Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư chuyên sâu cho ngành chế tạo máy nông nghiệp

08:05, 28/05/2020

Tại Hội nghị trực tuyến 4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ trưởng NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Tại Hội nghị trực tuyến 4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ trưởng NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đây được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay.

Hiện nay, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của nông sản, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Tính đến nay, cả nước có trên 7,8 ngàn doanh nghiệp cơ khí và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong nước hiện đang đối mặt với những thách thức trước áp lực cạnh tranh hội nhập quốc tế sâu rộng với trình độ công nghệ ngày càng cao của lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Yêu cầu hiện nay, cơ giới hóa trong nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tăng tỷ lệ sử dụng máy móc vào sản xuất mà phải xây dựng được những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Để đạt được mục tiêu trên, cần sự đầu tư dài hạn phát triển ngành công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị cho ngành nông nghiệp. Vì Việt Nam không thể “bê” y nguyên những máy móc, công nghệ của các nước vào thực tế sản suất trong nước. Nghiên cứu phải gắn với thực tế sản xuất vì máy móc phải tương tác với thủy lợi, đất đai, cây trồng; phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của Việt Nam, của vùng nhiệt đới… Thậm chí, trong cơ giới hóa thì mỗi vùng yêu cầu về công năng của thiết bị khác nhau ứng với từng loại cây sẽ đòi hỏi chuyên môn về cơ giới hóa chuyên sâu. Ở đây, nông dân cần được tiếp sức về khoa học - kỹ thuật, từ nghiên cứu đến chuyển giao ứng dụng.

Cũng tại hội nghị “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp”, Phó chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam Đoàn Xuân Hòa chỉ ra rào cản không nhỏ khiến ngành cơ khí nông nghiệp Việt Nam chưa lớn mạnh và phát triển được như kỳ vọng đó là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Cụ thể, các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp hiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi không dễ; lãi suất vay ưu đãi cũng chưa có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại nên chưa khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Nhà nước cần sớm có chính sách “cởi trói” về nguồn vốn như: hồ sơ, thủ tục tiếp cận vốn ưu đãi dễ dàng hơn; lãi suất ưu đãi hấp dẫn hơn để thật sự khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia. Từ đó lựa chọn, thu hút được những doanh nghiệp đầu tàu, có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ đầu tư chuyên sâu cho ngành chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp phát triển đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều