Nhìn vào những chỉ số chuyên môn, không ai có thể phủ nhận Hà Nội FC xứng đáng lên ngôi. Họ là đội thắng nhiều nhất (15 trận), có hàng công hiệu quả nhất (ghi 46 bàn), thua ít nhất (chỉ 3 trận) và hàng thủ cứng cựa thứ nhì (thủng lưới 20 lần, chỉ sau Viettel 14 bàn).
Nhìn vào những chỉ số chuyên môn, không ai có thể phủ nhận Hà Nội FC xứng đáng lên ngôi. Họ là đội thắng nhiều nhất (15 trận), có hàng công hiệu quả nhất (ghi 46 bàn), thua ít nhất (chỉ 3 trận) và hàng thủ cứng cựa thứ nhì (thủng lưới 20 lần, chỉ sau Viettel 14 bàn).
Bầu Hiển cùng vợ và con trai, Chủ tịch CLB Đỗ Vinh Quang mừng cúp vô địch |
Thành tích ấy đặt trong bối cảnh đầu mùa có nhiều xáo động khiến chức vô địch càng thêm thuyết phục. Ngay trước thềm mùa giải mới, HLV Park Choong-kyun bất ngờ chia tay đội về Hàn Quốc, người trợ lý đồng hương Chun Jae-ho lên thay chỉ có 1 tuần tiếp quản. Tiếp đó là câu chuyện ồn ào đi hay ở gây phân tâm của Quang Hải và ngôi sao số 1 của CLB kết thúc hợp đồng, xuất ngoại sau vòng 4. Chưa hết, ngay trước ngày khai mạc, 11 cầu thủ, trong đó có cả 4 thủ môn, mắc Covid-19 khiến 3 trận đầu của CLB phải hoãn.
Trong rủi có may, xuất phát và nóng máy chậm hơn các đối thủ (4 vòng đầu chỉ thắng 2, hòa 2, vòng 5 lại nhận thất bại đầu tiên trên sân SHB.Đà Nẵng), nhưng bù lại HLV Chun Jae-ho có thêm thời gian làm việc với các học trò. Từ vòng 6, Hà Nội FC bắt đầu vào guồng với chuỗi 7 chiến thắng liên tiếp, chính thức đoạt ngôi đầu từ vòng 9 và dẫn đầu suốt cho đến khi về đích.
Việc Hà Nội FC gần như độc hành, tách biệt với phần còn lại có nguyên nhân các đối thủ trực tiếp chưa sẵn sàng cho cuộc soán ngôi. Nếu ĐKVĐ Viettel gần như sớm chấp nhận trao lại vương miện thì Hải Phòng, Bình Định lại… thiếu “gen” vô địch, liên tục từ bỏ khi cơ hội mở ra. Đó lại là thứ mà Hà Nội FC có thừa, làm nên điểm khác biệt lớn nhất.
Không còn Quang Hải, Đình Trọng; Thành Lương đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, chỉ thi thoảng vào sân và 3 ngoại binh Sjiladi, Lucao, Tonci không bằng những ngoại binh trước đây, so với 5 lần vô địch trước, Hà Nội FC không mạnh và hoàn hảo bằng. Bù lại, họ rất biết cách thể hiện bản lĩnh và khả năng tự điều chỉnh. Đó là nhờ đội hình có chiều sâu với hàng loạt cầu thủ trẻ kịp trưởng thành. Ít nhất mỗi vị trí, trong tay HLV Chun Jae-ho đều có tối thiểu 2 lựa chọn có trình độ tương đương nhau. Trung vệ Duy Mạnh sa sút thì Việt Anh tiến bộ vượt bậc. Đức Huy mất chỗ tiền vệ phòng ngự bởi Đậu Văn Toàn và Thái Quý. Thái Quý còn có thể đá hậu vệ ở cả 2 cánh khi Đoàn Văn Hậu hay Văn Kiên có vấn đề. Thay Hùng Dũng đã có Hai Long. Trong vai trò tiền đạo, ngoài tuyển thủ Phạm Tuấn Hải còn có Lê Xuân Tú, Văn Dũng, Văn Tùng… Chính nhờ vậy mà nhà vô địch không phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh. Bằng chứng là tiền đạo Tuấn Hải - chân sút số 1 của đội bóng thủ đô - đã có 9 pha lập công, đang cùng Tiến Linh dẫn đầu các chân sút nội. Trong khi 3 “Tây” chỉ đóng góp 14/46 bàn (Lucao 8 bàn, Sjiladi 4, Tonci Mujan 2). Số còn lại đều thuộc về các nội binh, trong đó có cả 3 hậu vệ: Việt Anh, Văn Hậu và Thành Chung. Thậm chí, rất nhiều trận Hà Nội FC chỉ dùng một ngoại binh trên sân.
Một thay đổi lớn mùa này của Hà Nội FC đó là triết lý lối chơi. Vẫn là chủ động kiểm soát, bóng sệt, bật nhả nhưng đa dạng hơn bởi những pha chuyền dài, trung bình, tạt cánh đánh đầu. Bớt đi hào nhoáng, hoa mỹ, thay vào đó sẵn sàng nhẫn nhịn, kiên trì để tìm chiến thắng cuối cùng. Ngoài 5 trận thắng đậm CLB TP.HCM 6-0, B.Bình Dương 3-0 và 5-1, Nam Định 5-2 và SHB.Đà Nẵng 3-0, hầu hết chiến thắng của nhà vô địch đều với cách biệt tối thiểu 1 bàn.
13 năm xuất hiện ở V.League, 6 mùa xưng vương, 5 lần á quân, 1 lần hạng 3 và sẽ còn tiếp tục là thế lực của sân cỏ Việt Nam. Tầm vóc của Hà Nội FC có vai trò quyết định to lớn của “ông bầu” Đỗ Quang Hiển, trong đó trái ngọt mùa này với ông không chỉ là chức vô địch thứ 6 mà là lượng CĐV Hà Nội FC đã tăng vọt như hằng mơ ước. Con đường ấy “bầu” Hiển và đội bóng phải đi 16 năm, bắt đầu từ Giải hạng Ba.
Đông Kha