Ngày 1-1-2020, Luật Chăn nuôi có hiệu lực với nhiều quy định mới. Trước đó, quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh cũng hết hiệu lực, hoạt động chăn nuôi sẽ theo quy định chung của Luật Quy hoạch...
Ngày 1-1-2020, Luật Chăn nuôi có hiệu lực với nhiều quy định mới. Trước đó, quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh cũng hết hiệu lực, hoạt động chăn nuôi sẽ theo quy định chung của Luật Quy hoạch đồng thời cũng áp dụng các quy định của Luật Chăn nuôi. Vậy nên, việc đầu tư mới trong chăn nuôi sẽ có nhiều thay đổi.
Từ nay, các dự án chăn nuôi không cần phải vào khu quy hoạch tập trung. Trong ảnh: Trang trại gà Thanh Đức tại khu chăn nuôi tập trung ở xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên |
[links()]Theo quy hoạch cũ, Đồng Nai có 139 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi với diện tích 15,7 ngàn hécta. Hiện đầu tư dự án chăn nuôi mới không còn phải vào các khu quy hoạch tập trung trên, nhiều quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục hồ sơ cũng thay đổi so với trước.
* Tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”
Trang trại chăn nuôi heo của bà Nguyễn Thị Lành được đầu tư trong khu chăn nuôi tập trung tại xã Bàu Cạn (H.Long Thành). Nhiều tháng nay, trang trại của bà đã tạm ngưng chăn nuôi vì đàn heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi. Bà Lành chia sẻ: “Tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng vào trang trại này nên sẽ vẫn tiếp tục tái đàn heo trong thời gian tới. Hiện tôi để trống trang trại và thường xuyên tổ chức tiêu độc, khử trùng, chờ qua 1 năm lấy mẫu xét nghiệm lại nếu hết hẳn nguy cơ có virus dịch tả heo châu Phi thì sẽ tái đàn”.
Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho hay, bỏ quy hoạch chăn nuôi sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi hiện nay vì các ngành, địa phương sẽ quản lý theo quy chuẩn ngành. Các quy định của ngành khá đầy đủ và chặt chẽ nên sẽ không xảy ra tình trạng chăn nuôi phát triển ồ ạt không quản lý được. |
Cũng theo bà Lành, thời gian để trống trang trại kéo dài còn vì trang trại của bà nằm trong khu chăn nuôi tập trung, mật độ các trang trại khá dày, nhiều trại cũng xảy ra dịch tả heo châu Phi nên bà càng thận trọng hơn trong việc tái đàn vì lo rủi ro dịch bệnh tái phát cao.
Cùng e ngại rủi ro dịch bệnh cao ở khu vực có mật độ chăn nuôi dày như các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, ông Phạm Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (chi nhánh Đồng Nai) cho biết, doanh nghiệp chọn đầu tư các trại giống ở các xã vùng sâu, vùng xa nơi chăn nuôi chưa nhiều. Vì mật độ các trại chăn nuôi quá dày sẽ tăng rủi ro lây lan dịch bệnh. “Nhằm đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế dịch tả heo châu Phi tái phát, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phải đầu tư hệ thống chuồng kín, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường và khoảng cách giữa các trại nuôi” - ông Thắng góp ý.
Theo người chăn nuôi, bỏ quy hoạch chăn nuôi tập trung đã giúp tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” tồn tại lâu nay như: giá đất trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung bị đẩy lên quá cao, quy hoạch chăn nuôi tập trung chưa đồng bộ với xây dựng cũng như đảm bảo về an toàn dịch bệnh…
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ hệ thống Trang trại Miền Đông, chuyên cung cấp gà cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cũng cho rằng không nên quy hoạch chăn nuôi tập trung theo kiểu các KCN. Điều này đi ngược lại xu hướng của các nước phát triển. Cụ thể, ở Úc, các trang trại chăn nuôi cách nhau từ vài đến vài chục km để cách ly hoàn toàn dịch bệnh vì họ không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Ông Kha cho biết thêm: “Nhật Bản cũng kiểm soát rất khắt khe vấn đề sử dụng kháng sinh, nên họ yêu cầu các trang trại chăn nuôi tham gia xuất khẩu vào Nhật Bản phải được cách ly ít nhất 3km với các trang trại chăn nuôi khác. Trong khi đó, quy định khoảng cách giữa các trang trại trong khu chăn nuôi tập trung lại quá gần, gây khó khăn cho các chủ trại nuôi gà xuất khẩu”.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nêu ý kiến: “Tôi đến những khu vực chăn nuôi tập trung lớn nhất của Đồng Nai thấy tình trạng chăn nuôi tập trung dày đặc là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí. Một số người bạn của tôi mua đất xây trang trại tại khu chăn nuôi tập trung ở xã Cây Gáo (H.Trảng Bom) rồi buộc phải đóng cửa trại vì gà chết hàng loạt do dịch bệnh lây lan”.
* Vẫn còn e ngại trước thay đổi
Tuy “gỡ” quy hoạch chăn nuôi tập trung là cần thiết nhưng nhiều chủ trang trại đã đầu tư dự án trong khu chăn nuôi tập trung cũng không khỏi lo ngại trước những thay đổi khi quy hoạch chăn nuôi tập trung không còn áp dụng.
Ngành chăn nuôi hiện đã có những quy định riêng là buộc phải đặt các trang trại cách xa khu dân cư, trường học... Lĩnh vực quản lý môi trường cũng có quy định nước thải trong chăn nuôi phải xử lý đạt loại A trước khi thải ra môi trường, khí thải cũng phải đảm bảo. Các ngành sẽ dựa vào những quy định trên để kiểm soát chặt nhằm đảm bảo về môi trường, dịch bệnh gia súc, gia cầm. |
Ông Trần Văn Tuệ, chủ trại chăn nuôi gia cầm tại xã Sông Thao (H.Trảng Bom) lo lắng vì 2 năm trước ông Tuệ đầu tư không ít tiền mở thêm trang trại chăn nuôi trong khu chăn nuôi tập trung của huyện. Mỗi lần làm một dự án mới, người chăn nuôi tốn rất nhiều công sức và thời gian để hoàn chỉnh các loại giấy phép, hồ sơ.
“Giờ khu chăn nuôi tập trung bị gỡ bỏ mà quy hoạch mới vẫn chưa biết sẽ thay đổi ra sao. Trong khi đó, khu quy hoạch trước đây dành riêng cho chăn nuôi có khá nhiều nhà đầu cơ về mua đất. Họ đua nhau phân lô, bán nền khiến người chăn nuôi chúng tôi rất lo lắng vì theo quy định mới, chăn nuôi phải tách rời khỏi khu dân cư” - ông Tuệ cho biết.
Đồ họa thể hiện số lượng, phân bố vùng chăn nuôi của các địa phương trong tỉnh(Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) cho rằng, bỏ quy hoạch chăn nuôi tập trung là điều cần thiết vì đã giải quyết nỗi lo rất lớn của người chăn nuôi là nguy cơ lây lan dịch bệnh vì tập trung chăn nuôi quá đông ở cùng một khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Hậu, ở giai đoạn hiện nay, đầu tư một dự án chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn về quỹ đất, nhất là tình trạng các quy hoạch chồng chéo nhau vì đang trong giai đoạn giao thoa, thay đổi; yêu cầu về thủ tục, hồ sơ vẫn quá phức tạp. Những quy định trong chăn nuôi cũng chưa rõ ràng nên khi đầu tư trang trại, có dự án chăn nuôi mới đầu tư ngay sát trang trại trước thì nỗi lo rủi ro lây lan dịch bệnh vẫn còn đó.
* Nhiều ràng buộc khác
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Xuân Lộc cho biết, bỏ quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung không ảnh hưởng đến những vùng, trang trại chăn nuôi đang hoạt động. Tuy nhiên, với những dự án đầu tư mới, trước đây là do huyện thỏa thuận địa điểm thì nay đều do tỉnh cấp phép. Mặc dù vậy, đầu tư chăn nuôi vẫn phải đáp ứng phù hợp quy hoạch kinh tế của địa phương.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, khi không còn quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi thì tỉnh sẽ căn cứ vào các quy định tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp, môi trường... để kiểm soát, nếu đáp ứng được mới cấp phép đầu tư. Trong đó, vấn đề môi trường được tỉnh rất quan tâm nên các dự án chăn nuôi không đảm bảo về môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm cao thì sẽ không đủ điều kiện cấp phép đầu tư. Trong đó, các sở, ngành, địa phương sẽ căn cứ vào Luật Chăn nuôi mới cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn... để quản lý.
Các địa phương sẽ thực hiện nghiêm quy định không được chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư nhằm kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Theo bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch, theo quy hoạch của địa phương, Nhơn Trạch không phát triển chăn nuôi và đang thực hiện việc di dời tất cả các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn. Tại H.Nhơn Trạch, mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao đang được khuyến khích nhân rộng.
Bình Nguyên