Cùng cả nước, những năm qua, Đồng Nai tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển.
Cùng cả nước, những năm qua, Đồng Nai tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển.
Môi trường kinh doanh tại Đồng Nai ngày càng thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành cơ khí trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: V.Gia |
[links()]Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đồng Nai là một trong những địa phương có cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh. Tỉnh hướng đến là địa phương “đất lành” với cộng đồng doanh nghiệp (DN).
* Bám sát chỉ đạo của Chính phủ
Với tinh thần cải cách để phát triển, Đồng Nai đề ra nhiều giải pháp nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân, DN.
Từ năm 2019, tỉnh ban hành kế hoạch về tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, tỉnh phấn đấu cải thiện điểm số, vị trí xếp hạng về cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phấn đấu trong nhóm 20 tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng và minh bạch, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ DN tư nhân, nhất là các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng để khẳng định “Đồng Nai là đất lành của nhà đầu tư”. Để làm được việc đó, Sở sẽ thường xuyên đối thoại, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động, đặc biệt là đối với DN dân doanh. Khuyến khích DN luôn có hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hỗ trợ DN về vốn vay, nâng cao năng lực cạnh tranh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Đồng Nai cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, giúp người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đồng thời, công khai quy hoạch, chính sách thủ tục để DN dễ tiếp cận.
* Đưa hiệu quả vào thực chất
Tùy từng lĩnh vực, tỉnh yêu cầu mỗi sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tăng điểm cho chỉ số thuộc ngành mình, trên cơ sở đó chủ động tham mưu UBND tỉnh phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đơn cử, đối với Sở KH-ĐT, mỗi năm cấp khoảng 3,5 ngàn giấy phép kinh doanh cho cá nhân, DN. Sở đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ thực hiện cấp giấy phép kinh doanh trực tuyến mức độ 4 đạt 80%. Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vào chiều thứ sáu hằng tuần, Sở tổng hợp những hồ sơ tồn đọng trong tuần nhằm tìm ra phương án xử lý.
“Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đồng Nai trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho DN như hiện nay, việc đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, hỗ trợ DN là điều rất cần kíp” - Phó giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định.
Đánh giá về môi trường kinh doanh của địa phương, TS.Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhận định Đồng Nai là một trong số ít những tỉnh, thành sớm có chiến lược phát triển đội ngũ DN, dựa trên các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đội ngũ DN ở Đồng Nai rất năng động trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập. Nhiều tổ chức đã hình thành để tập hợp, liên kết DN như Hội Doanh nhân trẻ, Hội Doanh nhân cựu chiến binh, các hội ngành nghề và đặc biệt là Hiệp hội DN Đồng Nai... “Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN được Chính phủ đánh giá cao. Về phần mình, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có trách nhiệm tác động cụ thể tới Chính phủ, bộ, ngành cũng như ngay cả với chính quyền Đồng Nai để tiếp tục minh bạch, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho DN” - TS.Tô Hoài Nam khẳng định.
Tương tự, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Đồng Nai có cam kết rất mạnh mẽ với VCCI. Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ tăng DN nhanh thứ 2 cả nước, hiện tỉnh đã có hơn 36 ngàn DN đăng ký trên cổng thông tin quốc gia, vượt Hải Phòng và Đà Nẵng, trở thành địa phương có số DN cao thứ 4 sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN. Mục tiêu này không hề đơn giản. Sự cải thiện môi trường kinh doanh từ chính các địa phương sẽ là động lực để thúc đẩy nhiệm vụ trên hoàn thành.
Văn Gia