Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp làm gì để tận dụng EVFTA sau dịch bệnh?

11:04, 22/04/2020

Để có thể đón nhận thời cơ, tận dụng tốt những lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cần phải chủ động nắm bắt thông tin từ hiệp định.

Để có thể đón nhận thời cơ, tận dụng tốt những lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cần phải chủ động nắm bắt thông tin từ hiệp định. Bên cạnh đó, DN cũng phải luôn đổi mới, thay đổi tư duy kinh doanh, thích ứng với các thông lệ quốc tế để nâng tầm DN.

Thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là con đường duy nhất để doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s) Đồng Nai.Ảnh: V.Gia
Thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là con đường duy nhất để doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s) Đồng Nai.Ảnh: V.Gia

* Chủ động nắm bắt thông tin

Chia sẻ với DN, ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam có lợi thế hơn một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa cần có sự chuẩn bị thật tốt. Trong đó có vấn đề cập nhật thông tin.

“Tranh thủ các kênh thông tin của Chính phủ, VCCI, các tổ chức hội DN, các hội nghị, hội thảo để nắm thông tin. Khi các DN muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU mà thiếu thông tin, có thể trực tiếp liên hệ với VCCI tìm hiểu, cập nhật. Từ đó hiểu được nên làm gì và có hướng đi như thế nào để phù hợp với thị trường” - ông Nguyễn Đức Bình khuyến cáo.

Cùng quan điểm, ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho hay, Đồng Nai chưa có một trung tâm hay đơn vị nào chuyên hoạt động và tư vấn hỗ trợ về xuất, nhập khẩu. Khi các đối tác châu Âu đặt hàng, họ sẽ đi kiểm tra năng lực nhà máy, tình hình hoạt động của DN, mối quan hệ lao động… Đa số các thành viên trong Hội chủ yếu làm trung gian cho DN nước ngoài, xuất bán sản phẩm gia công. Sự chủ động của DN Việt vẫn chưa nhiều.

“Chúng tôi cần thêm vai trò của Nhà nước để phổ biến các chính sách liên quan xuất, nhập khẩu cho DN, nhất là các ngành như: công thương, kế hoạch - đầu tư. Thực tế thì vẫn còn rất ít DN trực tiếp liên hệ với Hội để tìm hiểu thông tin thị trường, chứng tỏ mức độ quan tâm của DN vẫn chưa nhiều. DN rất cần được hỗ trợ về vốn, mặt bằng, cơ sở hạ tầng để từng bước phát triển, nâng cao sức cạnh tranh” - ông Điềm kỳ vọng.

* Thay đổi tư duy sản xuất

Nói về xuất khẩu hàng hóa của DN, ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai nhận định đa số DN vẫn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu quy định về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. DN được phép nhập nguyên liệu từ các nước đã có EVFTA với châu Âu để xem như nguyên liệu nội địa. Nếu nhập từ các nước khác sẽ có nhiều rào cản thương mại, do đó DN phải tính toán kỹ lưỡng về nguồn gốc xuất xứ, giá cả nguyên liệu sao cho hợp lý.

Riêng đối với ngành gỗ, ngoài những yêu cầu kể trên còn đòi hỏi chứng nhận hợp pháp, nguyên liệu phải khai thác từ rừng trồng hoặc rừng được phép khai thác. Nếu DN có được các giấy chứng nhận hợp pháp thì khi bán hàng qua châu Âu sẽ là lợi thế rất lớn. Để đáp ứng quy tắc xuất xứ của hiệp định, các DN Việt Nam phải thay đổi về nguồn cung nguyên liệu, từ nước ngoài sang nội địa. Mua từ nội địa thì đắt hơn, nhưng điều đó lại giúp các DN có lợi thế khi xuất khẩu hàng sang EU.

Chính vì vậy, DN phải lưu ý nhiều vấn đề, đặc biệt là rào cản thương mại. Các DN châu Âu rất thành thạo về rào cản thương mại, kỹ thuật, chống bán phá giá, chống trợ cấp…, DN nếu muốn xuất hàng thương hiệu của mình phải có sở hữu trí tuệ. Khi đi chào hàng phải cân nhắc, trừ trường hợp là đối tác gia công cho nước ngoài còn sản phẩm của mình nếu không kiểm tra, sản phẩm có kiểu dáng trùng lặp thì khả năng bị kiện sẽ cao.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Chương, trong Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai có 30% hội viên là DN Việt, đây là những DN đã có hàng xuất khẩu trực tiếp. Song vẫn yếu thế hơn nhiều so với DN FDI. Hội sẽ hỗ trợ khi các DN cần về thông tin thị trường, thủ tục pháp lý.

“Vấn đề là DN phải chủ động tìm hiểu thị trường, hiểu được thế mạnh của mình. Cách làm việc, giao dịch của DN bây giờ không còn như trước đây nữa, yêu cầu thay đổi là tất yếu” - ông Chương nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội nếu DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Văn Gia

Tin xem nhiều