Trong khi đại dịch Covid-19 làm chao đảo cả thế giới, một tin vui đến với Việt Nam là ngày 30-3, Hội đồng châu Âu đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Trong khi đại dịch Covid-19 làm chao đảo cả thế giới, một tin vui đến với Việt Nam là ngày 30-3 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Doanh nghiệp châu Âu tham quan tại Triển lãm và hội nghị quốc tế lần thứ 4 về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam năm 2020. Ảnh: Đ.Lê |
Về phía Việt Nam, vừa phải đối phó với đại dịch, các cơ quan chức năng cũng đang hoàn tất các công đoạn cuối cùng để trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định vào Kỳ họp thứ 9 tới, tạo ra kỳ vọng phục hồi đà xuất khẩu sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh.
* Kỳ vọng khôi phục đà xuất khẩu
Theo Bộ Công thương, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế khi nước ta có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tìm giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu khi dịch bệnh qua đi là rất quan trọng. Trong bối cảnh đó, việc Hội đồng châu Âu phê chuẩn hiệp định EVFTA được kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2020. Các DN cũng mong muốn EVFTA sớm được thực thi.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu sẽ tăng kim ngạch Dự kiến sự gia tăng xuất khẩu của một số ngành sang EU như sau: nhóm hàng nông sản: gạo tăng thêm 65% vào năm 2025, đường 8%, thịt heo 4%, lâm sản 3%, thịt gia súc, gia cầm 4%, đồ uống và thuốc lá 5%; nhóm ngành chế biến chế tạo: dệt tăng 67%, may mặc 81%, da giày 99%; nhóm ngành dịch vụ: vận tải thủy tăng 100%, hàng không 141%, tài chính và bảo hiểm 21%, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác 80%. |
Trên thực tế, thống kê của Tổng cục Hải quan, mặc dù xuất khẩu Việt Nam trong quý I-2020 vẫn đạt khá, tuy nhiên lại bị tăng trưởng âm các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt kim ngạch 10,65 tỷ USD, giảm 6,1% (riêng EU đạt 9,68 tỷ USD, giảm 5,1%).
Đối với Đồng Nai, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,6 tỷ USD, toàn quý I gần 4,58 tỷ USD, chỉ tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất thấp so với nhiều năm trở lại đây. Trong đó có nguyên do từ tác động của dịch Covid-19. Là thị trường lớn, do những biện pháp phong tỏa xã hội, nhu cầu nhập hàng từ EU hầu như ngưng đọng nên rất nhiều DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu qua thị trường này bị ảnh hưởng.
Đồng Nai có 67 dự án có vốn đầu tư từ EU với 2,4 tỷ USD, chiếm 4,75% số vốn và 8,28% số dự án trong cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh nên giao thương kinh tế tương đối lớn.
Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang châu Âu nói riêng song theo đánh giá của các chuyên gia, sau đại dịch nhu cầu sẽ tăng vọt. Đó là lợi thế của Việt Nam khi dự kiến vào tháng 7 tới, EVFTA có hiệu lực đối với cả hai bên.
Khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, xuất khẩu may mặc được kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh chóng nhờ xuất khẩu sang châu Âu. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Long Khánh |
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, đó sẽ là “cú hích” rất tốt cho DN đẩy mạnh xuất khẩu trở lại. Tuy nhiên, DN cần theo dõi sát tình hình để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp; đồng thời xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối DN trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra.
* Hai thị trường bổ sung cho nhau
EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Thế mạnh của Việt Nam là dệt may, trái cây nhiệt đới; còn thế mạnh của EU là máy móc thiết bị, dược phẩm… Cơ cấu kinh tế giữa EU và Việt Nam bổ sung, hỗ trợ cho nhau. EVFTA sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho nông - lâm - thủy sản Việt Nam, do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Ở nhóm hàng công nghiệp thì dệt may, giày dép cũng được hưởng lợi nhiều nhất vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao, sẽ đưa về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ, hàng dệt may đang phải chịu thuế 7-17%, khi thuế về 0% thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028.
Một lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho rằng thị trường EU có nhu cầu rất lớn về các loại trái cây tươi nhiệt đới và qua chế biến. Đây là cơ hội tốt cho nông sản Việt nếu khắc phục được các điểm yếu là chưa xây dựng được chuỗi sản xuất sạch. DN Hà Lan mong muốn đến đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong xây dựng chuỗi nông sản an toàn, vì tiềm năng phát triển nông nghiệp tại đây còn lớn.
Như vậy, ngoài thị trường xuất nhập khẩu thì môi trường đầu tư cũng là yếu tố quan trọng. Qua EVFTA, chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như: dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến...
Riêng với Đồng Nai, khi sân bay Long Thành được xây dựng sẽ như một “thỏi nam châm” thu hút đầu tư. Thời gian qua, nhiều tập đoàn, DN lớn của châu Âu đã đến Đồng Nai tìm hiểu cơ hội hợp tác. Đồng Nai trở thành nơi đón nhiều “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ. Hạ tầng giao thông hoàn thiện, vừa gần TP.HCM, lại vừa có hàng chục khu công nghiệp, hàng ngàn nhà máy tạo điều kiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ châu Âu.
* Khẩn trương các công đoạn cuối cùng để EVFTA có hiệu lực
Với việc Hội đồng châu Âu phê duyệt Hiệp định EVFTA vào ngày 30-3, thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU cũng đã được phía bạn hoàn thành.
Phần còn lại, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo cho nhau thì chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam. Dự kiến, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Hiệp định EVFTA sẽ được phê chuẩn.
Theo Bộ Công thương, để chuẩn bị cho công tác trên, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ liên quan. Trên cơ sở đề xuất của Bộ, ngày 6-4, Chính phủ đã trình hồ sơ này lên Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội.
Dự kiến, ngày 28-4 tới, trong Phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào kỳ họp giữa năm.
Cùng với chuẩn bị cho Quốc hội phê chuẩn hiệp định, theo kiến nghị của Bộ Công thương, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động rà soát để triển khai ngay việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định EVFTA. Bộ Công thương cũng ban hành kế hoạch chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các nhóm nhiệm vụ bao gồm: xây dựng pháp luật, thể chế; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về hiệp định; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực. Điều phối và tham gia các hoạt động của Ủy ban Thương mại của EVFTA, các ủy ban chuyên môn của EVFTA và các hoạt động liên quan; xây dựng và thực thi chính sách đối với tổ chức Công đoàn và các tổ chức của người lao động tại DN...
DN Đức tin tưởng môi trường đầu tư tại Việt Nam Theo khảo sát đánh giá niềm tin DN Đức toàn cầu hằng năm do Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) vừa công bố, có tới 72% DN Đức tại Việt Nam vẫn tiếp tục kế hoạch đầu tư và 27% trong số đó sẽ tuyển thêm nhân sự. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN song tình hình tại Việt Nam vẫn tốt hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Có tới 45% DN Đức cho rằng hoạt động của họ sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay, 23% có dấu hiệu phát triển tốt và 32% giảm sút kinh doanh; trong khi đó tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Nam Á là 33%, 17% và 50%. |
Đào Lê