Trong phòng, chống dịch Covid-19, nếu người nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh không tự giác khai báo trung thực, chính xác về quá trình di chuyển, tiếp xúc, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng...
BS Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện chưa có giải pháp triệt để nào để phòng ngừa việc người nhiễm, người nghi ngờ nhiễm Covid-19 khai báo không trung thực, thiếu chính xác về quá trình di chuyển, tiếp xúc trong cộng đồng.
Nhân viên y tế tiến hành điều tra ca bệnh đối với người đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
[links()]Do đó, nếu bản thân người mắc bệnh không có ý thức tự giác sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng.
* Lên án với khai báo không trung thực
Trường hợp bệnh nhân số 34 Đ.T.L.T. ở tỉnh Bình Thuận khai báo thiếu trung thực đang bị cộng đồng lên án. Những ngày đầu khi phát hiện nhiễm bệnh, bệnh nhân này khai sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã đi xe riêng về thẳng nhà ở Bình Thuận mà không ghé địa điểm nào trên đường đi. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng công khai danh tính của bệnh nhân này, nhiều người từng tiếp xúc trực tiếp với bà T. đã đến cơ quan chức năng để khai báo y tế và được cách ly, trong số đó, có những người đã nhiễm bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam kiên trì, kiên định quan điểm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là: ngăn chặn triệt để, cách ly triệt để, sàng lọc, phát hiện sớm những trường hợp nhiễm bệnh để điều trị kịp thời và dập dịch. Tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, các phương pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ được đẩy mạnh ở mức độ cao hơn. |
Trên đường về Bình Thuận, 8 giờ ngày 2-3, bà này cùng tài xế đã ghé quán bún của gia đình anh V.V.H. (ngụ P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) để ăn bún nhưng cũng không khai báo trung thực với cơ quan chức năng ngay từ đầu. Đến ngày 15-3, sau khi xác minh được thông tin, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cách ly và theo dõi y tế tại nơi cư trú đối với những người tiếp xúc với anh V.V.H. Anh H. hiện có sức khỏe bình thường, không sốt, không ho, không khó thở, đã qua 14 ngày theo dõi. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, anh H. và người thân vẫn tự giác theo dõi sức khỏe tại nhà trong vài ngày tới.
BS Lê Quang Trung cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một người mắc bệnh khai báo không trung thực với cơ quan chức năng như: sợ bị cộng đồng kỳ thị hoặc việc bị đưa đi cách ly sẽ làm ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Có những người khai báo không trung thực vì sợ không được nhập cảnh vào Việt Nam...
Do đó, để một người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 khai báo chính xác, trung thực, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền ngay từ đầu. Phải tuyên truyền để người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ khi khai báo trung thực các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, quá trình di chuyển, gặp gỡ người khác trong cộng đồng…
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đo thân nhiệt cho những người thuộc diện cách ly tại khu cách ly Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (ảnh: HẠNH DUNG) |
Nếu người nghi ngờ, người nhiễm bệnh khai báo trung thực, các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh, tăng khả năng chữa khỏi bệnh sớm. Ngược lại, hành vi khai báo gian dối, giấu bệnh, giấu hành trình di chuyển dẫn đến lây nhiễm cho nhiều người khác trong cộng đồng sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật tùy vào mức độ vi phạm.
* Giám sát cộng đồng đóng vai trò quan trọng
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngoài việc cách ly những người nhiễm, người nghi nhiễm bệnh, người có yếu tố nguy cơ tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, còn thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Đối với những người cách ly tại nhà, hằng ngày, nhân viên y tế của trạm y tế xã, phường, thị trấn sẽ đến nhà, nơi lưu trú của người cách ly đo thân nhiệt 2 lần. Tuy nhiên, điều này cũng không thể xác định là trong khoảng thời gian không có nhân viên y tế, người thuộc diện cách ly có ra khỏi nhà, nơi lưu trú hay không. Vì thế, ngoài vai trò giám sát của cơ quan chức năng, giám sát của cộng đồng cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Thực tế thời gian qua tại Đồng Nai, việc giám sát cộng đồng đối với người nước ngoài thuộc diện cách ly tại nhà, nơi cư trú rất tốt. Nếu phát hiện các đối tượng này bước ra khỏi nơi ở thì chỉ 5-10 phút sau, cơ quan chức năng đã nhận được phản ảnh của người dân.
Anh Lê Hoàng Long (ngụ P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) cho biết, thời gian qua người dân trên địa bàn thành phố rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh Covid-19. Do đó, bản thân anh hay nhiều người dân trên địa bàn nếu phát hiện có người nước ngoài thuộc diện cách ly tại nhà, nơi cư trú đi lại, sinh hoạt trên địa bàn sẽ gọi điện cho phường hoặc gọi đến đường dây nóng của Trung tâm Y tế TP.Long Khánh để báo tin.
Tương tự, ông Phạm Văn Hải (ngụ chung cư Sơn An, P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, dù tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung người dân trong chung cư vẫn bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ.
“Trong chung cư có một số người nước ngoài sinh sống nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết trong thời gian xảy ra dịch bệnh họ không về nước mà ở Đồng Nai làm việc nên không có yếu tố nguy cơ. Khi biết rõ tình hình của những người nước ngoài trong chung cư, mọi người đều an tâm, sinh hoạt bình thường. Ban quản lý chung cư cũng đã dán nhiều thông tin phòng, chống dịch bệnh ở cửa thang máy để mọi người cùng biết; trang bị nước rửa tay để người dân sát khuẩn tay nhanh” - ông Hải cho hay.
Lãnh đạo ngành Y tế cho rằng, việc giám sát tại cộng đồng với người thuộc diện cách ly tại nhà, nơi lưu trú là người nước ngoài đã phát huy được hiệu quả. Riêng đối với những người thuộc diện cách ly tại nhà/nơi lưu trú là người Việt Nam gặp phải một số khó khăn như: ít người phát hiện, để ý hoặc có sự cả nể nhất định nếu như người thuộc diện cách ly là hàng xóm hay người thân. Vì thế, rất cần sự tự giác của bản thân mỗi người dân khi phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân người cách ly và cộng đồng.
* Quy trách nhiệm nếu không quản lý tốt việc cách ly tại nhà, nơi lưu trú
Tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp lưu ý, thời gian qua, vẫn có một số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú chưa thực hiện nghiêm việc cách ly, vẫn đi ra ngoài, tiếp xúc với những người xung quanh. Điều này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.
Do đó, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc quản lý người đang được cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Đơn vị nào thực hiện không tốt sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Cụ thể, UBND các xã, phường, thị trấn nơi có người được cách ly y tế tại nhà có trách nhiệm tổ chức, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly; tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ người được cách ly an tâm thực hiện việc cách ly; cung cấp số điện thoại đường dây nóng của địa phương để người được cách ly liên hệ khi cần thiết; tổ chức cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ các quy định về cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.
Ban quản lý, người quản lý, chủ hộ khu chung cư, ký túc xá, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ nơi có người cách ly phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương và các đơn vị liên quan để giám sát người được cách ly đúng quy định; báo cáo với UBND cấp xã và phối hợp tổ chức cưỡng chế cách ly nếu người được cách ly không tuân thủ; thông báo cho tất cả các hộ gia đình, người lưu trú tại nơi ở, nơi lưu trú thông tin về người được cách ly y tế.
Trạm y tế có trách nhiệm quản lý danh sách tất cả những người thuộc diện cách ly y tế tại nhà; thông báo cho họ yêu cầu, mục đích, thời gian cách ly; đo thân nhiệt và theo dõi sức khỏe của người được cách ly hằng ngày và báo cáo với UBND cấp xã, trung tâm y tế khi phát hiện người được cách ly bị sốt, ho, khó thở.
Công an xã, phường, thị trấn cần liên hệ ngành dọc nắm danh sách người thuộc diện cách ly y tế, phối hợp với trạm y tế để điều tra, lập danh sách người được cách ly để quản lý; đảm bảo an toàn, an ninh trật tự và quản lý công dân tại nơi lưu trú trong thời gian cách ly.
Tổ dân phố, ban, ấp, khu phố cũng có trách nhiệm theo dõi, giám sát người được cách ly về chấp hành các quy định cách ly; báo với trạm y tế nếu phát hiện người được cách ly có dấu hiệu sốt, ho, khó thở; báo cáo với UBND xã, phường, thị trấn nếu người được cách ly không tuân thủ quy định về cách ly y tế.
Hạnh Dung
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế):
Điều tra kỹ để cách ly đúng
Công tác cách ly cộng đồng được chia thành nhiều dạng, có thể cách ly một cụm vài hộ dân, có khi cách ly cả chung cư, cách ly một tổ dân phố, một phường, xã. Nếu dịch bệnh lây lan nguy hiểm hơn thì có thể tiến hành cách ly cả thành phố, thậm chí cả đất nước.
Việc cách ly cộng đồng với quy mô càng nhỏ thì càng đỡ tốn kém về mặt kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, phải đảm bảo kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Do vậy, trước khi cách ly, cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra dịch tễ sơ bộ để đưa ra mức độ cách ly phù hợp. Muốn làm được điều đó, ngoài phương pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng rất cần sự tự giác, phối hợp chặt chẽ của người dân.
Anh Lê Minh Hiệp (ngụ P.Suối Tre, TP.Long Khánh):
Cập nhật thông tin chính xác để người dân hiểu và làm đúng
Với vai trò là Quản trị viên của fanpage Thành phố Long Khánh và Địa điểm Long Khánh có tổng số 76 ngàn lượt người theo dõi, tôi cùng các thành viên trong Ban quản trị fanpage ý thức rõ tầm quan trọng của thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh đối với người dân.
Do đó, trong thời gian qua, trên fanpage rất thận trọng và thường xuyên cập nhật những thông tin chính thống từ các ngành chức năng để người dân trên địa bàn thành phố hiểu đúng, không hoang mang. Đồng thời, cổ vũ những cá nhân có ý thức tự giác cao trong việc thực hiện tốt cách ly tại nhà, nơi lưu trú, tạo dư luận tốt; cung cấp các thông tin về phòng, chống dịch bệnh đúng cách để truyền tải đến người dân, nâng cao ý thức của người dân.
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà:
Mong người dân nâng cao ý thức phòng bệnh
Không riêng gì dịch bệnh Covid-19 mà với tất cả các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác, nếu người dân biết cách phòng tránh bệnh ngay từ đầu; các bác sĩ dự phòng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì các bác sĩ khối điều trị sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Không những giảm số người mắc bệnh mà nếu phòng chống bệnh đúng cách sẽ hạn chế được những ca bệnh nặng, giảm nguy cơ tử vong, giảm chi phí điều trị và công sức của cả gia đình bệnh nhân, y, bác sĩ.
An Yên (ghi)