Những ngày vui của Qatar 2022 đã đi qua nhưng những gì để lại ở một trong các kỳ World Cup đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá sẽ còn lưu giữ. Ngay cả các kỷ lục, con số đằng sau nó cũng nói lên nhiều điều.
Những ngày vui của Qatar 2022 đã đi qua nhưng những gì để lại ở một trong các kỳ World Cup đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá sẽ còn lưu giữ. Ngay cả các kỷ lục, con số đằng sau nó cũng nói lên nhiều điều.
Biển người đón Messi và Argentina “vinh quy bái tổ” |
Với 172 bàn thắng (trung bình 2,69 bàn/trận), đây là kỳ World Cup người xem được mãn nhãn nhất kể từ khi được mở rộng lên 32 đội (kỷ lục cũ là 171 bàn tại France 1998 và Brasil 2014). Tuy nhiên, kỷ lục về bàn thắng không đồng nghĩa với sự lên ngôi trở lại của bóng đá tấn công, mà một phần từ các trận đấu có tỷ số chênh lệch hay cơn mưa bàn thắng như: Anh - Iran 6-2 (trận đấu có nhiều bàn thắng nhất), Tây Ban Nha - Costa Rica 7-0 (trận đấu có cách biệt lớn nhất), Bồ Đào Nha - Thụy Sĩ 6-1; ngay trận chung kết cũng có đến 6 bàn chia đều cho Argentina và Pháp.
Con số 8 pha lập công của vua phá lưới Mbappe (bằng với “người ngoài hành tinh” Ronaldo ở Nhật Bản - Hàn Quốc 2002) cũng là cao nhất trong hơn nửa thế kỷ kể từ khi Gerd Mueller lên ngôi với 10 bàn ở Mexico 1970. Không chỉ vậy, tiền đạo người Pháp còn sở hữu kỷ lục lập hat-trick trong trận chung kết, điều mà trước đó chỉ có Geoff Hurst làm được khi giúp tuyển Anh đánh bại Đức 4-2 để lần đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất vô địch World Cup 1996. Với 12 bàn thắng sau 2 kỳ World Cup, Mbappe cũng vượt “vua bóng đá” Pele trở thành chân sút số 1 trước tuổi 24. Còn có thể tham dự 3 kỳ World Cup nữa, kỷ lục này sẽ tiếp tục được phá sâu.
Không chỉ Mbappe mà Quả bóng vàng Lionel Messi cũng chỉ thua kém có 1 bàn, là cầu thủ lớn tuổi nhất có 7 lần sút tung lưới đối thủ tại một kỳ World Cup, đồng thời lập kỷ lục ghi bàn ở tất cả các vòng đấu, từ vòng bảng, 1/8, tứ kết, bán kết đến chung kết. Không chỉ vậy, cùng với Bruno Fernandes (Bồ Đào Nha) và Harry Kane (Anh), Messi còn là cầu thủ có nhiều pha kiến tạo nhất World Cup 2022 với 3 đường chuyền thành bàn. Câu trả lời giữa Messi và Ronaldo ai xuất sắc hơn đã rõ, khi tất cả những gì CR7 làm được tại Qatar chỉ là bàn thắng duy nhất trong trận mở màn vào lưới Ghana từ quả penalty để trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn ở 5 kỳ World Cup liên tiếp.
Một chi tiết khác nói lên bóng đá phòng ngự - phản công mới là chủ đạo ở World Cup 2022. Kể từ khi bắt đầu tiến hành thu thập dữ liệu vào năm 2002, chưa bao giờ tại một kỳ World Cup số cú sút cầu môn lại ít đến thế. Trong 64 trận ở Qatar 2022, cầu thủ 32 đội chỉ tung ra tổng cộng 1.458 cú dứt điểm (trung bình 22,8/trận), trong khi con số kỷ lục là 1.661 tại Brasil 2014. Đáng chú ý, chỉ có 37,3% cú sút và 7,1% số bàn thắng được thực hiện ngoài vòng cấm. Điều này đến từ lối chơi pressing tầm cao cùng hệ thống phòng ngự chặt chẽ được đa số các đội áp dụng.
Cũng chính vì vậy mà trên đất Qatar đã chứng kiến nhiều cú “ngựa về ngược” của các đội “chiếu dưới” trước các đối thủ “chiếu trên”. Theo định nghĩa, một đội có cơ hội chiến thắng chỉ 33% mà hạ được đối thủ ở vòng bảng (và 47% ở vòng knock-out) được coi là bất ngờ, thì đã có 15 trận như vậy, chiếm tỷ lệ 24%. Đây là con số cao nhất trong lịch sử 22 kỳ World Cup. Cơn địa chấn lớn nhất thuộc về trận Nhật Bản ngược dòng quật ngã Tây Ban Nha khi đại diện châu Á được đánh giá chỉ có 17,7% cơ hội so với 82,3% của Tây Ban Nha. Không chỉ vậy, đây cũng là chiến thắng của một đội có tỷ lệ cầm bóng thấp nhất trong một trận đấu (Nhật Bản chỉ có 17% thời gian kiểm soát bóng).
Cũng đáng suy nghĩ là tại World Cup 2022, các trọng tài đã 23 lần chỉ tay vào chấm 11m (bình quân 0,36 quả penalty/trận, chỉ sau World Cup 2018) và trung bình các trận đấu có đến 11 phút bù giờ. Từ đây, các cầu thủ phải hết sức thận trọng và phải nhớ chưa có tiếng còi thì trận đấu chưa kết thúc.
Yên Chi