Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị tốt để phục hồi sau dịch bệnh

11:03, 23/03/2020

Tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế và từng doanh nghiệp (DN) là điều hiện hữu. Việc giải quyết khó khăn cho DN cần có sự đồng hành từ Nhà nước.

Tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế và từng doanh nghiệp (DN) là điều hiện hữu. Việc giải quyết khó khăn cho DN cần có sự đồng hành từ Nhà nước.

Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần Nhà nước tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển. Ảnh: Đ.Lê
Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần Nhà nước tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển. Ảnh: Đ.Lê

[links()]Mặc dù vậy, cùng với giải quyết các khó khăn phát sinh trước mắt, đây cũng là cơ hội để Nhà nước và bản thân từng DN tái cấu trúc ngành, đổi mới DN để có thể phát triển tốt hơn trong tương lai, đồng thời ứng phó được những tác động bất ngờ không mong muốn.

* Cơ hội để “tái cấu trúc” DN

Trong buổi làm việc với các tập đoàn, DN lớn để tìm cách ứng phó tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày 12-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch bệnh tuy làm cho các DN gặp khó khăn nhưng đây cũng là dịp các DN cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là củng cố quản trị, ứng dụng công nghệ tốt để vượt khó và xây dựng nền tảng lâu dài. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro cũng như có các kịch bản để đảm bảo hoạt động của DN diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.

Trong các ngành sản xuất, xuất khẩu, dệt may là một trong những ngành ảnh hưởng nhiều nhất với hàng loạt DN xuất khẩu. Thị trường dệt may Việt Nam có tới gần 90% sản lượng là phục vụ xuất khẩu nên dù có gây khó khăn nhưng dịch Covid-19 lại là “phép thử” đối với “sức khỏe” của mỗi DN.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho rằng, ngành dệt may phải sắp xếp lại chuỗi sản xuất, cung ứng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một địa chỉ cung ứng nguyên phụ liệu nào đó. Một khi nguồn cung có vấn đề thì rất khó xoay chuyển. Tập đoàn sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên ứng phó kịp thời khi đầu vào bị hạn chế, đồng thời tìm ra các sản phẩm mới, phù hợp với đặc thù của từng DN.

Quãng thời gian tăng trưởng chững lại cũng là cơ hội cho việc đào tạo và phát triển kỹ năng, tay nghề cho nhân viên và cũng giúp cho việc lên kế hoạch được “dài hơi” hơn. Điều này buộc các nhà lãnh đạo, quản lý các DN phải dành nhiều thời gian để tập trung học hỏi, nghiên cứu.

“Cứ mỗi lần gặp khó khăn, DN phải tự nhìn lại mình, đây là thời gian mà các công ty thành viên của chúng tôi có cơ hội để đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động, áp dụng các nguyên tắc sản xuất bền vững. Bên cạnh đó làm việc lại với các đối tác, nhà phân phối tìm ra giải pháp tối ưu nhất để phát triển bền vững cho giai đoạn sau” - ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh cho biết.

* Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Song song với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, nguyên liệu, thị trường trong thời gian trước mắt thì Chính phủ cũng cam kết cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Mới đây, Bộ Công thương cắt giảm thêm 205 điều kiện đầu tư kinh doanh. Đây cũng là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong lúc gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đồng thời tạo thuận lợi cho sự phát triển về sau.

Khảo sát tại một số DN ở Đồng Nai cho thấy họ mong muốn dịp này, Chính phủ có thêm những chính sách thiết thực hơn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, chú ý đến đầu tư sản xuất nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm của DN này là đầu vào của DN khác, tạo nên chuỗi cung ứng sản xuất ổn định.

Để hỗ trợ DN, trước mắt Đồng Nai yêu cầu cơ quan thuế, hải quan không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm. BHXH hướng dẫn thực hiện tạm dừng BHXH đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc hết tháng 12 và không tính lãi chậm nộp phạt. Thực hiện các giải pháp này nhằm mục tiêu để DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Về lâu dài, tỉnh đang triển khai kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2021, phấn đấu vươn lên nhóm 20 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất cả nước. Đồng Nai luôn cam kết tạo thuận lợi cho DN tư nhân, nhất là các DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo phát triển.

Đào Lê

Tin xem nhiều