Thời gian qua, giá heo hơi liên tục "đứng" ở mức cao bởi nguồn cung thiếu hụt do tổng đàn heo giảm mạnh vì bị dịch tả heo châu Phi. Theo đó, Đồng Nai đang tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn.
Thời gian qua, giá heo hơi liên tục “đứng” ở mức cao bởi nguồn cung thiếu hụt do tổng đàn heo giảm mạnh vì bị dịch tả heo châu Phi. Theo đó, Đồng Nai đang tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn.
Trại heo giống tại xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc. Ảnh: L.Quyên |
[links()]Tuy nhiên, người chăn nuôi phải tuân thủ chặt chẽ mọi quy định về an toàn sinh học cũng như các quy định theo Luật Chăn nuôi mới có hiệu lực từ đầu năm 2020.
* Cấm tái đàn nếu không đủ điều kiện
Bỏ quy hoạch chăn nuôi tập trung hiện chỉ áp dụng cho các dự án mới. Còn các khu vực, trang trại chăn nuôi đã đầu tư theo đúng quy định trước đó thì vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, việc tái đàn heo phải tuân theo các yêu cầu về an toàn sinh học để hạn chế dịch tả heo châu Phi tái phát, lây lan.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh lưu ý, chỉ cho phép tái đàn đối với những cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh như: ở xa khu dân cư; không ở trong vùng dịch; môi trường xung quanh và chuồng trại đều đảm bảo an toàn sinh học… |
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho hay, Đồng Nai đã căn bản khống chế được dịch tả heo châu Phi. Đây là điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi trong việc tính đến chuyện tổ chức tái đàn heo. Tuy nhiên, Đồng Nai đã ban hành văn bản quy định điều kiện tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi chưa xảy ra dịch tả và cả các cơ sở đã xảy ra dịch tả. Các cơ sở trên phải có đơn đăng ký với UBND xã nơi tổ chức chăn nuôi để thực hiện các bước kiểm tra và chỉ được phép tái đàn khi đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
“Những cơ sở tái đàn tự phát không đăng ký hoặc không thực hiện đúng cam kết về đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước khi dịch tả heo châu Phi tái phát” - ông Giang cho biết thêm.
Theo ông Đỗ Hữu Phương, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam, Bộ NN-PTNT, tùy vào điều kiện của từng địa phương mà hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn hoặc chuyển nghề. Trong trường hợp người nuôi muốn tái đàn phải tuân thủ các quy định về điều kiện tái đàn, đặc biệt đảm bảo điều kiện về an toàn sinh học trong chăn nuôi.
* Nâng chất lượng cho chăn nuôi
Góp ý cho giải pháp giữ và phát triển đàn heo trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn với sự đầu tư bài bản, tránh chạy theo phong trào.
Ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) góp ý: “Tỉnh nên quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn đủ điều kiện đầu tư cho ngành sản xuất con giống, từ đó có nguồn giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi heo thịt. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên tập trung phát triển đàn heo thịt vì sớm có nguồn thu và đầu tư không quá lớn. Trong đó, khó khăn nhất với doanh nghiệp mong tỉnh quan tâm tháo gỡ là những vướng mắc về đất đai, thủ tục khi đầu tư dự án mới trong những năm sau”.
Góp ý về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi hiện nay, nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại cũng cho rằng, tỉnh nên ưu tiên quỹ đất, hỗ trợ nhà đầu tư về hồ sơ, thủ tục cũng như được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho chăn nuôi, nhất là phát triển đàn heo giống…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn heo; nhất là quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi đầu tư dự án mới như: quỹ đất, thủ tục, hồ sơ, nguồn vốn… Đồng Nai sẽ hỗ trợ hết mức cho những nhà đầu tư quan tâm đến việc liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư nuôi heo theo hướng bền vững vì nó không chỉ góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường mà còn giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Lê Quyên