Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ người lao động vượt qua đại dịch Covid-19

03:04, 17/04/2020

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và việc làm, đời sống của người lao động (NLĐ) cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và việc làm, đời sống của người lao động (NLĐ) cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng (trái) thăm và tặng quà cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng (trái) thăm và tặng quà cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập

[links()]Trước những khó khăn của DN và NLĐ, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực nhằm thực hiện trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho NLĐ.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ hơn 62 ngàn tỷ đồng, với khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng được thụ hưởng, trong đó có nhóm đối tượng là NLĐ theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, NLĐ tự do, không có giao kết hợp đồng. Với những NLĐ nghỉ không lương và người bị tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên sẽ được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng trong 3 tháng.

Theo báo cáo từ các cấp Công đoàn tỉnh, đến ngày 9-4, trên địa bàn tỉnh có 106 DN bị ảnh hưởng đến đời sống việc làm của NLĐ với 123.069 lao động. Để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, các cấp Công đoàn đã chủ động làm việc với các DN nhằm kịp thời hỗ trợ lương và chi trả các chính sách theo pháp luật quy định đối với NLĐ.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2020 được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%. Thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc.

Ngoài ra, cho phép NLĐ được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1-4-2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Thực hiện nghị quyết này, hiện tại, Bộ LĐ-TBXH cùng các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đang khẩn trương thực hiện các bước triển khai, trong đó chú trọng thực hiện nhanh, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để gói hỗ trợ sớm đến tay người thụ hưởng nói chung cũng như những NLĐ khó khăn vì đại dịch nói riêng.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Công đoàn Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành để thiết kế các biểu mẫu thông tin nhằm xác định đúng những NLĐ thực sự khó khăn. Quá trình triển khai sẽ tích cực tham gia vào việc giám sát đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, không bỏ sót và tránh được tình trạng trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang nghiên cứu để có một gói hỗ trợ từ kinh phí, tài chính của Công đoàn nhằm chung tay cùng với Chính phủ hỗ trợ những NLĐ thực sự khó khăn.

Chủ nhà trọ Nguyễn Thị Minh, ngụ tại P.An Bình, TP.Biên Hòa tặng quà cho công nhân
Chủ nhà trọ Nguyễn Thị Minh, ngụ tại P.An Bình, TP.Biên Hòa tặng quà cho công nhân

Theo Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh có 59.762 NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp... Nhóm đối tượng này sẽ được nhận 1,8 triệu đồng/tháng trong 3 tháng 4, 5 và 6-2020.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Huỳnh Văn Tịnh cho hay, hiện Sở đã lên danh sách chi tiết và hiện đang chờ Bộ LĐ-TBXH xây dựng quy trình, thủ tục, mẫu đăng ký, kê khai dành cho người được hỗ trợ và nỗ lực đưa tiền hỗ trợ đến với người được thụ hưởng nỗ lực sớm nhất có thể. Dự trù kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo gói an sinh xã hội tại Đồng Nai là hơn 463 tỷ đồng.

Công đoàn đồng hành với NLĐ

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, ngay sau khi có hướng dẫn cụ thể, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với Sở LĐ-TBXH để triển khai gói hỗ trợ đối với những NLĐ thuộc diện được hỗ trợ. Qua đó, kịp thời đảm bảo đời sống, giúp NLĐ an tâm, chung sức, đồng lòng với toàn xã hội vượt qua đại dịch.

Theo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ, đối với DN được vay ưu đãi để trả lương cho NLĐ cũng có những ràng buộc nhất định. Theo đó, DN chỉ được vay khi DN này đã trả 50% mức lương, khi đó mới được vay vốn ưu đãi. Thứ hai, việc trả lương này không phải trả qua DN mà trả thẳng cho NLĐ. DN chỉ có trách nhiệm lập danh sách và cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra toàn bộ danh sách trả lương chuyển thẳng cho NLĐ. Do đó, DN khó có thể trục lợi được.

Cũng theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, phát huy vai trò của mình, các cấp Công đoàn tỉnh phối hợp các ngành chức năng bám sát tình hình hoạt động của các DN và lao động bị ngừng việc, ảnh hưởng việc làm do dịch bệnh. LĐLĐ tỉnh cũng yêu cầu Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính Công đoàn và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn thuộc các DN sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương, mất việc làm do DN thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, DN di dời đi nơi khác do Covid-19. Vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã đến thăm, tặng quà cho các đoàn viên Công đoàn trên địa bàn toàn tỉnh nhằm kịp thời hỗ trợ, sẻ chia với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, giảm thu nhập.

Theo Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết, đối với các DN ngừng hoạt động do ảnh hưởng từ dịch bệnh, các cấp Công đoàn KCN đã tích cực, chủ động tham gia với chủ DN xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định. Động viên những DN đang hoạt động ổn định tiếp tục nỗ lực đảm bảo thu nhập và các chính sách theo pháp luật quy định.

Qua nắm bắt tình hình từ cơ sở cho thấy, hiện nay, trên địa bàn có nhiều DN đã cho NLĐ tạm thời nghỉ việc. Song dưới sự tác động của Công đoàn và nỗ lực của mình, DN đã nỗ lực chi trả chế độ cho NLĐ bằng nhiều cách, trong đó có DN chi trả từ 50-90%… lương cơ bản cho NLĐ; có DN chi trả bằng mức lương tối thiểu vùng. Một số DN khó khăn đã thương lượng với NLĐ nghỉ không hưởng lương và nhận được sự chia sẻ của NLĐ.

Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó giám đốc sản xuất Công ty CP Công nghiệp Chính xác Vpic (H.Trảng Bom) cho biết, do ảnh hưởng đến 75% tình hình hoạt động kinh doanh, hàng không xuất được sang các nước châu Âu nên công ty phải cho công nhân tạm ngừng việc 2 tuần, từ ngày 15 đến 30-4. “Khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt ngày càng lớn, song trước những cống hiến, tâm sức của NLĐ vì sự phát triển của DN trong suốt thời gian qua, chúng tôi xác định sẽ phải nỗ lực đảm bảo các chính sách đầy đủ, quan tâm, chăm lo cho NLĐ dù trong hoàn cảnh nào” - ông Sinh cho hay.

DN nỗ lực, chủ nhà trọ chung tay

Mới đây, Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, H.Long Thành) hỗ trợ cho toàn bộ 1,5 ngàn  NLĐ của công ty, với mức 11 triệu đồng/người để chống dịch Covid-19. Đặc biệt, công nhân thử việc, nghỉ thai sản, nghỉ bệnh cũng được hưởng gói hỗ trợ này.

Ông Mai Trần Thanh Quang, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty cho biết, đây là khoản trợ cấp thêm ngoài lương, không cắt giảm phụ cấp và được trả một đợt cùng tiền lương tháng 4-2020. “Dịch bệnh đang khiến NLĐ lo lắng về việc làm, thu nhập, sức khỏe. Thông qua chính sách mới này, điều mà công ty và Công đoàn muốn bày tỏ với NLĐ của công ty là hãy cứ an tâm làm việc và chấp hành nghiêm các quy định về công tác phòng dịch. Công ty và Công đoàn sẽ luôn quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ và đồng hành với NLĐ, cùng NLĐ vượt qua đại dịch” - ông Quang cho hay.

Cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp Công đoàn và DN, các chủ nhà trọ nơi công nhân lao động tạm trú cũng tích cực sẻ chia, hỗ trợ NLĐ trước những khó khăn vì đại dịch.

Bà Nguyễn Kim Sương, chủ một khu nhà trọ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) mới đây đã giảm 100% giá tiền thuê trọ cho những lao động phải tạm nghỉ việc và 50% tiền thuê trọ cho những lao động giảm giờ làm. Công nhân Nguyễn Thị Hiền ở trọ tại đây xúc động cho biết: “Phải nghỉ việc ở nhà, thu nhập giảm nên đời sống của chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi rất vui khi chủ nhà trọ thông báo giảm tiền thuê trọ. Những hỗ trợ lúc này đối với  NLĐ chúng tôi quý giá vô cùng”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh, một chủ nhà trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) vừa tặng 50 phần quà cho công nhân khó khăn, mỗi phần 200 ngàn đồng. Theo bà Minh, phòng trọ của bà có nhiều công nhân tập trung từ các tỉnh về ở trọ, may mắn là thời điểm này chưa có công nhân nào phải nghỉ việc do dịch bệnh, nhưng họ đã ít nhiều bị giảm hoặc giãn ngày làm việc, vì vậy thu nhập cũng giảm xuống. Thương và chia sẻ khó khăn với NLĐ, bà đã hỗ trợ mỗi người một phần quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu. “Tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm nhằm chia sẻ một phần khó khăn với NLĐ” - bà Minh cho hay.

Nguyễn Hòa - Hồ Thảo


Ông Lê Văn Vang, Chủ tịch LĐLĐ H.Nhơn Trạch:

Bám sát tình hình các DN

Hiện nhiều lao động bị mất việc làm đang trông chờ vào gói hỗ trợ của Chính phủ. Vì thế, tôi mong rằng gói hỗ trợ được triển khai nhanh, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để sớm đến tay người thụ hưởng nói chung cũng như những NLĐ gặp khó khăn vì đại dịch.

Thời gian qua, các cấp Công đoàn huyện đã bám sát tình hình sản xuất của các DN và việc làm, đời sống NLĐ. Cùng với đó, vận động các DN gặp khó khăn trong sản xuất phải ngừng việc xem xét hỗ trợ NLĐ từ 50% đến 1 tháng lương cơ bản; động viên NLĐ nỗ lực cùng DN vượt khó trong giai đoạn khó khăn này. Tới đây, khi gói hỗ trợ được triển khai, hy vọng đời sống NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập sẽ cải thiện hơn.

Giám đốc Công ty CP Đồng Phú Cường (H.Định Quán) Ngô Ngọc Thuận:

Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khó khăn được tiếp cận chính sách

Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng DN nói chung. Nhiều DN đang phải giảm công suất, giới hạn hoạt động kinh doanh, giảm lao động, thậm chí là ngưng hoạt động. Tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty CP Đồng Phú Cường đã và đang chịu những tác động và khó khăn nhất định. Chúng tôi cũng đang rất nỗ lực vượt khó để ổn định qua đại dịch, nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ trong điều kiện hiện tại của mình.

Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, tỉnh là rất cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn, ổn định và phát triển của DN. Mong rằng, các chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai, thực thi sớm và có những hướng dẫn cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục để DN có thể thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các chính sách.

Chị Hồ Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH Nam Yang International Việt Nam (TP.Biên Hòa):

Thêm an tâm, thêm hy vọng

Công ty đã trao đổi rất rõ cho NLĐ chúng tôi về tình hình khó khăn hiện tại của DN. Chúng tôi hoàn toàn thấy rõ khó khăn ấy và thông hiểu, sẻ chia. Vừa qua, công ty đã phải đưa ra quyết định cho NLĐ tạm nghỉ làm từ ngày 13-4 đến 3-5 để tìm phương án ứng phó tiếp. Khó khăn là vậy, song công ty vẫn thực hiện trả lương cho NLĐ bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Tuy không bằng bình thường nhưng trong lúc rất khó khăn, DN hỗ trợ như vậy là đã thể hiện được sự quan tâm, sẻ chia với NLĐ.

Đặc biệt, bên cạnh sự hỗ trợ này của DN còn có gói hỗ trợ an sinh xã hội trong đại dịch của Chính phủ đã được công bố rộng rãi cũng như các giải pháp khác từ Trung ương và tỉnh. Sự quan tâm và các chính sách ấy đã giúp chúng tôi thêm an tâm, thêm hy vọng và niềm tin để vượt qua giai đoạn đại dịch này.

Công nhân Phan Thị Út, làm việc tại một DN ở Khu Công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa):

Thủ tục hỗ trợ cần đơn giản, nhanh chóng

Út.jpg

Trong tình hình nhiều công nhân bị ảnh hưởng đến công việc và thu nhập như hiện nay, việc Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 rất thiết thực. Tôi và nhiều công nhân xa quê rất phấn khởi khi biết đến gói hỗ trợ này.

Hiện nhiều công nhân mất việc làm đang trông chờ vào gói hỗ trợ này. Vì vậy, tôi mong gói hỗ trợ nhanh đến được với NLĐ bằng các  thủ tục nhanh, gọn để gói hỗ trợ này kịp thời chia sẻ một phần khó khăn với NLĐ.

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ nhà trọ (ngụ ấp 3, xã Tam An, H.Long Thành):

Mong công nhân được hỗ trợ kịp thời

Phòng trọ tôi có khoảng 70 công nhân đang ở trọ, trong đó có 50% đang nghỉ việc do DN thiếu nguyên liệu sản xuất. Trong tháng 4 và tháng 5 này, tôi đã giảm giá 50% tiền thuê trọ cho công nhân. Hiện, nhiều lao động đang tìm việc làm thêm để ổn định cuộc sống.

Tôi mong khi có gói hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, công nhân sẽ giảm bớt gánh nặng về kinh tế, yên tâm hơn với cuộc sống xa quê. Đây là gói hỗ trợ rất thiết thực, góp phần giúp NLĐ vượt qua khó khăn trong thời điểm này.

Thảo Lâm - Lan Mai (ghi)


 

Tin xem nhiều