Hiện tại, các huyện và 2 thành phố của tỉnh đang gấp rút thực hiện quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cho giai đoạn 2021-2030 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10-2020 để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hiện tại, các huyện và 2 thành phố của tỉnh đang gấp rút thực hiện quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cho giai đoạn 2021-2030 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10-2020 để trình UBND tỉnh phê duyệt. Nếu chậm trễ, đầu năm 2021 mà vẫn chưa có quy hoạch SDĐ, các dự án trên địa bàn tỉnh sẽ phải tạm dừng.
TP.Long Khánh trong giai đoạn tới là nơi có nhiều thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất. Trong ảnh: Khu trung tâm TP.Long Khánh. Ảnh: H.GIANG |
[links()]Trên địa bàn tỉnh hiện nay đang triển khai rất nhiều dự án thuộc 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới (2021-2025), tỉnh sẽ triển khai nhiều dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, quy hoạch SDĐ cấp huyện sẽ là tiền đề để thực hiện các quy hoạch khác.
* Hàng ngàn dự án phụ thuộc vào quy hoạch SDĐ
Hiện nay, UBND tỉnh đã quy hoạch 1.866 dự án trên nhiều lĩnh vực và đang tiến hành thực hiện. Trong quá trình triển khai thực tế các dự án, thường xuyên phát sinh các vấn đề, chẳng hạn trở ngại phổ biến nhất là quy hoạch xây dựng không phù hợp quy hoạch SDĐ nên buộc phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Đồng Nai đã thống nhất trong thời gian tới tất cả các quy hoạch khác đều phải căn cứ vào quy hoạch SDĐ để làm. Do đó, khi quy hoạch SDĐ chưa được phê duyệt thì các dự án không thể tiếp tục. Đồng thời, các dự án sắp triển khai cũng phải có quy hoạch SDĐ mới tiến hành được những bước tiếp theo.
Theo Luật Quy hoạch mới ban hành, lĩnh vực đất đai chỉ còn giữ lại quy hoạch SDĐ cấp huyện, về phía tỉnh sẽ dựa trên quy hoạch SDĐ cấp huyện để lập kế hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch SDĐ của tỉnh sẽ được cập nhật vào quy hoạch chung của tỉnh. |
Các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh đã thuê đơn vị tư vấn, gấp rút làm quy hoạch SDĐ cho giai đoạn tới và thời gian bắt buộc phải hoàn thành trong giữa quý IV-2020 để còn kịp trình UBND tỉnh phê duyệt.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Đến cuối năm 2020, nếu quy hoạch SDĐ của các địa phương chưa hoàn thành để trình UBND tỉnh phê duyệt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vì không có quy hoạch SDĐ rất nhiều dự án trên các lĩnh vực đều phải ngưng lại để đợi”. Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, khi quy hoạch SDĐ chậm trễ, sẽ kéo theo việc tỉnh không có cơ sở để giao kế hoạch SDĐ năm 2021 cho các dự án. Do đó, Sở Tài nguyên - môi trường đã yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện nhanh chóng việc quy hoạch SDĐ.
Năm 2019, UBND tỉnh đã tiến hành kiểm kê đất đai trên địa bàn Đồng Nai và từ kết quả trên các địa phương sẽ biết rõ hiện trạng đất đai và việc triển khai các dự án trong những năm qua. Trên cơ sở đó, các địa phương xác định lại xem việc phân bổ đất đai trên các lĩnh vực trong thời gian qua đã phù hợp hay chưa, còn những vướng mắc gì để điều chỉnh quy hoạch SDĐ trong giai đoạn 10 năm tới, nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, những dự án quy hoạch nhiều năm chưa triển khai và không còn thích hợp nữa có thể bị hủy bỏ hoặc thay đổi. Đồng thời, các huyện, thành phố sẽ bổ sung thêm đất đai cho những lĩnh vực giai đoạn tới sẽ phát triển mạnh như: chuyển đất nông nghiệp sang các loại đất khác cần thiết hơn như: đất thương mại dịch vụ, đất hạ tầng kỹ thuật, đất công nghiệp, cụm công nghiệp, đất du lịch...
* Quy hoạch cấp xã có vai trò quan trọng
Quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030 đang dựa trên nền tảng quy hoạch các xã nông thôn mới và quy hoạch xây dựng các phường (đã được UBND tỉnh phê duyệt) để bổ sung, điều chỉnh cho đồng nhất. Ngoài ra, căn cứ vào quy hoạch SDĐ giai đoạn 2016-2020 kết hợp với dự báo phát triển kinh tế - xã hội trong những năm sau này để xây dựng quy hoạch SDĐ mới cho đồng bộ, nhằm giảm thiểu những vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, Đồng Nai có diện tích đất là 589.775ha, chiếm gần 1,8% diện tích cả nước và 19,4% diện tích Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo quy hoạch SDĐ được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ chuyển đổi 34.420ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. |
Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho hay: “Quy hoạch SDĐ ở H.Trảng Bom cho 10 năm tới sẽ có rất nhiều thay đổi, phải điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Huyện sẽ căn cứ vào quy hoạch các xã nông thôn mới và cập nhật thêm những dự án công trình sẽ triển khai trong giai đoạn tới để quy hoạch phân bổ các loại đất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông... cho phù hợp”.
Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều thuê đơn vị tư vấn để thực hiện quy hoạch SDĐ. Dự kiến trong giai đoạn tới, các địa phương đều tăng quy hoạch đất cho sản xuất công nghiệp, giao thông, thương mại dịch vụ, du lịch và giảm đất nông nghiệp. Quy hoạch này được cho là đúng với xu hướng phát triển của tỉnh trong những năm sau, cụ thể là định hướng tiếp tục nâng tỷ lệ công nghiệp, thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chung.
TP.Biên Hòa là nơi quy hoạch nhiều dự án nên rất cần quy hoạch sử dụng đất có tầm nhìn xa. Ảnh: Hương Giang |
Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Văn Nghị nhận định: “Trong giai đoạn tới, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ được xây dựng. Theo đó, thời gian từ TP.Hồ Chí Minh về H.Tân Phú rút ngắn chỉ còn hơn 1 giờ, việc này rất thuận lợi cho huyện trong phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái. Vì vậy, trong quy hoạch SDĐ giai đoạn tới, huyện tính toán tăng diện tích đất du lịch, thương mại dịch vụ, đất ở để đón đầu các dự án. Bên cạnh đó, huyện căn cứ vào quy hoạch xã nông thôn mới, quy hoạch vùng để thực hiện cho đồng bộ”.
* Chuyển đổi là để tăng hiệu quả SDĐ
Các doanh nghiệp đã, đang, sắp triển khai các dự án tại các địa phương đều kỳ vọng quy hoạch SDĐ sẽ thực hiện đúng theo lộ trình tỉnh đề ra và theo kịp tốc độ phát triển của địa phương để không phải chờ đợi hoặc điều chỉnh quy hoạch. Phía người dân cũng mong quy hoạch SDĐ lần này sẽ cho chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả sang đất trồng cây hằng năm, lâu năm, đất thương mại dịch vụ, đất ở...
Bà Nguyễn Thị Hà ở xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha đất trồng lúa 2 vụ/năm, năng suất rất thấp nên muốn chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm để trồng bưởi, lợi nhuận cao gấp 20 lần trồng lúa. Thế nhưng, tôi xin chuyển đổi mấy năm nay đều không được vì đất đã được quy hoạch trồng lúa. Vì thế tôi mong lần này quy hoạch SDĐ cấp huyện sẽ điều chỉnh đất của tôi thành đất trồng cây lâu năm”. Hy vọng của bà Hà cũng là mong đợi của nhiều người dân tại các huyện, thành phố.
Đơn cử như tại các phường Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Phước Tân... (TP.Biên Hòa), trong quy hoạch SDĐ vẫn còn cả trăm ha đất lúa, song thực tế gần như chẳng còn ai sản xuất lúa. Khi người dân muốn chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh để xây dựng nhà xưởng, phát triển kinh tế lại vướng quy hoạch SDĐ nên đành bỏ không. Việc này dẫn đến tình trạng không khai thác hết các tiềm năng, hiệu quả của đất. Như vậy, người dân, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập, còn nhà nước mất một khoản thu lớn cho ngân sách khi chuyển mục đích SDĐ và một số các loại thuế khác.
Ông Trần Văn Minh, người dân xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Gia đình tôi có miếng đất rất thuận lợi để mở đại lý kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, nhưng khi đi xin chuyển mục đích SDĐ từ nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ để được cấp phép xây dựng lại không được vì quy hoạch SDĐ chưa phù hợp. Tôi đang đợi tới đây điều chỉnh quy hoạch SDĐ, huyện điều chỉnh thành đất thương mại dịch vụ để tôi có thể thực hiện được dự án”. Dù khu đất của ông Minh sắp tới được điều chỉnh quy hoạch SDĐ thì ông đã mất hơn 2 năm chờ đợi.
Qua tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều các cá nhân, gia đình, cơ sở, doanh nghiệp gặp khó khăn vì quy hoạch SDĐ giai đoạn 2016-2020 không phù hợp với yêu cầu phát triển. Hằng năm trong kế hoạch sử dụng đất do UBND tỉnh ban hành có được điều chỉnh, nhưng chỉ là những điều chỉnh nhỏ hoặc điều chỉnh đã nằm trong quy hoạch được tỉnh, Chính phủ phê duyệt. Các điều chỉnh lớn về quy hoạch đất đai phải đợi từng giai đoạn dài mới có thể xin điều chỉnh.
Trong các cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về đất đai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu: “Các địa phương cần rà soát thật kỹ càng và cập nhật đầy đủ trong quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030. Nếu làm tốt công tác quy hoạch lần này, quá trình triển khai các dự án, công trình rất thuận lợi, không mất nhiều thời gian chờ đợi điều chỉnh quy hoạch”. Quy hoạch SDĐ nếu làm tốt sẽ giúp cho tỉnh, địa phương, doanh nghiệp, người dân rút ngắn thời gian thi công các công trình, dự án. Các công trình, dự án khi hoàn thành đi vào khai thác góp phần lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả cấp tỉnh, cấp vùng.
Hương Giang