là việc vay vốn để trả lương cho lao động lại chưa thực sự phù hợp. DN chỉ được vay vốn chính sách khi có lao động bị nghỉ việc, khó khăn bủa vây. Chúng tôi cần chính sách hỗ trợ khi DN còn có thể gắng gượng được chứ khi DN đã ngấp nghé phá sản thì hiệu quả của công tác hỗ trợ không cao. Cần nghiên cứu thêm các giải pháp thực sự với nhu cầu cần kíp của DN.
Hội nghị Thủ tướng với DN là rất cần thiết, tạo điều kiện để DN nói lên tiếng nói của mình, từ đó Chính phủ, các cơ quan liên quan có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn”.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom (TP.Biên Hòa) Lương Ngọc Hồi:
Giữ chân lao động là yếu tố sống còn với công ty
“Công ty chúng tôi hiện nay đang trong quá trình dịch chuyển nhà máy từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 lên Khu công nghiệp Giang Điền (H.Trảng Bom). Dịch bệnh xảy ra lâu, ảnh hưởng tới quá trình sắp xếp lại vị trí sản xuất của công ty. Đáng ra, theo kế hoạch cũ, ngay từ tháng 5 này, chúng tôi đã chuyển xong và ổn định sản xuất ở nơi mới rồi nhưng hiện vẫn chưa chuyển được.
Ngoài vấn đề trên thì hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng, DN sản xuất đồ gỗ nên thị trường các nước hạn chế nhập hàng sẽ làm khó thêm khó. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm để giữ vững sự ổn định của sản xuất kinh doanh tại công ty. Thời gian qua, nhiều DN đã phải cho người lao động nghỉ việc, sau dịch, họ sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Đó cũng là khó khăn chung trong thời gian tới. Lường trước được vấn đề này, công ty chúng tôi kiên quyết giữ lao động, không để lao động phải nghỉ việc. Chúng tôi duy trì được sản xuất, thu nhập của công nhân là một sự nỗ lực lớn. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiềm chế, các nước trở lại nhập hàng sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển”.
Văn Gia (ghi)