Không phải nhà vô địch Hà Nội FC, càng chẳng phải đại gia mới nổi Bình Định, mà Hải Phòng mới là đội bóng ấn tượng nhất V.League 2022.
Không phải nhà vô địch Hà Nội FC, càng chẳng phải đại gia mới nổi Bình Định, mà Hải Phòng mới là đội bóng ấn tượng nhất V.League 2022.
HLV Chu Đình Nghiêm đầy cá tính nhưng cũng bị… ghét bậc nhất |
Những nhà tổ chức giải và khán giả trung lập phải cảm ơn đội bóng đất Cảng đã cứu cuộc đua vô địch khỏi sớm rơi vào cảnh chợ chiều nhàm chán; nếu không có họ, ngôi vương đã ngã ngũ từ vòng 21.
Là HLV giàu thành tích ở V.League khi cùng Hà Nội FC giành 3 chức vô địch trong 5 mùa tiếp quản ghế nóng (ngoài ra, còn có 3 Siêu cúp, 2 Cúp quốc gia), nhưng nhiều người vẫn cho rằng đó là nhờ vị trợ lý họ Chu thừa hưởng di sản từ con người đến lối chơi của đàn anh Phan Thanh Hùng để lại.
Giờ đây, những hoài nghi đã tan biến. Hầu như phải làm lại từ đầu với một CLB Hải Phòng chỉ đứng thứ 3 từ dưới lên sau 12 vòng đấu mùa rồi, lực lượng chỉ vào loại khá, lại không đồng đều, thiếu chiều sâu đội hình, thế mà thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm là đối trọng cạnh tranh chức vô địch cho đến giờ phút cuối cùng. Đã có lúc Hà Nội FC phải “run rẩy” trước mạch 14 trận cuối mùa bất bại, trong đó có tới 10 chiến thắng của đối thủ.
Dấu ấn lớn nhất của HLV 52 tuổi quê Thanh Hóa là thành công trong việc thay đổi hoàn toàn lối chơi truyền thống của đội chủ sân Lạch Tray. Từ một đội bóng thiên về sức mạnh, băm bổ, những đường tống bóng lên phó mặc cho tiền đạo ngoại binh, dưới tay HLV Chu Đình Nghiêm, Hải Phòng chơi mềm mại, tươi tắn hơn với những pha lên bóng theo tuyến, phối hợp đa dạng, có ý tưởng, cộng với những bài tình huống cố định được tập luyện nhuần nhuyễn. Không còn một Hải Phòng sẵn sàng đá rắn, tiểu xảo, triệt hạ đối phương để trụ hạng; thay vào đó là một ứng cử viên có lối chơi tấn công hừng hực, bắt mắt nhằm hướng đến danh hiệu.
May mắn cho ông Nghiêm là sở hữu bộ 3 ngoại binh quá chất nhưng cũng phải kể đến con mắt tinh đời. Cần nhớ Rimario bị Bình Định thanh lý vì chỉ ghi 2 bàn sau 12 vòng đấu V.League 2021, còn Moses Oloya bị Hà Nội FC cho… đã già. Quá hiểu 2 học trò cũ, ông Nghiêm đón về Lạch Tray và tất cả đã thấy tiền đạo người Jamaica bùng nổ, còn cựu tiền vệ tuyển Uganda vẫn là “người không phổi” như thế nào. Còn Mpande là tiền đạo của Hải Phòng từ năm 2019, nhưng ở giai đoạn 1 ông Nghiêm lại sử dụng anh ở vai trò trung vệ. Chỉ sau khi mượn được Đặng Văn Tới, cầu thủ cao 1,83m này mới được đẩy lên vị trí sở trường bên cạnh Rimario và mang về 6 bàn thắng.
Với nội binh, của quý lớn nhất mà Hải Phòng có được là Hải Huy, người lần đầu tiên vừa được HLV Park gọi lên đội tuyển Việt Nam. Không chỉ có 5 pha lập công, anh thực sự là nhạc trưởng, người cầm trịch điều phối lối chơi. Cũng từng giữ vai trò tương tự ở Than QN nhưng vì sao ở tuổi 33, trong màu áo mới, đây mới là mùa giải chói sáng nhất của Hải Huy? Hay việc người ta nói nhiều về chuyện HAGL cho mượn Triệu Việt Hưng và Châu Ngọc Quang, nhưng chắc gì ở lại Phố núi 2 tiền vệ này được thường xuyên ra sân và trở thành đôi cánh không thể thiếu như trong đội hình Hải Phòng? Trong tay HLV Chu Đình Nghiêm, 2 trung vệ Bùi Tiến Dụng và Đặng Văn Tới dù không cao nhưng đối phương phải ngước nhìn.
Hạn chế lớn nhất của Hải Phòng là lực lượng thiếu chiều sâu, cả 9 vòng đầu tiên họ hầu như chỉ sử dụng một đội hình, với thường xuyên 14-15 cầu thủ. Tuy nhiên, càng về cuối, nhờ được tin tưởng trao cơ hội, những Thái Bình, Trung Hiếu, Quang Nho, Văn Minh, Phú Nguyên, Thành Đồng đã trưởng thành nhanh chóng, thu ngắn khoảng cách với các vị trí chính thức.
Có điều, V.League 2022 còn chưa chính thức kết thúc thì Hải Phòng và HLV Chu Đình Nghiêm đã đứng trước mối lo cho mùa sau. Ngoài việc giữ bộ 3 ngoại binh, phương án nào để thay thế những cầu thủ đi mượn, để không giẫm lại vết xe V.League 2016 cũng là á quân nhưng ngay năm sau đó rơi xuống hạng 7?
Đông Kha