Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã được chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã được chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các khu cách ly tập trung khác trong tỉnh cũng tiếp nhận ngày càng nhiều các trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi.
Các đoàn viên của Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai gấp rút làm tấm chắn ngăn giọt bắn để phát cho y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Ảnh: A.Yên |
[links()]Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, nhiều y, bác sĩ trẻ đã xung phong chống dịch tại tuyến đầu với niềm tin sẽ chiến thắng đại dịch.
* Điều động 42 y, bác sĩ, nhân viên cho khu cách ly
Khu cách ly tại ký túc xá Trường đại học Đồng Nai mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng hiện đang là cơ sở có nhiều người thuộc diện cách ly nhất tỉnh với 111 người. Để đảm bảo công tác vận hành, hoạt động tại khu cách ly, sau khi Sở Y tế có văn bản chỉ đạo, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã nhanh chóng lập danh sách 42 y, bác sĩ, nhân viên, hộ lý đang làm việc tại bệnh viện để tăng cường cho khu cách ly tại Trường đại học Đồng Nai. Hầu hết các y, bác sĩ còn rất trẻ.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, bệnh viện điều động nhân sự chia làm 4 đợt. Đợt 1 từ ngày 30-3 đến 12-4. Đợt 2 từ ngày 13-4 đến ngày 26-4. Đợt 3 từ ngày 27-4 đến ngày 3-5. Đợt 4 từ ngày 4-5 đến 31-5. Ở mỗi đợt, bệnh viện cử đầy đủ ê-kíp gồm: 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 3 hộ lý.
Lực lượng bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được trang bị tấm chắn ngăn giọt bắn. Ảnh: A.Yên |
“Khi được bệnh viện phổ biến thông tin điều động lực lượng cho khu cách ly, có rất nhiều y, bác sĩ đã xung phong, tình nguyện được ra tuyến đầu chống dịch. Có những hộ lý chia sẻ, dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng họ sẵn sàng làm việc tại khu cách ly. Bởi họ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, nếu họ không làm thì dịch bệnh sẽ lây lan và không sớm thì muộn, chính họ, những người thân trong gia đình họ sẽ bị nhiễm bệnh” - BS Ngô Đức Tuấn chia sẻ.
Điều dưỡng Trần Thị Kiều Linh, Khoa Y học cổ truyền bộc bạch, trong khoa có nhiều người xung phong đi làm việc tại các khu cách ly. Bản thân Linh cũng đăng ký tham gia, tuy nhiên có một điều dưỡng nam khác đã được bệnh viện “ưu ái” lựa chọn đi tăng cường vào đợt đầu nên Linh phải chờ những đợt tăng cường tiếp theo.
Làm tấm chắn ngăn giọt bắn lây bệnh
Không chỉ sẵn lòng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, nhiều y, bác sĩ trẻ còn tìm tòi, sáng tạo làm các tấm chắn ngăn giọt bắn để phòng ngừa bệnh Covid-19 cho nhân viên y tế, bảo vệ… trong bệnh viện.
Từ ngày 29 đến 31-3, Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tự chế và hoàn thành hơn 1,3 ngàn tấm chắn ngăn giọt bắn. Tấm chắn này được làm từ vật liệu rẻ tiền (chỉ khoảng 2 ngàn đồng nguyên liệu/tấm chắn) nhưng có công dụng khá tốt trong việc ngăn chặn giọt bắn từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sang nhân viên y tế.
BS Nguyễn Tất Trung, Khoa Nội tim mạch, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong tình hình khẩu trang y tế khan hiếm như hiện nay thì việc có thêm tấm chắn trước mặt để bảo vệ các y, bác sĩ khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân rất cần thiết. Quá trình thực hiện, các y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện đã có nhiều cải tiến giúp tấm chắn khi đeo lên đầu không bị đau đầu, khó chịu. Tấm chắn sau khi hoàn thiện sẽ được Đoàn Thanh niên của bệnh viện phát cho các khoa, phòng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân; đội bảo vệ của bệnh viện và lực lượng đang phục vụ hoạt động tại khu cách ly ký túc xá Trường đại học Đồng Nai.
Trực tiếp tham gia việc làm tấm chắn ngăn giọt bắn, BS Huỳnh Phước Minh Nhật, Khoa Răng - hàm - mặt bộc bạch, các đoàn viên đang suy nghĩ đến phương án có thể thay được tấm kính khi tấm kính mờ thay vì sát khuẩn tấm kính để đảm bảo việc kiểm soát nhiễm khuẩn.
Được trang bị tấm chắn ngăn giọt bắn, anh Lê Anh Duy, nhân viên Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nói: “Tôi được giao nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt của tất cả những ai muốn vào bệnh viện. Khi được trang bị tấm chắn ngăn giọt bắn, tôi cảm thấy tự tin và an tâm hơn khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân”.
An Yên