Trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, Đồng Nai đã định hướng phát triển sản xuất có quy mô hàng hóa lớn với các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh, thích nghi cao với điều kiện thổ nhưỡng.
Trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, Đồng Nai đã định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp có quy mô hàng hóa lớn với các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh, thích nghi cao với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Nông dân H.Vĩnh Cửu giàu lên nhờ chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng tràm kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Ảnh: Bình Nguyên |
[links()]Nhờ đặt ra mục tiêu đúng hướng nên dù là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai lại đứng đầu cả nước về nhiều nhóm nông sản như: heo, gà, nhóm cây công nghiệp, cây ăn trái...
* Tăng giá trị cho cây trồng
Dù điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của Đồng Nai ít phù hợp với cây lúa, năng suất bình quân của cây trồng này thấp hơn các tỉnh, thành khác nhưng Đồng Nai vẫn đảm bảo được yêu cầu về an ninh lương thực quốc gia nhờ nông dân đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Tính đến năm 2019, diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh đạt gần 59,8 ngàn ha, giảm gần 12,7 ngàn ha, giảm 18% so với năm 2009. Tuy nhiên, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống mới nên năng suất lúa tăng 20%; sản lượng lúa đạt gần 325 ngàn tấn, không biến động nhiều so với năm 2009.
Năm 2019, thu nhập bình quân của người dân nông thôn ở Đồng Nai đạt trên 55,6 triệu đồng/người, đưa Đồng Nai trở thành một trong 5 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước. Số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó có nhiều huyện chỉ còn dưới 0,1% hộ nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. |
Ông Lý Phát Sinh, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại dịch vụ Lang Minh (xã Lang Minh, H.Xuân Lộc) là nông dân được tuyên dương trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai vì đi tiên phong ứng dụng mô hình chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 2 vụ bắp/năm, đạt thu nhập gấp đôi so với chỉ làm lúa.
Ông còn được xem là “vua bắp” của Đồng Nai nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng các giống mới nên năng suất bắp luôn đứng tốp đầu trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Sinh: “Nông dân ở cánh đồng Lang Minh vẫn gắn bó lâu dài với cây lúa, cây bắp vì hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất. Mặt khác, nhờ đưa máy móc ra đồng nên nông dân trồng lúa, bắp bây giờ không còn vất vả như trước. Đến vụ thu hoạch có máy gặt, đóng bao tự động, nông dân đứng trên bờ đếm bao, tính tiền với thương lái”.
Trong tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương của tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng cho lợi nhuận tốt, có khả năng cạnh tranh cao. Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh có gần 107 ngàn ha cây công nghiệp lâu năm như: điều, cà phê, tiêu, cao su...Diện tích cây ăn trái đạt trên 68 ngàn ha, tăng trên 11 ngàn ha, sản lượng tăng 32% so với năm 2009.
Toàn tỉnh đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực là cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái. Trong đó, có nhiều cây trồng đặc sản có tiếng trên thị trường như: tiêu, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, thanh long ruột đỏ... Hiện trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới.
H.Vĩnh Cửu là địa phương đã tập trung chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây mang lại lợi nhuận cao. Mỗi năm, địa phương này đã chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng lúa, tràm, mía, điều sang trồng rau và cây có múi, nuôi trồng thủy sản... Từ một xã thuần nông, Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) không chỉ là xã đầu tiên của Đồng Nai mà của cả miền Nam đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Có được thành quả ấn tượng này là nhờ địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cao thu nhập cho nông dân.
Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết, trong xây dựng nông thôn mới, Bình Lợi thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những ruộng lúa đất cao thiếu nước, những vườn tràm, vườn mía cằn cỗi sang trồng cây có múi như: cam, quýt, bưởi. Nhờ đó, năm 2018, Bình Lợi đạt chuẩn xã NTM nâng cao với giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt 213 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người ngay từ năm 2017 đã đạt 61,4 triệu đồng/người/năm, ở mức cao so với mức thu nhập bình quân của tỉnh. “Địa phương đang định hướng cho nông dân trồng cây có múi theo hướng hữu cơ; xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm bưởi da xanh có thương hiệu nhờ uy tín về chất lượng để tiếp tục tăng giá trị cho cây trồng” - ông Long nói.
* Dẫn đầu về chăn nuôi
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, ngành chăn nuôi của tỉnh đang chuyển đổi mạnh mẽ sang chăn nuôi công nghiệp quy mô hàng hóa lớn thay cho chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Nhờ áp dụng giống mới và tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, năng suất và tốc độ tăng trưởng về sản lượng heo, gà lớn hơn so với tăng trưởng về quy mô tổng đàn.
Cụ thể, cuối năm 2018, tổng đàn heo của tỉnh là 2,5 triệu con, tăng 167% về tổng đàn và sản lượng tăng 198% so với năm 2009. Tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt 23,6 triệu con, tăng gấp 3 lần nhưng sản lượng thịt gà lại tăng 500% so với năm 2009, đạt hơn 93 ngàn tấn.
Rau quả đạt chuẩn GlobalGAP sản xuất tại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) đáp ứng tốt tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên |
Năm 2019, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do dịch tả heo châu Phi nhưng đến nay, Đồng Nai đã khống chế được dịch này và đang trong giai đoạn tái đàn, khôi phục lại sản xuất. Trong đó, ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp được đầu tư bài bản với lực lượng chủ đạo là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng thủy sản cũng đang là thế mạnh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác của Đồng Nai trong năm 2019 đạt trên 64 ngàn tấn, tăng hơn 2 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, người nuôi chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật từ khâu chăm sóc con giống đến quá trình nuôi, hạn chế dịch bệnh phát sinh, góp phần tăng sản lượng nuôi trên cùng diện tích. Chỉ tính riêng diện tích nuôi thủy sản ao, hồ đạt gần 8,8 ngàn ha, tăng hơn 86ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó diện tích nuôi cá trên 6,7 ngàn ha, diện tích nuôi tôm trên 2 ngàn ha.
Hiện nhiều địa phương đặt ra mục tiêu phát triển các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao phù hợp trong tình hình mới và tăng thu nhập cho nông dân. Theo Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương, địa phương đang khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Toàn huyện hiện có trên 1,9 ngàn ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Trong đó, hơn 1,5 ngàn ha nuôi thủy sản nước lợ. Mô hình cho thu nhập cao với diện tích lớn là nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu tập trung ở các xã Phước An, Phú Hữu, Vĩnh Thanh...
* Đưa khoa học vào sản xuất
Một trong những định hướng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Nai là phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao.
H.Tân Phú đang nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh theo chuẩn VietGAP. Trong ảnh: Thu hoạch tôm tại xã Phú Xuân, H.Tân Phú |
Trong lĩnh vực trồng trọt, nông dân ngày càng quan tâm chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, đạt chuẩn xuất khẩu. Theo đó, nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: gần 50 ngàn ha cây trồng đã ứng dụng mô hình tiết kiệm nước, bón phân qua đường ống, trên 90% cây trồng sử dụng giống mới; toàn tỉnh có 1.254ha đạt chứng nhận VietGAP... Ngoài ra, một số trang trại, doanh nghiệp cũng đầu tư công nghệ cao với nhiều sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận GlobalGAP.
Trong chăn nuôi, không chỉ doanh nghiệp mà nông dân cũng quan tâm đầu tư công nghệ cao vào sản xuất. Hiện hơn 80% tổng đàn heo và 90% tổng đàn gà chăn nuôi trang trại có quy mô công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao như: sử dụng chuồng lạnh, tự động hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất; quản lý hoạt động chăn nuôi bằng các phần mềm hiện đại…
Về kiểm tra hoạt động chăn nuôi tại Đồng Nai, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Hoàng Thanh Vân nhận xét: “Hầu hết các trang trại chăn nuôi lớn của Đồng Nai đều đang sử dụng công nghệ hiện đại. Cả doanh nghiệp và nông dân đều không áp dụng rập khuôn, bê nguyên mô hình công nghệ tiên tiến của nước ngoài mà có những cải tiến để phù hợp với thực tế sản xuất”.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, sau 10 năm tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp (2009-2019), Đồng Nai đã xác định đúng các nhóm sản phẩm chính để phát huy lợi thế và tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, từ xây dựng vùng nguyên liệu đến chế biến, tìm đầu ra. Chính vì thế, sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai đạt kết quả rất cao, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên. Trong giai đoạn tới, Đồng Nai phải đặt mục tiêu phát triển thành Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời là trung tâm phân phối nông sản và chế biến, phát triển chuỗi dịch vụ phụ trợ để đưa nông sản địa phương ra thế giới. |
Bình Nguyên