Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp giảm giá heo hơi để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá bán lẻ thịt heo, gà hầu như chưa giảm...
Thời gian qua, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp để giảm giá heo hơi xuất chuồng nhằm bình ổn giá thịt heo trên thị trường và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, từ đầu tháng 4-2020, giá heo hơi bán tại chuồng đã giảm. Cùng với đó, từ sau Tết Nguyên đán 2020, giá gà công nghiệp luôn đứng ở mức thấp và hiện giảm về mức chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây là dưới 10 ngàn đồng/kg.
Đồ họa thể hiện giá bán lẻ hiện nay của các mặt hàng thịt heo theo khảo sát tại một số chợ ở TP.Biên Hòa. (Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Tuy nhiên, giá bán lẻ thịt heo, gà đến tay người tiêu dùng hầu như chưa giảm, cao gấp đôi, gấp ba so với giá nông dân bán tại trại. Việc giá heo, gà giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua ở mức cao là điều bất hợp lý, nguyên nhân do còn quá nhiều khâu trung gian trong quá trình phân phối.
* Giá heo, gà tại chuồng giảm mạnh
Gần nửa tháng trở lại đây, giá gà công nghiệp bán tại trại đã xuống dưới 10 ngàn đồng/kg, mức giá chưa bằng một nửa giá thành chăn nuôi. Tình hình người chăn nuôi gà hiện nay rất khó khăn vì từ sau Tết Nguyên đán 2020, họ đã liên tục gồng mình chịu lỗ do giá gà luôn ở mức thấp.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, giá thịt heo bán lẻ trên thị trường vẫn ở mức cao dù các doanh nghiệp đã hạ giá heo hơi xuống 70 ngàn đồng/kg có nguyên nhân từ việc phân phối thịt heo qua rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng mức giá thấp như mong muốn. Một nguyên nhân khác là giá thành sản xuất vẫn cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu. |
Ông Trần Văn Tuệ, chủ trại chăn nuôi gia cầm tại xã Sông Thao (H.Trảng Bom) lo lắng, với giá gà xuất chuồng xuống thấp như hiện nay, chủ trại nuôi đang lỗ tiền tỷ cho mỗi đợt xuất chuồng. Hiện cơn khủng hoảng này chưa biết bao giờ mới phục hồi do diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. “Điều người chăn nuôi chúng tôi bức xúc là giá gà tại trại giảm mạnh nhưng người nuôi vẫn khó đẩy hàng. Điều bất hợp lý nhất ở đây là giá trại giảm mạnh nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao chót vót nên hầu như không kích cầu được sức tiêu thụ” - ông Tuệ nói.
So với người chăn nuôi gà đang rơi vào cảnh cắt đàn, giảm lỗ, người nuôi heo đang tích cực tái đàn. Tuy nhiên rủi ro mà người nuôi heo phải đối mặt là rất lớn. Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Tuy giá heo hơi bán được trên 70 ngàn đồng/kg nhưng người chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi không hề đạt lợi nhuận cao. Tái đàn trong tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn có thể tái phát như hiện nay, người nuôi giữ được từ 60-70% tổng đàn đã là may mắn, nhiều hộ tái đàn vẫn có nguy cơ trắng tay vì dịch”. Cũng theo bà Thảo, hiện giá thành chăn nuôi có thể đội lên đến 60 ngàn đồng/kg heo hơi, do giá heo giống, thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí khác đồng loạt tăng. Hiện giá heo hơi ngoài thị trường đang giảm về mức 70 ngàn đồng/kg và còn có thể giảm hơn nữa thì người chăn nuôi tái đàn tốt cũng chỉ đủ đồng lời để duy trì sản xuất.
* Người tiêu dùng vẫn mua với giá cao
Điều bất hợp lý là giá heo, gà bán tại trại đã giảm mạnh nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao. Ghi nhận tại một số chợ, siêu thị, giá thịt heo, thịt gà vẫn ở mức cao dù nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã thông báo giảm giá heo hơi ngày 1-4. Giá thịt heo vẫn dao động 130-190 ngàn đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với giá heo hơi bán tại trại. Giá gà công nghiệp vẫn bán lẻ ở mức từ 40-55 ngàn đồng/kg, gấp 5-6 lần giá bán tại trại.
Khảo sát ở các chợ tại TP.Biên Hòa như: chợ Biên Hòa, chợ Tân Hiệp… cho thấy, giá thịt heo đã có “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao so với thời điểm cuối tháng 3 vừa qua. Cụ thể, thịt heo nạc có giá từ 140-150 ngàn đồng/kg, thịt đùi khoảng 110-140 ngàn đồng/kg, thịt ba rọi 160-180 ngàn đồng/kg, thịt đùi 140-150 ngàn đồng/kg, các loại cốt-lết, sườn non có giá từ 145-200 ngàn đồng/kg... Trong khi đó, giá gà ta làm sẵn khoảng 160 ngàn đồng/kg, gà tam hoàng 60-70 ngàn đồng/kg, gà công nghiệp 40-50 ngàn đồng/kg…
Người dân chọn mua các sản phẩm thịt gà tại chợ Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân |
Bà Dương Thị Loan, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) thừa nhận, giá thịt heo bán lẻ vẫn ở mức cao, chưa giảm dù giá heo hơi giảm trong thời gian gần đây. Tuy giá bán cao nhưng tiểu thương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì lượng thịt tiêu thụ kể cả thịt bán lẻ và thịt bỏ sỉ tại các mối quen đều giảm mạnh.
Chỉ ra lý do giá thịt gà bán lẻ vẫn cao, bà Hằng, một tiểu thương bán thịt gà ở chợ Biên Hòa cho biết, do giá gà đầu vào từ các mối chưa giảm nên giá các loại thịt gà bán lẻ vẫn giữ nguyên từ đầu tháng 4 đến nay. Trong khi đó, lượng khách đến mua thịt giảm khoảng 80% so với trước ngày 1-4 do người dân hạn chế ra đường mua sắm.
Tương tự, tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.Biên Hòa, giá thịt heo vẫn ở mức cao. Thịt đùi khoảng 125-135 ngàn đồng/kg, ba rọi từ 165-173 ngàn đồng/kg, thịt vai 133-135 ngàn đồng/kg… Giá các loại thịt gà như: đùi gà, cánh gà, ức gà... vẫn ở mức cao, không có nhiều biến động so với trước.
Ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ Marketing Co.opmart Biên Hòa cho hay, do các nhà cung cấp thịt vẫn giữ nguyên giá hoặc giảm nhẹ giá thịt heo, thịt gà cung ứng cho siêu thị nên giá bán lẻ các loại thịt này ở siêu thị vẫn chưa giảm sâu, một số mặt hàng chỉ giảm nhẹ từ 5-10% so với cuối tháng 3 vừa qua.
* Nguyên nhân của sự chênh lệnh giá?
Theo các doanh nghiệp chăn nuôi, việc giảm giá thịt heo, gà không chỉ dựa vào mỗi doanh nghiệp chăn nuôi mà phải có biện pháp đồng bộ từ chuồng trại tới siêu thị, chợ bán lẻ, như vậy mới có hiệu quả trong việc giảm giá.
Bà Ngọc Lan, chủ một sạp kinh doanh thịt heo tại chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú) cho biết, sau khi giá heo hơi giảm xuống còn mức 70 ngàn đồng/kg, giá thịt heo bán lẻ chỉ giảm nhẹ so với trước đây khoảng 10-15 ngàn đồng so với trước khi giá heo hơi giảm. Nguyên nhân là do giá thịt móc mà các tiểu thương nhập về vẫn giữ nguyên như từ Tết Nguyên đán Canh Tý khoảng 105 ngàn đồng/kg… Giá đầu vào còn cao nên rất khó để tiểu thương giảm sâu giá bán lẻ, nhất là đối với các phần thịt ngon như ba rọi, nạc thăn, đùi…
Tương tự, bà Dậu, chủ một sạp bán thịt heo ở chợ Biên Hòa cho biết, dù giá heo hơi giảm nhưng trên thực tế, chi phí vận chuyển, chi phí hao hụt từ các đầu mối cung cấp vẫn chưa có nhiều biến động... Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt heo ngoài thị trường thời gian qua vẫn ở mức cao.
Ông Trang Phúc nhận định thêm, các loại phụ phí như: phí nhân công, vận chuyển, hao hụt vẫn chưa giảm. Điều này sẽ kéo theo giá thịt thành phẩm từ các nhà cung cấp khó có thể giảm sâu ngay được. Siêu thị sẽ làm việc thêm với các đối tác cung ứng thịt heo, thịt gà để có phương án giảm giá phù hợp trong thời gian tới.
Theo một số thương lái bán lẻ, tuy các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá heo hơi bán ra nhưng thương lái hầu như không tiếp cận được nguồn heo giá gốc này mà phải thông qua một “đầu nậu”. Và chỉ ở khâu trung gian đầu tiên này, giá bán có thể bị đẩy lên cả triệu đồng/con.
Chỉ ra sự bất hợp lý ở khâu phân phối hiện nay, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ phân tích, người chăn nuôi đầu tư lớn, mức lợi nhuận khi thị trường ổn định chỉ đạt từ 10-15% là đã đạt yêu cầu. Người nuôi bán rẻ nhưng người tiêu dùng lại phải mua với giá cao hơn gấp nhiều lần chủ yếu do các khâu trung gian đẩy giá. Trong đó có nguyên nhân việc quản lý ở các khâu này còn nhiều kẽ hở.
Bình Nguyên - Hải Quân