Hiện nay, nhiều HTX, nhất là các HTX về nông nghiệp, mong muốn được vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên như: nông nghiệp - nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất …
Hiện nay, nhiều HTX, nhất là các HTX về nông nghiệp, mong muốn được vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên như: nông nghiệp - nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hay các nguồn vốn vay hỗ trợ từ Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh (thuộc Liên minh HTX tỉnh)... để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường…
Mô hình trồng nấm của HTX dịch vụ nông nghiệp Nấm Lộc (H.Xuân Lộc). Ảnh: B.NGUYÊN |
[links()]Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều HTX vẫn không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này bởi những ràng buộc về mặt thủ tục, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với HTX.
* Chủ yếu vay vốn thế chấp với lãi suất thông thường
Trong nhiều năm nay, HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (H.Xuân Lộc) thường xuyên có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất. Ông Phạm Nhất Huy, đại diện HTX này cho biết, HTX đang vay khoảng 25 tỷ đồng với lãi suất thông thường từ 10-11%/năm. Trong đó, đa phần các khoản vay này là vay thế chấp tại các ngân hàng dựa trên tài sản thế chấp là cơ sở hạ tầng, tài sản, bất động sản của HTX…
Tương tự, bà An Tú Anh, Giám đốc HTX rau Tân Yên (H.Thống Nhất) cho hay, hiện HTX đang vay vốn khoảng 500 triệu đồng để phục vụ sản xuất tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn với lãi suất 12%/năm. Khoản vay này dựa trên tài sản thể chấp với thời hạn trong 1 năm.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn (H.Xuân Lộc) cho biết, hiện nay các thành viên của HTX chủ yếu vay các khoản vay thế chấp với giá trị nhỏ, ngắn hạn dựa vào tài sản, bất động sản… của cá nhân với lãi suất khoảng 10,5%/năm.
Nhiều HTX mong muốn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Trong ảnh: Mô hình sản xuất của HTX rau Tân Yên (H.Thống Nhất). Ảnh: Hải Quân |
Hiện nay, để các HTX hưởng mức ưu đãi thực sự như quy định thì vẫn còn tùy thuộc vào các thỏa thuận, điều kiện riêng đối với ngân hàng. Phần lớn các khoản vay đối với các HTX hiện nay là các khoản vay thế chấp dựa trên tiềm lực tài chính, khối tài sản, bất động sản… của các HTX.
Các khoản vay này chủ yếu là khoản vay ngắn hạn, có lãi suất thông thường. Điều này giúp các ngân hàng hạn chế được nhiều rủi ro, trong khi các HTX lại không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.
Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Đồng Nai hiện đang áp dụng lãi suất từ 5,5-7,5%/năm tùy vào thời hạn vay đối với các khoản vay dành cho các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi trong các lĩnh vực ưu tiên. Còn đối với các khoản vay thông thường phục vụ sản xuất kinh doanh, mức lãi suất áp dụng đối với đối tượng pháp nhân, trong đó có các HTX, là 8-10%/năm đối vay ngắn hạn, còn vay trung và dài hạn có mức lãi suất từ 9,5%/năm trở lên. Hiện nay, phần lớn các HTX đang vay theo lãi suất thông thường.
Tương tự, tại Phòng giao dịch Sacombank tại TP.Long Khánh, hiện nay các khoản vay về nông nghiệp, sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng cao trong dư nợ của đơn vị, trong đó có các khoản vay của các HTX. Phần lớn các khoản vay của HTX là các khoản vay thế chấp ngắn hạn với lãi suất phổ biến từ 11-12%/năm…
Trên thực tế, để tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi nói trên, các HTX cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện thẩm định về công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhân công lao động. Do đó, nhiều HTX vẫn không dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo các lĩnh vực ưu tiên.
* Sản xuất “sạch, xanh” cũng khó vay ưu đãi
Hiện nay, nhiều ngân hàng triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, sản phẩm cho vay ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho các lĩnh vực ưu tiên, cũng như tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường... Một số ngân hàng còn mở ra các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, HTX sản xuất “sạch, xanh”…
Để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi này, các HTX cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện thẩm định về công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhân công lao động. Cũng do vậy, nhiều HTX vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng.
Ông Phùng Xuân Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc
(TP.Long Khánh) cho biết, HTX đang triển khai thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP. Dù có nhiều chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, thế nhưng, nhìn chung HTX vẫn gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn này bởi nhiều khoản vay hiện nay dựa trên tài sản thế chấp. Trong khi HTX không dễ thuyết phục các ngân hàng cho vay vốn tín chấp dựa trên kế hoạch, phương án sản xuất…
Đồ họa thể hiện số lượng HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (tính đến cuối năm 2019) và một số mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các HTX hiện nay. (Đồ họa: Hải Quân) |
Theo ông Trần Văn Tánh, Phó giám đốc HTX hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) - đơn vị đầu tiên của cả nước xuất khẩu được hạt tiêu vào các nước châu Âu, hiện nay, HTX vẫn chủ yếu vay vốn dựa trên lãi suất thông thường ngắn hạn là 10%/năm. HTX chưa tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi về xuất nhập khẩu hay sản xuất nông nghiệp sạch, đạt các tiêu chuẩn GAP…
* Quỹ trợ vốn cho vay “có chọn lọc”
Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh được thành lập năm 2008 nhằm tạo ra một nguồn vốn vay có lãi suất thấp, giúp các liên hiệp HTX, HTX và các thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể vay để phát triển sản xuất. Đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay của quỹ đạt hơn 27,4 tỷ đồng.
Trong đó, các lĩnh vực hỗ trợ chính là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu. Đối tượng, dự án ưu tiên là HTX được chọn xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến hoặc các dự án sản xuất theo chuẩn VietGAP, chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn hoặc thành phần tham gia trong dự án cánh đồng lớn; các HTX giải quyết nhiều việc làm gắn với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế tại địa phương…
Mức lãi suất cho vay hiện nay vào khoảng 7,2%/năm đối với đối tượng thành viên của các HTX. Đối với pháp nhân, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể vay với lãi suất 6%/năm, trong khi các lĩnh vực khác lãi suất là 6,6%/năm. Trong đó, HTX phải có tài sản đảm bảo 100% vốn vay. Trường hợp phương án, dự án đề xuất vay vốn có tính khả thi, có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm dịch vụ thì được tín chấp một phần…
Bà Đỗ Thị Minh Thơm, Giám đốc HTX nông sản sạch Bàu Tre (H.Long Thành) cho hay, do HTX mới được thành lập khoảng 3 năm nay nên cần có nguồn vốn để phát triển sản xuất nông sản sạch theo hướng VietGAP. Hiện HTX vẫn chủ yếu vay vốn dựa trên tài sản thế chấp. HTX mong muốn tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh nhưng còn ràng buộc ở các điều kiện khắt khe về báo cáo tài chính, năng lực sản xuất sạch, tính hiệu quả của mô hình…
Ông Trần Quốc Huy, Phó giám đốc Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh cho hay, do nguồn vốn ở mức trung bình khoảng 30 tỷ đồng/năm nên hoạt động cho vay vốn ưu đãi của quỹ không mang tính dàn trải mà mang tính chọn lọc, hỗ trợ HTX điển hình, có phương án sản xuất, hoạt động có hiệu quả với các nguồn vốn nhỏ, lưu động với thời hạn vay khoảng 12 tháng với mức tối đa là 2 tỷ đồng đối với pháp nhân HTX, còn các thành viên thì được vay tối đa 30 triệu đồng. Tuy nhiên, rất ít HTX có thể đảm bảo các tiêu chí để vay ở mức tối đa này. Còn đối với những nguồn vốn lớn hoặc dài hạn hơn thì các HTX vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vay từ các ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 382 HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực có vốn điều lệ hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 53,3 ngàn lao động. Trong đó có 149 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Riêng trong năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập mới được 39 HTX, trong đó có 28 HTX nông nghiệp, 3 HTX thương mại dịch vụ, 2 HTX giao thông vận tải, 2 HTX vệ sinh môi trường, 3 HTX thức ăn chăn nuôi và 1 HTX xây dựng..., tăng 6 HTX so với năm trước và đạt 118% kế hoạch năm. Tổng vốn đăng ký của các HTX thành lập mới của tỉnh đạt hơn 108 tỷ đồng với gần 400 thành viên. |
Hải Quân