Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị cho kinh tế ''bật dậy'' sau dịch Covid-19

11:04, 10/04/2020

Bên cạnh việc phòng, chống kịp thời khống chế dịch Covid-19 thì các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đang chuẩn bị phương án sẵn sàng để dịch qua đi sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế.

Bên cạnh việc phòng, chống kịp thời khống chế dịch Covid-19 thì các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đang chuẩn bị phương án sẵn sàng để dịch qua đi sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế. Nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.

Ngành dệt may chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh
Ngành dệt may chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh

[links()]Bộ KH-ĐT đưa ra các giải pháp cấp bách cho việc phục hồi nền kinh tế Việt Nam khi dịch lắng xuống. Giải pháp quan trọng nhất kiểm soát dịch thành công với số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi, hạn chế tối đa số ca tử vong. Duy trì được các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

* Phục hồi kinh tế sau đại dịch

Theo nhận định của Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại cho nền kinh tế trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho những nước biết tận dụng, điều chỉnh và sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu. Vì thế, Việt Nam đã đưa ra các kịch bản, giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc. Có thể cuối tháng 5-2020, dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ được khống chế hoàn toàn nhưng các nước khác khả năng vẫn còn. Vì thế, Việt Nam phải kiểm soát được dịch bệnh thành công, ngăn chặn được nguy cơ lây lan và bùng phát trở lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công và phải giải ngân hết nguồn vốn 700 ngàn tỷ đồng trong năm nay. Có 3 dự án ưu tiên thực hiện nhanh là: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.   

“Bộ KH-ĐT được giao chủ trì xây dựng các kịch bản vực dậy nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp (DN) trước khi kết thúc dịch Covid-19. Vì thế, nền kinh tế nước ta sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới, đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Các DN chủ động nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững hơn cả trước khi dịch bùng phát” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định: “Nguồn vốn dự trữ của Việt Nam khoảng 84 tỷ USD, sau dịch có thể kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá giảm thiểu các tác động tiêu cực để kinh tế phục hồi nhanh. Tỷ giá sẽ được điều hành linh hoạt, tiếp tục giảm lãi suất, đảm bảo đủ nguồn vốn cho DN vay để phục hồi sản xuất sau dịch”. Hiện nay, lãi suất cho DN vay đã giảm 0,5-1%. Các ngân hàng đang cơ cấu lại các khoản nợ và cho vay mới khi DN có nhu cầu. Thời gian qua, biến động tỷ giá của VNĐ chỉ dao động ở mức 1,3-1,5%, khá ổn định so với nhiều nước trong khu vực. Dự tính, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm nay vẫn đạt 14-15% so với năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, ngoài giải pháp chung của Chính phủ, các tỉnh, thành cũng phải có những giải pháp cụ thể để sau dịch đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại dịch vụ. Các DN nên chú ý ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khởi nghiệp để bật dậy mạnh hơn khi chưa xảy ra dịch. Và DN cũng lưu ý thị trường nội địa 100 triệu dân.

* Giải pháp gỡ khó của Đồng Nai

Theo báo cáo đề xuất của các sở, ngành, địa phương thì tổng số kinh phí từ nguồn ngân sách dự kiến phải hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 582 tỷ đồng.

Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, nhiều DN trên các lĩnh vực tập trung ở Đồng Nai. Theo thống kê của Sở KH-ĐT, trên địa bàn tỉnh có hơn 36 ngàn DN được thành lập trong những năm qua. Xảy ra dịch Covid-19, các DN đã chủ động trong sản xuất và kinh doanh để giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, các DN vẫn rất cần sự nâng đỡ kịp thời từ Chính phủ, tỉnh để đối mặt và vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Đồng Nai đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo chính sách của Trung ương, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh”.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết thủ tục đầu tư cho DN để sớm khởi công các dự án và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Thực hiện tốt kế hoạch đào tạo lao động và giải quyết việc làm năm 2020. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khẩn trương rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều