Nhiều năm nay, từ nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng 14 nhà văn hóa dân tộc tại 11 huyện, thành phố.
Nhà văn hóa của đồng bào các dân tộc là một thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nhiều năm nay, từ nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng 14 nhà văn hóa dân tộc tại 11 huyện, thành phố.
Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng (H.Định Quán) - điểm sáng trong phát huy thiết chế văn hóa cơ sở Ảnh: Văn Truyên |
[links()]Bên cạnh những nhà văn hóa dân tộc phát huy được hiệu quả hoạt động, vẫn còn những nhà văn hóa có tần suất sử dụng rất ít hoặc sử dụng chưa đúng với mục đích. Điều này vô hình chung đã gây lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền cũng như xây dựng phong trào ở cơ sở.
* Những điểm sáng…
Huyện Định Quán là địa phương có nhiều nhà văn hóa dân tộc nhất trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin huyện, 4 nhà văn hóa thuộc các dân tộc Châu Mạ, Chơro và Mường là nơi thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho đồng bào trên địa bàn các xã, thị trấn. Các nhà văn hóa đã trang bị nhiều tủ sách, tài liệu, hiện vật gốc có giá trị là minh chứng cho câu chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Ông Điểu Bình, người dân ở xã Phước Bình (H.Long Thành) cho biết: “Nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của đồng bào Chơro ở Long Thành là rất lớn. Tuy nhiên, nhìn vào hệ thống cơ sở vật chất, bà con cũng không mặn mà đến sinh hoạt. Sách báo rất ít ỏi, chưa có các dụng cụ để tập luyện thể dục, thể thao, các trò chơi cho thiếu nhi không nhiều, tủ trưng bày cũng hư hỏng… Thế nên ngay cả việc tổ chức họp hành cũng rất hạn chế chứ chưa nói đến các hoạt động văn nghệ, thể thao”. |
Phó chủ tịch HĐND xã Túc Trưng Điểu Hoàng cho biết, Nhà văn hóa Chơro ở Túc Trưng nhiều năm nay trở thành điểm đến không chỉ của đồng bào mà cả du khách gần xa. Đặc biệt, vào các dịp lễ, tết, hay dịp cúng lúa mới do đồng bào Chơro nơi đây tổ chức đều thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động lễ hội này được xem là tiềm năng, lợi thế quan trọng để địa phương phát triển thành những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn.
Đầu năm 2020, đồng bào Mường ấp Tân Lập, xã Phú Túc phấn khởi khi Nhà văn hóa dân tộc Mường đã được hoàn thiện sau thời gian xây dựng khá lâu. Tổ trưởng Tổ hợp tác Rượu cần ấp Tân Lập Quách Thị Hồng Nguyệt cho biết, mặc dù nhà văn hóa dân tộc đã hoàn thành từ đầu năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên UBND xã chưa tổ chức khai trương. Nhà văn hóa hiện đã trưng bày đầy đủ các hiện vật của đồng bào Mường, trang thiết bị, tủ sách…
“Đồng bào Mường chúng tôi mong chờ sau khi tổ chức khánh thành nhà văn hóa, bà con có thêm một điểm để vui chơi, sinh hoạt, tổ chức các lễ hội truyền thống vốn đã bị mai một. Chúng tôi cũng hy vọng, thời gian tới sẽ có đông du khách đến tham quan nhà văn hóa. Khi đó, bà con chúng tôi sẽ có cơ hội bày bán các sản phẩm đặc trưng như: gạo rẫy, rượu cần… do mình làm ra” -
bà Nguyệt bày tỏ.
Nhà văn hóa dân tộc Chăm xã Bình Sơn, H.Long Thành đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: My Ny |
TP.Long Khánh có hơn 171 ngàn người thì có đến trên 16 ngàn người thuộc 12 dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, dân tộc thiểu số bản địa là dân tộc Chơro chiếm trên 3,3 người và dân tộc Hoa có trên 9,1 ngàn người. Trưởng phòng Dân tộc TP.Long Khánh Đặng Thanh Hiếu cho hay, thời gian qua, Long Khánh làm rất tốt việc bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Nhiều lễ hội của đồng bào được khôi phục, góp phần tạo niềm tin cho đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của chính quyền.
“Hằng năm, chúng tôi huy động nhiều nguồn lực của các tổ chức, cá nhân cho việc bảo tồn, phát huy các lễ hội trọng điểm như: lễ hội Sayangva (mừng Lúa mới), Sayangbri (cúng thần Rừng) dân tộc Chơro; Tả Tài Phán (dân tộc Hoa), Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sendontal, Ok Om Bok (dân tộc Khmer)... Đặc biệt, thành phố đã dành nhiều kinh phí trang bị cồng chiêng, trang phục và dạy cho thanh niên dân tộc Chơro học đánh cồng chiêng. Sau thời gian được chính quyền các cấp chủ trì phục hồi, đứng ra tổ chức lễ hội thì đến nay các dân tộc trên địa bàn đều được bàn giao tự tổ chức lễ hội, chính quyền chỉ có vai trò hỗ trợ” - ông Hiếu chia sẻ.
* Nhiều nhà văn hóa xuống cấp
Huyện Long Thành là địa phương có 3 nhà văn hóa dân tộc: Chơro (xã Phước Bình), Chăm (xã Bình Sơn) và S’tiêng (xã Tân Hiệp) qua thời gian sử dụng hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo đó, hệ thống phần tường rào ở các nhà văn hóa đã bị bong tróc sơn, hệ thống trò chơi thiếu nhi bị hư hỏng nặng; các phòng chức năng thấm dột nặng, hệ thống quạt, đèn trang trí trong khuôn viên đã hư hỏng, sân bóng đá, bóng chuyền phía sau không có cổng ra vào.
Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Bùi Thanh Nam cho biết, thời gian tới huyện sẽ xây dựng lộ trình sửa chữa, đầu tư mua sắm bàn ghế, trang thiết bị, dụng cụ thể thao ngoài trời tại các thiết chế văn hóa để tổ chức thường xuyên các hoạt động. Bên cạnh đó, huyện cũng nêu cao trách nhiệm của chính quyền, vai trò của người đứng đầu xã, thị trấn; chủ động xây dựng các kế hoạch phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương… nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là nhà văn hóa các dân tộc. |
Nhà văn hóa dân tộc Chăm ở ấp 6, xã Bình Sơn được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2013 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 6, xã Bình Sơn Mari Ah Kim Loan cho biết, Nhà văn hóa Chăm thường xuyên đóng cửa, rất ít người dân đến đây sinh hoạt. Mặc dù được dựng tại vị trí thoáng mát, trong không gian rộng hơn 5 ngàn m2 nhưng bên trong nhà văn hóa thiếu rất nhiều trang thiết bị. Các hiện vật truyền thống của đồng bào Chăm trưng bày từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng. Trong nhà chỉ có vài bộ bàn ghế, một tủ sách nhỏ với vài chục cuốn đã cũ. Tất cả đều đã phủ kín bụi.
Tình trạng xuống cấp tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro (xã Phước Bình, H.Long Thành) cũng diễn ra tương tự. Theo các thành viên của ban quản lý, các vật dụng truyền thống trưng bày trong nhà văn hóa dân tộc đã xuống cấp. Hệ thống tường rào, tường nhà đã bong tróc sơn, thấm dột phần mái. Những thiết bị lắp đặt cho trẻ em vui chơi hiện không còn sử dụng được. Nhà văn hóa chỉ tổ chức hoạt động vào các dịp lễ, tết, giao lưu văn nghệ hay tặng quà cho các em thiếu nhi và đồng bào khó khăn.
Đồng bào Chơro ở TP.Long Khánh tổ chức lễ hội Sayangva hằng năm |
Không riêng ở H.Long Thành, tại H.Tân Phú, Nhà văn hóa các dân tộc xã Tà Lài được đầu tư khang trang từ hệ thống trang thiết bị đến phòng đọc sách, phòng trưng bày các hiện vật… nhưng vẫn chưa phát huy hết công năng sử dụng. Nhà văn hóa vẫn thường xuyên đóng cửa, chỉ mở những lúc hội họp, rất ít có các hoạt động văn hóa, văn nghệ để có thể thu hút người dân tham gia. Trẻ em muốn vui chơi, giải trí thường phải tìm đến các khu đất trống gần nhà hoặc theo cha mẹ lên nương rẫy.
Chị Ka Ngọc Hương, người dân ấp 4, xã Tà Lài cho biết, do nhà văn hóa xây dựng đã lâu nên các trang thiết bị như: âm thanh, ánh sáng đa phần đã hư hỏng, không sử dụng được. Thư viện ở nhà văn hóa vắng bóng người đọc, các đầu sách phục vụ cho bà con phần lớn đã cũ. Hình ảnh, hiện vật trưng bày bên trong còn ít và chưa đầy đủ. Du khách khi đến Tà Lài, muốn tham quan, tìm hiểu, nhà văn hóa cũng rất khó bởi rất ít khi mở cửa hoạt động.
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành Lê Khắc Toàn cho biết, hiện tại các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang bản sắc dân tộc, các tập quán sinh hoạt truyền thống của đồng bào hầu như đã bị mai một. Chỉ còn một số rất ít các hoạt động còn duy trì như: lễ hội, một vài điệu múa dân tộc. Ngoài đồng bào người Chăm ở xã Bình Sơn vẫn còn sinh hoạt theo truyền thống thì đồng bào các dân tộc khác hầu như sinh hoạt theo lối sống của người Kinh.
* Để phát huy hiệu quả…
Theo báo cáo của Sở VH-TTDL, từ năm 2017-2020, ngành Văn hóa thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cho già làng, trưởng ấp, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong đó tập trung vào các nội dung: vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào các dân tộc còn gặp một số khó khăn.
Cụ thể như: nguồn kinh phí đầu tư phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ. Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa dân tộc còn rất hạn chế. Do đó, ngành VH-TTDL đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các thiết chế cơ sở, giúp đồng bào hiểu hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình.
Phó trưởng phòng Quản lý VH-TTDL (Sở VH-TTDL) Trần Trọng Tá cho biết, để phát huy hiệu quả các nhà văn hóa dân tộc rất cần sự chung tay của các cấp quản lý và các tổ chức nhằm phát huy tối đa công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đối với mỗi vùng dân tộc sẽ có một đặc trưng văn hóa riêng, do vậy người làm công tác văn hóa vận dụng linh hoạt để tổ chức các hoạt động.
“Mỗi nhà văn hóa dân tộc cần xây dựng các chương trình phù hợp với đặc điểm đồng bào, các nhóm đối tượng và lứa tuổi. Tất nhiên là phải ưu tiên nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào và hướng đến tạo ra kinh phí để phục vụ cho việc tổ chức và duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tạo sự sinh động cho không gian nhà văn hóa, vừa tạo nguồn quỹ để duy trì hoạt động” - ông Tá nói.
Việc phát huy hiệu quả sử dụng nhà văn hóa dân tộc cần tính đến việc xác định vai trò của nguồn nhân lực, bởi nếu cán bộ, người phụ trách văn hóa dân tộc không có chuyên môn, nghiệp vụ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động. Do vậy, họ cần được tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức thường xuyên để chủ động, sáng tạo trong tổ chức hoạt động. Có như vậy mới góp phần đưa nhà văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia.
Ly Na - Võ Tuyên
Ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc TP.Long Khánh:
Phát huy vai trò của người uy tín
Người uy tín đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, để công tác tuyên truyền, vận động đến được với đồng bào dân tộc thiểu số, để đồng bào hiểu rõ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thì nhất thiết các cấp chính quyền phải gắn kết chặt chẽ với người có uy tín. Đồng thời nêu cao vai trò, vị trí của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong các vấn đề của đời sống xã hội.
Để từ đó, thông qua công tác đối thoại, gặp gỡ, thăm hỏi động viên người có uy tín, những người làm công tác dân tộc sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Khi đã nắm được những gì đồng bào cần hỗ trợ, cơ quan liên quan sẽ kịp thời kiến nghị với các cấp chính quyền xem xét, giải quyết giúp đỡ bà con, nhất là trong vấn đề bảo tồn, tổ chức hoạt động văn hóa dân tộc ở cơ sở.
Ông Lìu Chỉ Khìn, Hiệu trưởng Trung tâm Hoa văn - tin học Thanh Bình, xã Thanh Bình (H.Trảng Bom):
Chủ động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của chính mình
Thời gian qua, Nhà nước đã tạo điều kiện rất thuận lợi để đồng bào dân tộc Hoa tại địa phương tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy, giới thiệu truyền thống văn hóa dân tộc. Còn lại việc chủ động tổ chức hoạt động văn hóa ở các cơ sở văn hóa dân tộc nằm ở chính đồng bào.
Thực tế thời gian qua người dân đã cùng tổ chức lễ hội truyền thống, mở lớp múa lân - sư - rồng, lớp múa truyền thống. Thêm vào đó, việc bảo tồn, tổ chức hoạt động văn hóa ở cơ sở văn hóa dân tộc không chỉ nằm ở chỗ chỉ thực hiện khi có lễ hội mà quan trọng là quá trình sinh hoạt, học tập, rèn luyện ra sao. Nếu các hoạt động này diễn ra thường xuyên, liên tục thì các cơ sở văn hóa dân tộc sẽ luôn sôi động, nhộn nhịp. Từ đó không chỉ thu hút được đồng bào dân tộc mình mà còn thu hút bà con các dân tộc khác cũng tìm đến sinh hoạt.
Khi đồng bào đã xem nhà văn hóa là nơi mà văn hóa truyền thống của dân tộc mình được bảo tồn, phát huy, quảng bá thì sẽ có những đóng góp về vật chất, tinh thần cho cơ sở văn hóa đó ngày một phát triển.
Ông Điểu Liệt, ấp Đức Thắng 1, xã Túc Trưng (H.Định Quán):
Mở thêm các lớp dạy nghề truyền thống
Đời sống vật chất và tinh thần của người Chơro được tỉnh, huyện, xã quan tâm, hỗ trợ thường xuyên, liên tục. Hằng năm, Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Túc Trưng đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho đồng bào vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm… thu hút đông đảo bà con đến tham gia. Hầu hết các lễ hội đều được cơ quan chức năng hỗ trợ, định hướng để cộng đồng tự tổ chức. Điều này đã phần nào giúp bà con phấn khởi, ý thức hơn trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc.
Chúng tôi mong rằng, thời gian tới tại nhà văn hóa sẽ mở thêm các lớp dạy nghề truyền thống, hướng dẫn con em đồng bào học cồng chiêng. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người trẻ tham gia học nghề. Với một số nghề truyền thống, bà con cũng mong tìm được đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, góp phần đa dạng hóa bản sắc văn hóa, tạo sức hút để phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Quang Nhật - Sông Thao (ghi)